Mua "phế liệu" cận tết

Cập nhật, 05:42, Thứ Sáu, 13/01/2017 (GMT+7)

Bơi chiếc xuồng nhỏ chất đầy ve chai các loại cặp vào mé sông để chuẩn bị “cân” cho các vựa “phế liệu”, chị Tạ Thị Hoàng Anh (xã Hòa Thạnh- Tam Bình) kể lại: “… Tui làm nghề này đã trên 30 năm, địa bàn thu mua là các “xẻo”, “ngọn” rạch không có xe vô thu mua “ve chai”. 

Các
Các "xuồng ve chai" len lỏi trong các ngọn rạch thu mua phế liệu.

Hồi đó cực lắm vì phải chèo, nay đã có máy “kô le” nên khỏe hơn nhiều. Khi nào nước xuôi thì chèo cho đỡ tốn xăng…”

Nhiều người cùng có chung “nghề” với chị Anh cho biết thêm: Làm nghề này, mùa nắng đỡ vất vả hơn mùa mưa vì phải dùng bạt để đậy phía trên. Nguy hiểm nhất là gặp các đoạn sông lớn, có sóng to, gió mạnh, ghe có thể bị chìm hay rung lắc rất khó điều khiển.

Ngày tết, lượng thu mua phế liệu tăng lên rất nhiều so với ngày thường bởi nhà nào cũng dọn dẹp vệ sinh nhà cửa cho gọn gàng chuẩn bị đón tết. Phế liệu thu mua đa phần bằng nhựa, nhôm, đồng, giấy, linh kiện điện tử các loại.

Giá cả thì muôn hình vạn trạng bởi người bán “giải phóng” được những vật dụng không cần thiết trong gia đình nên khá hào phóng.

Bà Trần Thị Tuyết (ấp Long Công, xã Phú Lộc- Tam Bình) cho biết: “… Gần tới tết là xóm này thu gom phế liệu để bán ve chai, vừa có tiền để mua xà bông tẩy rửa lại không phải ném phế liệu xuống sông gây ô nhiễm môi trường, tiện lợi đôi bên…”

Nếu trừ hết các khoản chi phí ăn uống, xăng dầu, mỗi chiếc ghe “ve chai” có lời từ 150.000- 200.000 đ/ngày, ngày tết thì con số này cao hơn nhiều bởi phế liệu nhiều hơn ngày thường. Nhiều người còn tổ chức thu mua nhiều chuyến trong ngày.

Nhiều người mua ve chai trên sông rạch còn “bật mí” thêm: Tết là thời điểm làm ăn tốt nhất trong năm, vì mua được nhiều vật dụng hư hỏng, giá rẻ hơn mọi ngày lại có khi tận dụng lại được do chủ nhà cho rằng đã lạc hậu hay chiếm diện tích trong nhà gây cản trở trong việc đi lại hay kém vẻ
mỹ quan.

Ở trên bờ việc thu mua “ve chai” cũng tất bật không kém. Nếu như ngày trước người đi mua sử dụng gióng gánh thì nay họ sử dụng các loại xe 3 bánh nhỏ gọn, vừa chứa được nhiều phế liệu, vừa dễ dàng cơ động trong các con hẻm nhỏ và thu mua từ thành thị đến nông thôn. Tuy nhiên với những tuyến giao thông trắc trở thì phải nhường lại cho đội quân thu mua “ve chai đường thủy”.

Anh Nguyễn Văn Bình (phường Cái Vồn- TX Bình Minh) cho biết: “… Nghề này gần tết kiếm tiền dễ hơn ngày thường rất nhiều, nên có khi huy động thêm người để thu mua tiếp.

Mỗi người đều có địa bàn thu mua khác nhau, ít có tình trạng “lấn sân”. Trừ các khoản chi, thuê người, mỗi ngày gần tết tôi cũng kiếm được từ 300.000- 400.000đ, năm nay ăn tết “sung” hơn năm trước…”

Dù thu mua “ve chai” trên bộ hay dưới sông thì đại đa số người hành nghề này đều có chung nhận xét: giá thu mua không quan trọng nhiều với người bán, ngược lại nếu người mua nhanh nhẹn, khéo léo, dễ bắt chuyện, nhiệt tình dọn dẹp tiếp chủ nhà thì có khi lại “trúng mánh” lớn bởi có khi chủ nhà hào phóng không lấy tiền bán “ve chai” mà còn cho người mua ve chai một ít quà tết hay tiền “bồi dưỡng” công dọn dẹp. Lại có khi người mua “vớ” phải những vật dụng tuy cũ kỹ nhưng vẫn còn sử dụng tốt.

Ngày tết, nhìn những chiếc ghe, chiếc xe chất đầy “ve chai” tấp nập ngược xuôi, nhiều người rất ngao ngán, thương hại, lo lắng cho đội quân thu mua, nhưng xem ra nguồn thu mang về cho họ không nhỏ so với ngày thường vừa đủ để họ có được một cái tết trọn vẹn lại vừa góp phần làm đẹp cảnh quan, môi trường sống cho cộng đồng mỗi khi xuân về, tết đến.

Bài, ảnh: PHAN THỊ ANH THƯ (TP Cần Thơ)