Khi phái mạnh sẻ chia

Cập nhật, 14:01, Thứ Ba, 31/01/2017 (GMT+7)

Tư tưởng “việc nhà là của phụ nữ” đã lạc hậu, dần được xóa bỏ. Phái mày râu hôm nay yêu thương người phụ nữ của mình luôn cảm thông, chia sẻ mọi việc, và chính điều đó mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc cho cả gia đình.

Cũng xuất phát từ điều này mà phong trào “Giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà” dành cho nam giới của tỉnh An Giang đã được phát động hiệu quả, gây tiếng vang, trở thành phong trào mới lạ, thể hiện sự bình đẳng giới lại chan chứa yêu thương.

Đàn ông chỉ “giỏi việc nước” là chưa đủ

Khởi phát phong trào nam “Giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà” là từ huyện Tri Tôn, do ông Hồ Việt Hiệp- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang phát động cách đây 2 năm, lúc đó ông là Bí thư Huyện ủy Tri Tôn. 

Trong lần dự tổng kết phong trào thi đua phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nghe một cán bộ nữ chia sẻ thành tích nổi bật trong chuyên môn cùng rất nhiều công việc chị đảm đương ở nhà.

“Thế còn chồng của chị đâu?”- ông Hiệp hỏi. Khi biết anh ấy còn “ngồi đọc báo, xem ti vi”, ông Hiệp đã nhận thấy cần phải thay đổi nhận thức trong nam giới.

Vậy là ông phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà” trong toàn thể nam cán bộ, công chức viên chức của huyện.

Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều nhân tố nổi bật, trong đó phải kể đến thầy Phan Văn Nhị- Chủ tịch Công đoàn cơ sở, giáo viên Trường Tiểu học “A” Tà Đảnh.

Với “việc nước”, thầy có bề dày thành tích là giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia, là Nhà giáo ưu tú, được tặng Huân chương Lao động hạng ba...

Còn với “việc nhà”, thầy luôn biết cách tổ chức cuộc sống gia đình có nề nếp. Để ổn định cuộc sống, ngoài giờ đến trường, thầy còn sản xuất lúa giống và là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện.

“Tuy vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng chia sẻ cùng vợ (cũng là giáo viên) để lo cho con cái đi học và gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn”- thầy nói.

Tận dụng mảnh đất sau nhà, thầy còn trồng rau để lo bữa ăn hàng ngày. Việc đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc mẹ già... vợ chồng cứ ai về tới là xắn tay vô làm.

Tuy khá bận rộn nhưng thầy luôn quan tâm việc học của các con nên cả 2 cháu đều học giỏi. Thầy cũng chú ý giáo dục kỹ năng sống, dạy con phụ giúp việc nhà.

“Chính nhờ việc sắp xếp, tổ chức nề nếp gia đình đã tiếp sức cho công việc trôi chảy, tạo sự gắn bó trong gia đình. Đó là nền tảng vững chắc xây dựng gia đình hạnh phúc”- thầy Phan Văn Nhị nói.

Hạnh phúc là sẻ chia

Sống trong gia đình có 4 thế hệ, anh Trần Tấn Tới- Đội trưởng Đội xe, thu gom, cơ khí thuộc Công ty TNHH 1TV Môi trường đô thị luôn chu toàn công việc và chăm lo cho gia đình.

Trong công việc, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những sáng kiến, đề xuất hay, hiệu quả. Còn ngoài giờ làm việc là anh luôn tranh thủ phụ vợ buôn bán, san sẻ việc nhà, chăm sóc mẹ già và nuôi dạy con cháu.

Thấy hoàn cảnh gia đình còn nhiều vất vả: mẹ già đi lại khó khăn cần sự chăm sóc, vợ bị mất sức lao động, hàng ngày chỉ buôn bán hàng cháo trước cửa nhà; anh Tới đã ý thức được vai trò trụ cột gia đình, cố gắng vượt lên tất cả để làm tròn trách nhiệm, xứng đáng là người chồng chia sẻ, gánh vác việc nhà với vợ.

Mỗi ngày, anh dậy từ tờ mờ sáng phụ vợ dọn hàng, nhóm lửa rồi chuẩn bị đi làm; trưa về lại vào bếp cùng vợ dẹp dọn hàng cháo, lo bữa cơm cho cả nhà và lại phụ vợ chuẩn bị nguyên vật liệu cho buổi bán sáng hôm sau.

“Có món ăn anh nấu còn khéo hơn cả vợ”- vợ anh Tới là chị Nguyễn Thị Thu Điệp tự hào khoe. “Mỗi khi thấy tôi bận việc thì anh xắn tay áo vô làm phụ mà không ngần ngại gì.

Còn giặt đồ, quét nhà là chuyện hàng ngày”- chị Điệp cười tươi. Tết năm nào cũng vậy, dù rất bận rộn với công việc vệ sinh đường phố, nhất là đêm 29 tết phải làm tới tận 3 giờ sáng, nhưng anh vẫn tranh thủ hết mức để phụ vợ chuẩn bị nhà cửa tươm tất đón tết.

Với anh, nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp đón ông bà là tỏ lòng thành kính và sẽ mang may mắn đến.

Anh Tới cho biết, khi Công đoàn cơ sở công ty phát động thì phái nam hưởng ứng đăng ký ngay. Bởi suy nghĩ công việc gia đình là nhiệm vụ của riêng phụ nữ giờ đây là rất lạc hậu và chỉ khi cùng làm công việc, mới thấy được sự cực nhọc của phụ nữ. Cũng nhờ sự chia sẻ này mà càng vun đắp hạnh phúc gia đình.

Với vợ chồng anh Tới, để giữ tình yêu thương nồng ấm suốt bao năm nay cũng là bí quyết rất riêng: Cứ vào ngày chủ nhật, anh chị luôn dành thời gian riêng để đi câu cá. Đây là cách giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống vừa “hâm nóng” tình cảm vợ chồng.

Thật vậy, chỉ cần nhìn vào ánh mắt long lanh chan chứa tình yêu thương, quý mến của người vợ đã hiểu rằng người chồng này tuyệt vời biết bao! Chị Điệp nói “số mình thật có phước, những việc anh làm đều từ tình yêu thương và trách nhiệm”. Với chị, “chồng là số một”.

Chúng tôi đến nhà thầy Văng Thụy Vỹ- giáo viên Trường THCS Lý Thường Kiệt (TP Long Xuyên). Tiếp chúng tôi, bà Lý Thị Ngọc- mẹ vợ thầy Vỹ- hết lời khen ngợi con rể hiền lành, không rượu chè, cái gì cũng phụ giúp vợ.

Được khen thưởng trong phong trào “Giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà”, thầy Văng Thụy Vỹ khiêm tốn nói “còn có nhiều đồng nghiệp khác cũng giỏi lắm”.

Vợ thầy- cô Dư Thị Nguyệt Lan- có tiệm bánh kem và chè nên khá bận rộn. Vậy là cứ sau giờ lên lớp, thầy lại tất bật phụ giúp vợ từ việc nhà đến buôn bán, thầy làm xông xáo và “chuyên nghiệp” nhiều công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu đến làm bánh, nấu chè.

Đến chiều thì vợ chồng cùng nhau buôn bán đến tận khuya. Tuy khá bận rộn nhưng nguyên tắc của thầy là vẫn phải đảm bảo việc trường. Những khi rảnh là thầy tranh thủ xử lý việc trường lớp hoặc nghiên cứu tài liệu để trang bị thêm kiến thức.

Cô Nguyệt Lan thì mỉm cười hạnh phúc: “Nhờ sự chia sẻ của chồng mà tôi không cảm thấy mệt mỏi, khó nhọc trong cuộc sống. Anh ấy luôn có trách nhiệm với gia đình, biết chia sẻ việc nhà và hết mực yêu thương vợ con”.

Bà Huỳnh Thị Thu Loan- Trưởng Ban Nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang- cho biết: Phong trào đã góp phần làm thay đổi tư tưởng và nhận thức của các anh, xóa bỏ quan niệm phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình, chung tay xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. 

Phong trào “Giỏi việc nước, chia sẻ việc nhà” của tỉnh An Giang thu hút đông đảo lao động nam đăng ký tham gia với nhiều việc làm có ý nghĩa thiết thực. Nâng cao nhận thức của nam giới trong hỗ trợ công việc gia đình, tạo điều kiện cho lao động nữ có thời gian nghỉ ngơi, học tập, nghiên cứu, chăm sóc bản thân, góp phần thực hiện bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.

Các cấp công đoàn tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào tại địa phương, đơn vị. Qua phát động, có 22.000 công chức, viên chức, công nhân, lao động nam đăng ký tham gia. Các cấp công đoàn đã xét, công nhận trên 14.000 lao động nam đạt danh hiệu; trong đó, Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên dương 122 cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

Bài, ảnh: HẢI YẾN- XUÂN TƯƠI