Đề xuất bỏ quy định nghỉ 60 phút cho con bú vấp phải sự phản đối

Cập nhật, 13:47, Thứ Năm, 12/01/2017 (GMT+7)

Điều 155 trong Bộ luật Lao động hiện hành quy định “Lao động nữ nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút”.

Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật lao động sửa đổi đưa ra đề xuất bỏ quy định này và đang có nhiều ý kiến phản đối.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Quy định lao động nữ nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút được nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tuân thủ khá đầy đủ. Đây cũng là chính sách giúp đỡ rất nhiều phụ nữ trong quá trình nuôi con nhỏ. Việc một số doanh nghiệp đề xuất bỏ chính sách này đang vấp phải sự phản đối của nhiều người, nhất là phụ nữ.

Chị Nguyễn Minh Thu, Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại và thẩm mỹ Green Tara cho rằng nên giữ nguyên quy định ưu tiên nghỉ 60 phút cho phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi.

Chị Nguyễn Minh Thu nói: “Nếu cắt đi thời gian nghỉ, lợi ích của đứa bé bị ảnh hưởng vì tuổi nhũ nhi rất cần bú sữa mẹ và gần gũi mẹ. Thực sự giai đoạn này là giai đoạn cần mẹ chăm sóc, vì vậy có thêm một tiếng vẫn hơn. Theo tôi, vẫn nên giữ lại việc nghỉ 60 phút và sau thời gian đó họ có thể làm bù, nhưng cũng phải quy định nằm trong khoảng thời gian bao nhiêu để bù đắp quãng thời gian đã bị tiêu hao”.

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong Dự thảo Luật lao động sửa đổi đã đưa ra đề xuất bỏ quy định này. Thực tế đây là kiến nghị của nhiều doanh nghiệp. Việc lao động nữ đi muộn 30 phút và về sớm 30 phút, doanh nghiệp khó bố trí kế hoạch sản xuất, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ như dệt may, da giầy...

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Hà Đình Bốn cũng cho rằng, nên giữ quy định nghỉ 60 phút như hiện nay bởi đây là quy định nhân văn. Việc bỏ hay giữ quy định cần phải tập hợp ý kiến, thời gian tới trình Quốc hội xem xét có thông qua hay không. Đối với những quy định đang thực hiện tốt, đảm bảo quyền lợi của người lao động thì Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xem xét giữ nguyên. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh thực hiện những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ, để trách nhiệm xã hội không đè nặng lên doanh nghiệp.

Ông Hà Đình Bốn nói: “Sau khi tổng hợp ý kiến cũng như xin ý kiến các Bộ, ngành và đánh giá tác động, chúng tôi vẫn trên tinh thần là những gì đã có trong quy định mà thực hiện ổn định lâu dài và đảm bảo quyền con người, quyền công dân cần phải giữ lại. Những nội dung đó dù có tác động đến xã hội, người sử dụng lao động nhưng vì mục đích cuối cùng, mục đích cao cả là vì con người, vì người lao động, chúng ta phải đảm bảo. Cũng như việc nâng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng, đảm bảo quyền của con người cũng như đảm bảo sự phát triển giống nòi, của dân tộc. Vì vậy cần phải giữ lại quy định đó”./.

Theo Kim Thanh/VOV - Trung tâm tin