​Công tác dân số qua năm bản lề nhiều khó khăn

Cập nhật, 12:59, Thứ Sáu, 30/12/2016 (GMT+7)

Năm 2016 là năm đầu tiên công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) triển khai trong điều kiện khó khăn khi chuyển từ Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ sang chương trình mục tiêu y tế- dân số.

Vì nòi giống, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con (ảnh chỉ có tính chất minh họa).
Vì nòi giống, mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Long (Sở Y tế), đến nay Trung ương vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện kinh phí chương trình mục tiêu y tế dân số năm 2016; dẫn đến các hoạt động của các đề án, mô hình, hoạt động truyền thông bị ảnh hưởng. 

Thực hiện Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BTC-BYT quy định đối tượng ưu tiên được miễn phí thực hiện dịch vụ KHHGĐ, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh phải là đối tượng nghèo, cận nghèo. 

Trong khi đó, việc chậm ban hành khung giá tiếp thị xã hội về các dịch vụ này, dẫn đến việc không đáp ứng kịp thời nhu cầu người dân, cũng như hoàn thành các chỉ tiêu KHHGĐ, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh.

Năm qua, các trung tâm dân số tuyến huyện đã tổ chức rộng rãi hàng trăm cuộc truyền thông tư vấn cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, thực trạng và tác hại của mất cân bằng giới tính khi sinh, biện pháp ngăn chặn phân biệt giới... cho hàng ngàn lượt người quan tâm và có liên quan. 

Các đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động, phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi, trẻ sơ sinh”; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”; mô hình “Kiểm tra và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân”... đã bước đầu đem lại kết quả khả quan về mặt số liệu và quan trọng hơn là nâng cao ý thức người dân đối với công tác dân số, sức khỏe sinh sản (SKSS).

Theo ông Nguyễn Văn Huỳnh- Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, bên cạnh các mặt đạt được, tồn tại hạn chế hiện có thể thấy: chênh lệch giới tính tăng 1,3% điểm so cùng kỳ (tỷ lệ dân số giới tính năm 2016 đối với bé trai/bé gái là 111,8/100). 

Thêm nữa, do khống chế đối tượng ưu tiên miễn phí nhưng tiếp thị xã hội và thị trường chưa có biện pháp tránh thai lâm sàng, sàng lọc sơ sinh nên các chỉ tiêu này đạt thấp.

Theo ông Lý Thái Sơn- Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vũng Liêm, trong trường hợp đối tượng ưu tiên miễn phí các dịch vụ nói trên là nghèo và cận nghèo và khi “nhu cầu của người dân cao” thì nhất thiết cần phải xã hội hóa kinh phí để làm có thể làm đại trà cho mọi người dân.

Theo số liệu thống kê năm 2015, dân số tỉnh Vĩnh Long là 1.094.625 người, so chỉ tiêu chiến lược 5 năm chỉ tăng 53.246 người. Trong đó số phụ nữ 15-49 tuổi có chồng là 213.000 người, số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là hơn 147.600 cặp (69,3%).

Trong thực hiện chiến lược dân số và SKSS tỉnh các năm tới được nhận định có nhiều thách thức. Theo đó, chất lượng dân số Vĩnh Long vẫn còn ở mức thấp, tỷ lệ dị tật và suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở ngưỡng cao. 

Theo báo cáo chuyên ngành đến tháng 10/2016, mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn tiến theo chiều hướng tăng và chưa có dấu hiệu dừng (chênh lệch giới tính là 116,4 bé trai/100 bé gái); mức sinh chênh lệch giữa các địa bàn các huyện còn cao.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Phòng Truyền thông, Chi cục DS-KHHGĐ, vẫn có các cơ hội để thúc đẩy hỗ trợ như: chăm sóc SKSS ngày càng được cải thiện, tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai trong đó tránh thai hiệnđại ngày càng tăng. 

Hoạt động truyền thông, vận động thúc đẩy xây dựng chính sách, huy động nguồn lực và tạo môi trường xã hội thuận lợi cho công tác dân số và SKSS.

Năm 2017, ngành dân số tỉnh đưa chỉ tiêu thực hiện mức giảm tỷ lệ sinh là 00‰; tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai/bé gái là < 113/100; 39,5% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh; 46% trẻ mới sinh được sàng lọc sơ sinh. Cùng với đó, từng chỉ tiêu (số người) cụ thể sử dụng 6 biện pháp tránh thai. 

Theo Chi cục DS-KHHGĐ, kết quả giảm sinh được cho còn làm thay đổi rõ rệt cơ cấu dân số theo tuổi. Tỉnh Vĩnh Long cùng với cả nước bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. 

Đây là điều kiện để địa phương cũng như cả nước tạo đà phát triển. Từ đó thúc đẩy mục tiêu giảm sinh trong Chiến lược Dân số quốc gia đạt sớm hơn dự kiến.

Chất lượng dân số Vĩnh Long vẫn còn ở mức thấp; mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn tiến theo chiều hướng tăng và chưa có dấu hiệu dừng; mức sinh chênh lệch giữa các địa bàn còn cao... là những thách thức đặt ra cho tỉnh trong công tác DS-KHHGĐ thời gian tới.

Để thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, cần phải có sự tham gia hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó cần tính tới yếu tố xã hội hóa nguồn kinh phí.

Bài, ảnh: MINH THÁI