Giúp chị em thêm việc làm, thêm thu nhập

Cập nhật, 15:09, Thứ Năm, 03/11/2016 (GMT+7)

Nhiều năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho chị em đạt hiệu quả cao. Hàng trăm lớp dạy nghề như: may công nghiệp, đan thảm lục bình, xe lõi lác, đan giỏ nilon, đan găng tay,... phối hợp giải quyết việc làm cho trên hàng chục ngàn lao động.

Nhờ sự nỗ lực của các cấp Hội LHPN tỉnh, đã tạo việc làm ổn định cho chị em.
Nhờ sự nỗ lực của các cấp Hội LHPN tỉnh, đã tạo việc làm ổn định cho chị em.

Phát huy vai trò Hội LHPN

Thực hiện Đề án về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm”, các cấp Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long triển khai nhiều hoạt động thiết thực, giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.

Theo đó, các cấp hội phối hợp mở 1.000 lớp dạy nghề đan tiểu thủ công nghiệp, nữ công gia chánh, may công nghiệp với 31.500 chị tham dự; tư vấn giới thiệu và tạo việc làm trên 72.000 chị.

Các cấp Hội LHPN đã đưa ra nhiều biện pháp như tổ chức các lớp dạy nghề ở nông thôn; nâng cao chất lượng cơ sở dạy nghề của Hội LHPN tỉnh, để làm nòng cốt cho công tác đào tạo nghề của các địa phương, mở rộng thêm nhiều ngành nghề để chị em có thể tiếp cận và tham gia, từ đó giải quyết việc làm tại chỗ cho chị em nông thôn.

Nhiều mô hình tạo việc làm tại chỗ như: mô hình trồng nấm bào ngư, sản xuất giống lúa sạch, dịch vụ gia đình, trồng hoa lan; tổ trồng khoai, tổ may màn gối,... giúp chị em nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp là một trong những nội dung được Hội LHPN xã Ngãi Tứ (Tam Bình) chú trọng.

Đây là địa phương đầu tiên của huyện Tam Bình hình thành làng nghề đan thảm lục bình từ năm 2008 và đến nay đã phát triển được 3 làng nghề, với hơn 1.500 lao động nữ tham gia, chiếm khoảng 60% tổng số lao động nữ của xã.

Tận dụng thời gian rảnh, nhiều chị em phụ nữ xã Ngãi Tứ đã nhận đan gia công thảm lục bình. Mặc dù chỉ là công việc làm thêm, thế nhưng thu nhập bình quân hàng tháng của mỗi lao động cũng góp phần đáng kể để nâng cao mức sống cho gia đình.

Chị Thu Vân (xã Ngãi Tứ) phấn khởi: “Tranh thủ thời gian rảnh, tui đươn thảm. Hồi đó, ba cái lục bình này bị bỏ trôi sông, giờ mọi người gom lại phơi khô để đan thảm kiếm tiền. Coi vậy chứ đươn một tháng kiếm hơn triệu rưỡi đó”.

Lớp may công nghiệp là mô hình khá thành công từ Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, thu hút đông đảo lao động tham gia vì các công ty may trên địa bàn tỉnh hàng năm cần một số lượng lớn công nhân may đã qua đào tạo.

Chị Huỳnh Thị Bé Tám (xã Tân An Hội) đang làm cho công ty may đặt tại Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện Mang Thít cho biết: “Lúc trước, tui làm công ty điện tử trên Sài Gòn.

Tiền trọ, ăn uống hàng tháng tốn kém nên làm không có dư. Về quê đi học nghề may rồi được công ty nhận làm luôn. Lương được 3 triệu ngoài, làm gần nhà nên cuộc sống ổn định hơn”.

Sau khi được hỗ trợ dạy nghề, chị Võ Thị Trúc Ly (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) tham gia tổ liên kết xe lõi lác do Hội LHPN xã thành lập, được trang bị máy xe lõi, có thêm thu nhập nên cuộc sống gia đình chị được cải thiện.

Chị Ly cho biết: “Nhà hổng có ruộng, ảnh đi mần thuê nên cuộc sống khó lắm. Nhờ được học nghề nên có chuyện mần xe lõi, tui có thêm tiền chi tiêu, lo cho con ăn học”.

Thêm việc, thêm tiền cho chị em

Chị Thạch Thị Sa Pha thoăn thoắt trên khuôn lục bình.
Chị Thạch Thị Sa Pha thoăn thoắt trên khuôn lục bình.

Ấp Sóc Rừng là ấp còn nhiều khó khăn ở xã Loan Mỹ (Tam Bình), với hơn 35% hộ nghèo. Trong năm 2016, để góp phần giảm nghèo, ấp đã mở được 1 lớp đan thảm lục bình có 26 hội viên phụ nữ tham gia.

Bí thư Chi bộ ấp Sóc Rừng Trần Văn Thảo cho biết: “Đã có thêm 24 chị em đăng ký, sắp tới chúng tôi sẽ mở thêm 1 lớp nữa”.

Căn nhà mới tinh tươm nằm cạnh đường nhựa vào chợ xã Loan Mỹ là của vợ chồng chị Thạch Thị Sa- On. Đây cũng là hộ được thoát nghèo gần đây nhờ tích cực tham gia lao động và tiết kiệm chi tiêu ở ấp Sóc Rừng.

Chị Thạch Thị Sa- On vui vẻ: “Lúc trước, vợ chồng tui đi làm ở Sài Gòn, để cháu cho bà ngoại giữ. Nay có thêm đứa nhỏ này, nên tui ở nhà chăm con”- chị chỉ tay về bé gái mới hơn 1 tuổi. Chị cười: “Mỗi ngày, tui vừa giữ con vừa làm thêm được cỡ 20.000đ, dù ít nhưng không làm ra tiền thì khó chịu lắm”.

Trong khi đó, chị Thạch Thị Sa Pha vừa bị thoái hóa cột sống vừa bị viêm xoang trước nay vẫn không làm nặng được thì nhờ học đan thảm mà có “đồng ra, đồng vô”.

Chị Sa Pha vừa thoăn thoắt đôi tay trên khung thảm lục bình, vừa nói: “Tui bệnh nên làm được ít hơn chị em bạn, mỗi đợt 10 ngày thì được gần 200.000đ thôi nhưng mừng lắm vì góp được chút tiền cho con đi học, chồng đỡ cực hơn”.

Chồng chị Sa Pha đi làm thuê ở nhà máy xay xát lúa gạo là lao động chính và duy nhất trong nhà nên hoàn cảnh rất khó khăn. Chị Sa Pha khoe: “Thằng con trai tui học lớp 4 đi làm về cũng biết giúp mẹ làm khung đó”.

Công việc nhẹ nhàng, có thể làm những lúc nông nhàn, rỗi việc nhà đã giúp nhiều phụ nữ nông thôn tăng thu nhập.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn vì giá lục bình cao, càng về mùa mưa thì lục bình càng mắc. Chị Sa Pha nói “phải chi có số vốn thì mùa nắng tui mua lục bình vựa lại, đến mùa mưa làm luôn là tiết kiệm được 3.000đ mỗi ký đó!”

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN