Nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10)

"Điểm tựa" tuổi xế chiều

Cập nhật, 07:00, Thứ Bảy, 01/10/2016 (GMT+7)

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có khoảng 600 người cao tuổi (NCT) không người chăm sóc. Thực tế, vẫn còn rất nhiều NCT cô đơn không nơi nương tựa vì nhiều lý do khác nhau đang là vấn đề đặt ra cho toàn xã hội.

Luyện tập dưỡng sinh giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe.
Luyện tập dưỡng sinh giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe.

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và CLB Liên thế hệ chăm sóc và phát huy vai trò NCT (sau đây xin gọi tắt là CLB Liên thế hệ) đã và đang góp phần san sẻ những khó khăn cho NCT, trở thành “điểm tựa” cho tuổi xế chiều.

 

NCT cần thêm nhiều điểm tựa

Chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Kim Anh (81 tuổi, ấp Tường Thạnh, xã Hòa Bình- Trà Ôn) cũng là lúc trời bắt đầu đổ mưa. Cách 2 năm, căn nhà lá xiêu vẹo của bà không chống nổi mưa gió nên đã sập đổ.

Cũng nhờ Chi hội NCT ấp đứng ra vận động cất cho bà căn nhà vách lá, mái lợp tôn để trú ngụ, nên giờ bà có thể an tâm mỗi khi mưa về. Nhìn trên bàn thờ có di ảnh người phụ nữ còn trẻ, bà Kim Anh thì nấc nghẹn, không nói nên lời.

Ông Lê Văn Tấn- Phó Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ cho biết: Gần đây, khi con gái bà Kim Anh lâm bệnh nặng, CLB đã đứng ra vận động cấp tốc trong một ngày được 2,1 triệu đồng và trao liền cho bà để đưa con đi chữa trị nhưng con bà đã không qua khỏi...

Không có ruộng đất sản xuất, lại bị bệnh cao huyết áp và hạ can xi, bà Kim Anh chủ yếu sống nhờ vào tiền trợ cấp NCT cùng các nguồn hỗ trợ của địa phương. Hiện, bà sống cùng gia đình đứa cháu nội.

Vì hoàn cảnh, cả 2 vợ chồng đứa cháu đều làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ), mỗi sáng phải đi rất sớm để gửi con bên nhà ngoại chăm sóc, tan ca lại rước con và đến tối mịt mới về nhà ngủ, nên hầu hết thời gian bà Kim Anh đều thui thủi một mình và tự chăm sóc bản thân. Hỏi về những ước muốn, bà cười hiền: “Tui mong mình không phải lo cái ăn mỗi ngày là vui lắm rồi”.

Vượt qua con đường nhỏ bé trơn trợt, lầy lội sau trận mưa rào, chúng tôi đến thăm ông Võ Văn Điền (90 tuổi) đang lúc đứa cháu nội đang rang cơm nguội ăn, còn con trai ông thì nằm vắt vẻo trên võng với gương mặt hốc hác.

Ông nói: “Tui sống cùng vợ chồng thằng út, nhưng cả năm nay nó nằm một chỗ do mang trong người đủ chứng bệnh: cao huyết áp, tiểu đường, nám gan... Vợ nó và đứa cháu nội lớn (17 tuổi) phải đi phụ việc kiếm tiền trang trải cho gia đình, đứa cháu nhỏ thì năm nay chỉ mới học lớp 10, nên cuộc sống khó khăn đủ bề”.

Trước hoàn cảnh khó khăn của ông Điền, chính quyền và đoàn thể đã cất cho ông căn nhà tình thương. Chi hội NCT hỗ trợ cho ông 700.000đ (gồm: gạo và tiền mặt) để vượt qua khó khăn trước mắt. Bên cạnh, khi có các nguồn hỗ trợ, ông luôn được xét ưu tiên. Ông tâm sự: “Tui chỉ mong mình có sức khỏe để chăm sóc con trai và chút đỉnh tiền ăn uống mỗi ngày”.

Theo ông Lê Văn Tấn, qua 1 năm hoạt động, CLB đã huy động trên 35 triệu đồng hỗ trợ cho NCT nghèo, khó khăn.

CLB còn thành lập tổ tình nguyện viên là những người có chuyên môn về y tế thường xuyên tới chăm sóc thăm nom 5 NCT bị bệnh thường xuyên; tổ tình nguyện viên hỗ trợ việc làm- cũng là những người có chuyên môn hướng dẫn cho NCT cách thức làm ăn và có nhóm dưỡng sinh với 24 người luyện tập mỗi sáng để rèn luyện sức khỏe.

Cần được quan tâm hơn

Tỉnh Vĩnh Long hiện có gần 118.000 NCT, chiếm 10,23% dân số. Số NCT thuộc diện hộ nghèo còn cao và đa số không có khoản tiết kiệm riêng khi về già, phần lớn sống phụ thuộc vào sự hỗ trợ chăm sóc của con cháu và có khoảng 98% NCT mắc từ 2 bệnh trở lên. Hầu hết, đều rất khó khăn khi tiếp cận vay vốn, khó tham gia các chương trình đào tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình.

Ở những nơi có ít NCT thì không đủ điều kiện tham gia chương trình giảm nghèo của các tổ chức chính phủ cũng như phi chính phủ. Đối với chính sách hiện tại, NCT từ 70 đến 79 tuổi ít được quan tâm. Riêng NCT từ 80 trở lên hầu hết chương trình chính sách chỉ tập trung vào chăm sóc khi ốm đau.

Theo ông Lê Văn Tấn, năm 2015, ấp Tường Thạnh có 10 NCT thuộc diện hộ nghèo. Qua điều tra tiếp cận đa chiều, đến nay đã tăng lên 21 NCT nghèo.

Đây là bài toán đặt ra cho CLB vì nguồn vận động còn rất ít không đủ đáp ứng nhu cầu cho NCT. Tuy nhiên, với sự tâm huyết của các thành viên, chúng tôi sẽ cố gắng tìm nguồn vận động để hỗ trợ tốt nhất cho NCT, đồng thời trang bị kiến thức để NCT vươn lên thoát nghèo.

Bà Lê Thị Bảy Nhỏ- Chủ tịch Hội NCT huyện Trà Ôn cho biết: Toàn huyện có 288 NCT khuyết tật, 124 NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, cùng các cấp hội có nhiều hoạt động chăm lo cho NCT nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đảm bảo để NCT có điều kiện sinh hoạt thoải mái, chủ yếu sống nhờ vào cộng đồng.

Năm 2015 đến nay, toàn huyện đã thành lập 3 CLB Liên thế hệ và trong tháng 10/2016 này sẽ tiếp tục ra mắt thêm 2 CLB nhằm góp phần hỗ trợ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT nhất là NCT thuộc diện nghèo, khó khăn, cô đơn, tàn tật.

Bà Ngô Thị Hồng Lạc- Chủ tịch Hội NCT tỉnh cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, cả tỉnh hiện có 600 NCT không có người chăm sóc. Với chính sách an sinh xã hội cùng sự góp sức các cấp hội, NCT đã được quan tâm nhiều mặt.

Tuy nhiên, vẫn còn ở chừng mực nào đó, chứ chưa thực chất đi vào chiều sâu. Điều mà hội luôn trăn trở là làm sao để NCT được quan tâm đến miếng ăn, giấc ngủ và cuộc sống hằng ngày chứ không chỉ vào dịp lễ, tết.

 

Năm 2016 là năm thứ 2 các cấp Hội NCT tổ chức tháng hành động vì NCT Việt Nam. Với chủ đề “Chăm sóc NCT cô đơn không nơi nương tựa”, trong tháng các cấp hội sẽ phối hợp tổ chức khám sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà cho trên 1.000 NCT (300.000- 500.000 đ/phần). Đồng thời, tổ chức hội thao, họp mặt kỷ niệm nhằm động viên NCT “sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội”.

 Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI