Lối đi nào cho cử nhân "vùng trũng"?

Cập nhật, 07:13, Thứ Ba, 25/10/2016 (GMT+7)

Chuyện cử nhân, thạc sĩ mất phương hướng giữa cái “vòng xoáy thất nghiệp”, chưa bao giờ nóng như bây giờ. Nóng vì câu chuyện sinh nhai ở đồng bằng ngày càng khó khăn hơn, buộc con người ta phải “học để thoát nghèo”, cùng với việc đào tạo ồ ạt ở cấp đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), đưa đến thực trạng “ùn tắc” ở đầu ra tìm việc.

Hệ lụy là những món nợ của gia đình, gánh nặng của xã hội và sự nhụt chí, mất niềm tin vào bản thân của một lớp trí thức trẻ. Lời giải nào cho bài toán việc làm? Nhiều câu hỏi đặt ra, trong khi những tấm bằng cử nhân, thạc sĩ chưa đủ sức tìm ra lời đáp.

Kỳ 1: Trăm kiểu thất nghiệp ở đồng bằng

Hàng loạt các thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) hay báo cáo ở các địa phương, với hàng trăm ngàn cử nhân thất nghiệp đã là một gánh nặng không hề nhỏ cho gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, những con số chưa thể nào “chỉ mặt, đặt tên” cho một thực trạng xã hội hiện nay, mà để giải quyết căn cơ vấn đề đòi hỏi rất nhiều giải pháp liên ngành một cách đồng bộ và quan trọng hơn cả là thay đổi “tư duy” của những người trong cuộc.

Học sinh băn khoăn chọn ngành “dễ tìm việc”.
Học sinh băn khoăn chọn ngành “dễ tìm việc”.

Nhân lực ở “vùng trũng”

TP Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL có nhu cầu cao về đào tạo nhân lực. Thành phố có 5 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH, 5 trường CĐ và 1 phân hiệu CĐ với hơn 7.300 giảng viên. Quy mô đào tạo khoảng 160.000 sinh viên (SV). Hàng năm, có hơn 14.000 SV tốt nghiệp.

Các tỉnh khác trong khu vực cũng tăng cường đào tạo nhân lực. Theo kết quả khảo sát của Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Long An, trên 176.000 lao động tại các doanh nghiệp thì tỷ lệ cán bộ có trình độ ĐH trở lên chiếm 6,14%. Tại tỉnh Tiền Giang, lao động có trình độ ĐH, CĐ có hơn 49.000 người, chiếm 4,8% tổng số lao động.

Vấn đề đặt ra là, ĐBSCL là khu vực có trình độ dân trí đang đứng ở vị trí tốp dưới trong cả nước, rất cần đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhưng, việc đào tạo ồ ạt để nâng cao trình độ dân trí có ảnh hưởng đến bài toán việc làm không? Từ đây, cũng tạo ra trăm kiểu thất nghiệp ở “vùng trũng” này.

Theo bà Nguyễn Kim Hường- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH tỉnh An Giang, nâng trình độ của lao động là rất cần thiết, đất nước phát triển thì trình độ học vấn phải được nâng cao, nhưng đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm.

Nếu chỉ nâng cao dân trí mà không giải quyết việc làm thì mới được một nửa mà thôi, đó là chưa hẳn một nửa này... tròn về chất lượng. Chưa kể hiện có khá đông các bạn trẻ làm trái nghề và đây có phải là một dạng
thất nghiệp?

Tuy nhiên, bà Võ Ngọc Thứ- nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB và XH tỉnh Kiên Giang, có cách nhìn khác: “Làm không đúng ngành nghề không phải là điều gì ghê gớm và không nên xem đó là thất nghiệp”.

Nhiều doanh nghiệp cũng đồng ý với ý kiến này, bởi đây cũng là cơ hội tốt rèn luyện kỹ năng mềm mà đa phần SV còn thiếu. Nếu có đủ kiến thức, bản lĩnh và những kỹ năng cần thiết, thì những người trẻ có thể đi lên từ bất cứ vị trí, công việc nào.

Cái đáng sợ là sự thụ động trong quá trình tìm việc, đưa đến sự mất tự tin của phần đông SV ra trường, càng làm trầm trọng thêm thực trạng thất nghiệp hiện nay.

Trừ một số trường hợp được đào tạo chuyên ngành sâu và sau ĐH, lại phải “dấn thân” vào những việc làm đơn giản chỉ vì... “miếng cơm manh áo”, thì có thể gọi là một dạng “chảy máu chất xám” cục bộ hoặc là sự “lãng phí nguồn nhân lực”.

Phấn khởi khi nhận tấm bằng tốt nghiệp song không ít cử nhân chật vật trên chặng đường tìm việc. Ảnh: VINH HIỂN
Phấn khởi khi nhận tấm bằng tốt nghiệp song không ít cử nhân chật vật trên chặng đường tìm việc. Ảnh: VINH HIỂN

Trăm đường thất nghiệp

Một đồng nghiệp ở An Giang nhắc câu chuyện “cười ra nước mắt”, anh vừa dự tiệc mừng của một thạc sĩ loại giỏi đã xin được việc làm là… bán vé xe khách cho một hãng xe ở TP Long Xuyên. Bà Nguyễn Kim Hường “bồi” thêm câu chuyện ghé thăm Trường trung cấp (TC) Nghề Dân tộc Nội trú tỉnh An Giang có 2 SV ĐH đăng ký vào đó học nghề TC.

“Khi tôi hỏi tại sao, thì các em này cho biết cầm bằng ĐH đi xin việc thì doanh nghiệp không nhận vì phải trả lương cao, mà doanh nghiệp chỉ cần TC thôi”. Bà Nguyễn Kim Hường cho biết thêm: “Như ở ĐH An Giang, chỉ tính ngành sư phạm hàng năm ra trường khoảng 660 SV, trong khi nhu cầu trong tỉnh chỉ bằng số lẻ, tức khoảng 60 biên chế. Vậy, số còn lại đi đâu, về đâu?”

Bạn Nguyễn Thị Thùy Trang tốt nghiệp ĐH ngành kế toán, hiện đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Phú.

Trang chia sẻ: “Làm công nhân chung với tôi còn mấy bạn cùng ngành nữa!” Trang quê ở xã Trung Hiệp (Vũng Liêm- Vĩnh Long), học TC Kế toán rồi liên thông lên CĐ, sau đó từ CĐ liên thông lên ĐH. Quá trình liên thông đó đã tốn không ít tiền bạc và công sức.

Trang nói: “Tôi xin làm việc đúng chuyên ngành ở các công ty lớn thì không ai nhận, doanh nghiệp nhỏ thì lương khoảng 2 triệu/tháng, không đủ ăn uống và tiền nhà trọ”.

Vậy là, Trang chọn làm công nhân hơn 6 tháng nay vì mức lương hơn 3 triệu và có cơm trưa “cũng đủ cho cuộc sống và tiện tặn thì có dư chút đỉnh”- Trang thở dài.

Khoảng 50% câu hỏi trong các lần tư vấn tuyển sinh thời gian gần đây là học ngành gì ra trường có việc làm?

Em Nguyễn Quốc Đạt- học sinh Trường THPT Trưng Vương (TP Vĩnh Long)- hỏi về ngành công nghệ thực phẩm kèm theo nỗi băn khoăn “cơ hội việc làm của ngành này ra sao?” Trong khi đó, em Lê Thị Hồng Nga- Trường TH cấp II- III Mỹ Thuận (Bình Tân)- lại mâu thuẫn về sở thích và cơ hội việc làm.

Nga nói: “Em thích ngành tài chính ngân hàng, em định xét tuyển vào Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long rồi sau đó học liên thông lên ĐH. Nhưng, em nghe nói ngành này đang rất khó tìm việc nên lo lắng quá”. SV năm cuối Nguyễn Thành Long- Trường ĐH An Giang- đang ôn bài cuối khóa cũng lo lắng: “Em sắp ra trường rồi mà chưa thấy công ty nào tuyển, em sợ không “quen biết” không xin được việc làm”.

Trăm nỗi băn khoăn, trăm đường thất nghiệp. Tâm trạng hoang mang của những SV sắp ra trường và của hàng ngàn cô, cậu “cử” đang mất định hướng trên con đường nhọc nhằn của cuộc mưu sinh là có thật. Tại sao những tấm bằng cử nhân lại không... vượt qua được nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền?

 

ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu hecta với dân số hơn 18 triệu người. Thế mạnh của vùng là phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng đây cũng là “vùng trũng” về giáo dục.

Theo số liệu thống kê gần đây, toàn vùng có 175 SV/ vạn dân, trong khi bình quân cả nước là 277 SV/ vạn dân. Có 42 trường ĐH, CĐ (trong đó có 17 trường ĐH, 25 trường CĐ), bình quân khoảng 1,2 triệu dân có 1 trường ĐH.

Trường nói ít, xã hội nói nhiều

Việc khảo sát và thống kê tình hình việc làm của SV sau khi ra trường ở mỗi đơn vị lại không giống nhau và con số khảo sát có khi là rất nhỏ. Trong khi xã hội luôn dậy lên làn sóng cho rằng: Thực tế có quá nhiều cử nhân thất nghiệp, nhưng thống kê của các trường luôn là những con số đẹp, với tỷ lệ SV có việc làm luôn ở mức cao (?).

Khi tham gia tư vấn tuyển sinh, các trường đều cho rằng tỷ lệ SV ra trường có việc làm của ngành mình rất cao.

Có trường khẳng định học ngành này, nghề kia chắc chắn sẽ có việc làm. Con số thống kê của các trường thường dựa trên số liệu trang web trường, gọi điện thoại cho SV, gửi thư đến gia đình,… những trường có báo cáo này là ĐH Bạc Liêu, ĐH Cửu Long và ĐH Cần Thơ.

Năm 2014, Trường ĐH Bạc Liêu có 550 SV tốt nghiệp, trong đó, trường khảo sát được 267 SV. Trong đó, có 47,2% SV có việc làm đúng chuyên ngành, 19,8% SV làm không đúng chuyên ngành và 33% SV ra trường chưa có việc làm.

Trường ĐH Cần Thơ là trường ĐH có chất lượng đào tạo đứng đầu khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, việc đánh giá SV gặp nhiều khó khăn.

Thống kê năm 2014, số lượng SV tham gia chỉ khoảng 200 em trong khi số SV ra trường vừa qua hơn 8.000 người! “Bức tranh tổng thể về cử nhân thất nghiệp chỉ là con số ước lượng”- GS. TS. Nguyễn Thanh Phương- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho biết. Vấn đề khó khăn của trường là đã dùng nhiều cách thu thập thông tin nhưng vẫn có ít SV phản hồi, trong khi số SV tốt nghiệp hàng năm quá lớn.

Ở Trường ĐH Cửu Long, Phòng Tuyển sinh- Tư vấn hướng nghiệp có nhiệm vụ điều tra tình hình lao động việc làm của SV.

Trưởng phòng là Mai Quốc Việt cho biết: “Khi SV tốt nghiệp, chúng tôi ghi lại thông tin, số điện thoại và trực tiếp gọi để thu thập thông tin. Theo quy định của ban giám hiệu, chúng tôi phải thống kê ít nhất 50% số SV tốt nghiệp năm đó. Lợi thế của chúng tôi là số SV tốt nghiệp hàng năm không quá lớn”.

Theo kết quả thống kê trong 4 năm gần đây, con số SV có việc làm của trường luôn ở mức từ 70% trở lên.

Thật ra, đó chỉ là những cuộc khảo sát dạng “bỏ túi”, được chăng hay chớ, nên chắc hẳn khó có được con số đáng tin cậy. Trong khi đó, hiện tượng này cần có những cuộc điều tra mang tính xã hội học, cần ở cấp độ sâu hơn để hiểu rõ những tâm tư, nguyện vọng, những phận đời ẩn sau những con số “có” hoặc “không” việc làm.

Để có thể “điều chỉnh” cả hệ thống giáo dục và định hướng nghề nghiệp bớt “cảm tính”, tránh lãng phí một nguồn nhân lực trẻ của khu vực có gần 18 triệu dân của đồng bằng.

Bài toán lao động- việc làm đã trở thành mối lo chung của toàn xã hội. Bởi lẽ, lao động không có việc làm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những cá nhân và gia đình, mà nó còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, khu vực, quốc gia.

Sự thất nghiệp gia tăng ở đội ngũ trí thức trẻ, cũng là một hiện tượng dự báo cho chất lượng của nền giáo dục ở bậc ĐH, CĐ và cho thấy sự khiếm khuyết của một nền kinh tế tri thức mà chủ yếu còn trong giai đoạn gia công với những lao động giản đơn.

Cho nên, thất nghiệp không chỉ là bài toán dành riêng cho ngành giáo dục, mà nó là bài toán phức hợp liên đa ngành; trong đó, việc định hướng lại thu hút đầu tư, nâng cao hàm lượng chất xám cho nền nông nghiệp... là những yếu tố sát sườn, tối cần thiết để có thể tìm được những lời giải việc làm cho trí thức trẻ đồng bằng.

Thống kê SV ra trường có việc làm của Trường ĐH Cửu Long

Năm

Tổng số SV tốt nghiệp

SV tham gia khảo sát

SV có việc làm

SV chưa có việc làm

2012

1.749

728

565

163

2013

1.492

674

492

182

2014

881

408

286

122

2015

987

659

521

138

 

>> Kỳ 2: “Đầu xuôi” nhưng đuôi “chưa lọt”

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- NGỌC TRẢNG