Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng...

Kỳ 2: Lớp học đặc biệt của "bà lão chèo đò"

Cập nhật, 06:40, Thứ Bảy, 10/09/2016 (GMT+7)

Cảm thương những đứa trẻ khuyết tật, nghèo khó, lang thang không có điều kiện đến trường, cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (Phường 8- TP Vĩnh Long) đã mở một lớp học tình thương để giúp các em phần nào giảm bớt mặc cảm, có suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống.

17 năm trôi qua, lớp học vẫn được duy trì. Cô Nga dù có già đi thì ngày ngày vẫn tận tụy làm người chèo đò đưa các em nhỏ vốn không may mắn đến với những con chữ. Chúng tôi gọi cô là “bà lão chèo đò” gieo mầm xanh tri thức cho lớp học do mình mở ra bằng tâm huyết, trách nhiệm và lòng thương yêu.

Lớp học đơn sơ bên mái hiên nhà của hơn 30 em có hoàn cảnh đặc biệt.
Lớp học đơn sơ bên mái hiên nhà của hơn 30 em có hoàn cảnh đặc biệt.

Lớp học “5 trong 1”

Lớp học đơn sơ bên mái hiên nhà là nơi học tập hàng ngày của hơn 30 trẻ em do cô Huỳnh Nga phụ trách với mong ước phần nào chia sớt những nỗi đau với các bậc sinh thành và để các em nhỏ có thêm niềm vui, niềm tin vào cuộc sống khi nghịch cảnh đã lấy đi của các em quá nhiều mất mát.

Để vận động các em đến lớp, cô phải nhờ đến sự giới thiệu của các ngành, đoàn thể rồi sau đó đến từng nhà vận động. Sau một thời gian, lớp học tình thương của cô giáo Nga khai giảng với 40 em mà cô khó khăn lắm mới vận động được. Ban đầu lớp học được đặt ở Trường Tiểu học Chu Văn An (nơi cô đang công tác lúc bấy giờ).

Từ năm 2009, lớp học được dời về chính ngôi nhà của cô và đến nay, lớp học được duy trì đều đặn với trên 30 em đến học mỗi sáng, từ thứ hai đến thứ sáu.

Nhìn những gương mặt hồn nhiên đang ê a những con chữ đầu đời, ít ai biết được mỗi em đều có một hoàn cảnh rất đặc biệt.

Cô kể về hoàn cảnh của các em với đôi mắt rưng rưng làm lòng chúng tôi cũng nghẹn đắng: “T.B. ở Phường 8, nhà nghèo, cha mẹ làm mướn, làm thuê nên không được học hành.

10 tuổi rồi mà dáng dấp như trẻ lên 5. T.N. mồ côi cha, ở với ngoại mà ngoại cũng nghèo nên mới 12 tuổi mà phải rong ruổi đầu đường cuối phố bán vé số.

Cô Nga đến từng bàn, cầm tay từng em, tập từng nét chữ.
Cô Nga đến từng bàn, cầm tay từng em, tập từng nét chữ.

Còn 3 chị em Q., N., T. thì ba mẹ ly hôn, không ai chịu nuôi dưỡng nên 3 đứa mướn nhà trọ ở, 2 đứa chị đi bán vé số kiếm tiền nuôi đứa nhỏ, con T. thì bị nhiễm HIV từ cha mẹ. H. thì bị hội chứng down, người ngờ nghệch nhưng giỏi cái vẽ tranh y như hình mẫu,…”.

Mỗi em, mỗi cảnh đời nhưng lớp học “5 trong 1” (chương trình từ lớp 1 đến lớp 5) lúc nào cũng rộn rã, chốc chốc lại nghe “thưa cô, em viết xong rồi”, “cô ơi, em mới giải xong bài toán” và cô kiên nhẫn đến giúp từng em kiểm tra bài vở.

Cô nói không có niềm vui sướng nào hơn khi thấy các em tự tay viết được con chữ, ráp đúng cái vần, tập tành tính đúng bài toán dù là đơn giản nhất. “Các em rất đặc biệt nên để tiếp thu những cái đơn giản ấy là cả một vấn đề”- cô nói với đôi mắt đỏ hoe.

Ngoài dạy chữ, cô còn dạy các em tập thể dục mỗi buổi sáng, hướng dẫn chơi các trò chơi vận động, học hát, học vẽ. Các em từ những đứa trẻ rụt rè, mặc cảm giờ đây đã cởi mở hơn, thân thiện, hòa nhập với mọi người xung quanh. Một số học sinh của cô còn tham gia thi vẽ cấp thành phố và có em đã từng đoạt giải.

Cô Tống Thị Nhê (Phường 2)- phụ huynh của một bạn học sinh- cảm kích nói: “Con tui năm nay 35 tuổi rồi mà như đứa trẻ, lúc trước chỉ đứng một mình trước khung cửa rồi nhìn ra ngoài đường, không nói năng với ai. Từ ngày đi học ở lớp cô Nga đến giờ, nó vui vẻ hẳn lên vì có người chơi cùng. Mỗi sáng, nó biết dậy sớm, háo hức chờ đi học”.

Quyết tâm duy trì lớp học

Dẫu biết rằng hoàn cảnh của các em đều rất đặc biệt, có em bữa học bữa nghỉ, có em học đó rồi quên đó, em thì lúc khóc khóc, lúc cười cười, đánh nhau… ngồi đấy nhưng chẳng tiếp thu được gì nhưng cô không hề nản lòng.

Hơn ai hết, cô hiểu được hoàn cảnh của từng em, khả năng tiếp thu của các em đến đâu vì thế cô chỉ mong lớp học có thể là nơi gắn kết các em, tạo cho các em một niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống chứ “cô không mong gì các em thành đạt”.

Cô cho biết chưa bao giờ có ý định sẽ ngừng dạy. “Khi nào cô còn đứng được thì khi đó lớp học vẫn còn tiếp tục duy trì, dạy đến khi nào lực bất tòng tâm thì thôi”.

Nhiều học trò cũ cảm mến tấm lòng của cô Nga và thương các em nhỏ kém may mắn nên thường xuyên về hỗ trợ quà bánh.
Nhiều học trò cũ cảm mến tấm lòng của cô Nga và thương các em nhỏ kém may mắn nên thường xuyên về hỗ trợ quà bánh.

Động lực lớn lao để cô Nga tiếp tục duy trì lớp học ngoài tình yêu thương vô bờ bến mà cô dành cho các em nhỏ không may còn có sự ủng hộ chung tay từ gia đình và xã hội. Cô tâm sự: “Ban đầu khi dự định mở lớp học này cô có tham khảo ý kiến của ba cô. Lúc ấy, ông hết sức ủng hộ, động viên cô mở lớp.

Rồi khi đi xin giấy phép để mở lớp học cũng được các ban ngành, tổ chức và cá nhân tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Cô thấy những tình cảm ấy thật quý báu làm sao, nó như tiếp thêm sức mạnh để mình quyết tâm bám lớp”.

Hiện, lớp học nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà hảo tâm. Trong đó, phần lớn là những giáo viên đã nghỉ hưu, học trò cũ của cô và chính quyền địa phương. Người thì tặng bánh, tặng sữa, người lại cho tập vở, có cơ quan thì tặng bàn ghế,… vì vậy việc duy trì lớp học cũng có phần thuận lợi hơn.

Anh Nguyễn Thanh Tú (Long Hồ)- một Mạnh thường quân của lớp học chia sẻ: “Tôi và chị gái đều là học trò cũ của cô. Khi biết cô mở lớp học này, chị tôi thường xuyên gửi quà về để hỗ trợ cô giúp đỡ các em phần nào. Lớp học này còn hoạt động đến khi nào thì gia đình tôi sẽ duy trì hỗ trợ đến khi đó”.

Dù tuổi đã cao, sức khỏe có phần giảm sút nhiều, thường xuyên đau nhức do căn bệnh khớp nhưng cô vẫn cố gắng nén đau để đứng trên bục giảng. Cô chăm chút lo cho các em từng cây viết, cuốn tập, tập từng nét chữ, sửa từng bài toán.

Cứ như thế, 17 năm qua cô cần mẫn góp nhặt yêu thương để đến với các em. Không toan tính thiệt hơn, không thu một đồng học phí, tình thương mà cô dành cho các em là vô bờ bến, không mong đáp đền. Mong ước lớn nhất của cô là xã hội quan tâm hơn đến trẻ thiểu năng, tạo cho các em có việc gì đó để làm phù hợp với khả năng để các em có được niềm vui trong cuộc sống.

Cô hiểu được hoàn cảnh của từng em, khả năng tiếp thu của các em đến đâu vì thế cô chỉ mong lớp học có thể là nơi gắn kết các em, tạo cho các em một niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống chứ “cô không mong gì các em thành đạt”.

Cô cho biết chưa bao giờ có ý định sẽ ngừng dạy. “Khi nào cô còn đứng được thì khi đó lớp học vẫn còn tiếp tục duy trì, dạy đến khi nào lực bất tòng tâm thì thôi”.

Kỳ 3: Người gieo niềm tin

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN