Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng...

Cập nhật, 05:58, Thứ Sáu, 09/09/2016 (GMT+7)

Trong cuộc sống, không phải ai cũng luôn gặp những điều may mắn, không phải ai cũng thành công và... không phải ai sinh ra cũng đều hạnh phúc. Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng! Chính tấm lòng biết san sẻ yêu thương đã giúp những mảnh đời khó khăn có thêm nghị lực. Chính tấm lòng luôn biết nghĩ đến người khác, nghĩ đến việc chung đã làm cho cuộc sống ngày thêm tươi đẹp.

Chuyện về những tấm lòng thơm thảo sẽ rất nhiều, mãi mãi sẽ là câu chuyện dài và không bao giờ cũ…

Kỳ 1: Vị nữ chủ tịch sát cánh cùng dân

Người phụ nữ nhỏ nhắn, miệng hay cười nhưng trong sâu thẳm tâm hồn luôn là người luôn biết lo, biết nghĩ cho dân. “Khi nhìn thấy đường lầy lội, người dân phải qua sông bằng đò, bằng xuồng, nhà ở tạm bợ thì tôi không cầm lòng được”!

Thế là chị không ngại khó khăn vận động Mạnh thường quân cùng chung tay góp sức trong khi nguồn kinh phí địa phương có hạn. Nhiều công trình ở địa phương, dù lớn hay nhỏ cũng đều có “bóng dáng” của chị. Vâng! Người phụ nữ ấy cũng chính là Chủ tịch UBND xã Tân Phú Phan Thị Loan.

Chị Loan và người dân trên công trình cầu ấp Phú Nghĩa- Phú Thọ.
Chị Loan và người dân trên công trình cầu ấp Phú Nghĩa- Phú Thọ.

Luôn nghĩ đến khó khăn của dân

Ngày chúng tôi đến, cây cầu bắc ngang 2 ấp Phú Nghĩa- Phú Thọ (xã Tân Phú- Tam Bình) cũng đang thi công. Tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới hòa lẫn tiếng sắt thép leng keng làm cho không khí nơi đây nhộn nhịp hẳn.

Chúng tôi càng bất ngờ hơn, khi đích thân Chủ tịch UBND xã- Phan Thị Loan làm “cô lái đò” chở thợ và những vật dụng cần thiết qua lại hai đầu cầu.

Mồ hôi nhễ nhại, chị Loan không giấu niềm vui: “Mình cùng làm với bà con, bà con sẽ vui và hết mình với công trình”. Ban đầu, ước kinh phí thi công cây cầu trên 860 triệu đồng nhưng khi thực hiện thì chi phí không những “không nở nồi” mà còn giảm gần một nửa do Chủ tịch UBND xã khéo làm công tác dân vận.

Bà con không chỉ tự nguyện đóng góp tiền vật tư, ủng hộ cây làm ván cốp pha, cây chống mà còn góp luôn ngày công. Có người còn ủng hộ cá, thịt heo, gia vị, gạo để nấu cơm cho công nhân xây cầu ăn hàng ngày.

Chú Nguyễn Văn Tấn (ấp Phú Nghĩa) mồ hôi đầm đìa nhưng vẫn vui vẻ cho biết: “Cô Loan là cán bộ nhiệt tình, luôn hết mình với dân. Xã có một nữ cán bộ như vậy rất phấn khởi. Khi nghe cô Loan vận động, tui tự nguyện phụ ngày công để xây cầu mặc dù gia đình đã góp 1 triệu đồng”.

Không ngơi tay, anh Nguyễn Văn Út (ấp Phú Nghĩa) tiếp lời: “Tui là người đồng tình cao khi chị Loan họp dân thông báo xây cây cầu nên tui đã xung phong góp 2 triệu đồng liền. Ngoài ra, tui còn vận động bạn ở TP Hồ Chí Minh góp thêm 10 triệu cho công trình này”.

Nữ Chủ tịch UBND xã Tân Phú Phan Thị Loan (phải) cùng chuẩn bị những bữa cơm cho những người xây cầu, với thức ăn do bà con đóng góp.
Nữ Chủ tịch UBND xã Tân Phú Phan Thị Loan (phải) cùng chuẩn bị những bữa cơm cho những người xây cầu, với thức ăn do bà con đóng góp.

Không chỉ cầu ngang 2 ấp Phú Nghĩa- Phú Thọ mà nhiều công trình khác như: cầu Nhân Ái, cầu giáp với Đông Thạnh (TX Bình Minh), cầu Đường Trâu, cầu đường ấp Phú Yên... cũng có sự góp công góp sức, sự nhạy bén của chị Loan trong triển khai thực hiện, trong vận động Mạnh thường quân, đặc biệt là các công trình cần huy động sức dân.

Chú Huỳnh Văn Giang (ấp Phú Thọ, Tân Phú) chỉ con đường trước mặt khoe: “Trước đây vào những tháng mưa, nước ngập tràn, con đường trở lên sình lầy nên dân khiêng gạch đá lấp đỡ. Được cô Loan cùng các cán bộ xã vận động dân góp ngày công, xã góp vật tư để có con đường đẹp như vậy, các em nhỏ đi học dễ dàng, bà con lối xóm thuận lợi đem hàng hóa ra chợ, mừng lắm…”.

Ông Nguyễn Văn Thương (ấp Phú Nghĩa) góp tiếng: “Cô Loan cùng cán bộ xã đến vận động hiến đất làm nhà máy nước, tôi nghe có lý có tình nên hiến liền 769,3m2 đất mặt tiền”.

Vận dụng bài học “dân vận khéo”

Người phụ nữ nhỏ nhắn, miệng hay cười và trong sâu thẳm tâm hồn là người luôn biết nghĩ, biết lo cho dân. Để có kinh phí xây dựng các công trình, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách, huy động sức dân, chị tranh thủ vận động thêm các Mạnh thường quân cùng giúp sức.

Chúng tôi thắc mắc: Mạnh thường quân chị tìm ở đâu? Sao biết chị mà giúp? Chị cười chân tình: “Mình quen biết Mạnh thường quân qua bạn bè giới thiệu. Cũng có khi biết rồi tự đến để làm quen, biết được thiện chí của mình nên họ cũng sẵn lòng”.

Từ cái chuyện “nhìn thấy đường lầy lội, người dân phải qua sông bằng đò, bằng xuồng, nhà ở tạm bợ, tôi không cầm lòng được” mà chị không quản ngại khó khăn vận động và chính cách làm của chị đã tạo dựng lòng tin với mọi người.

Trước khi làm công trình dù lớn hay nhỏ, chị khảo sát trước xem cần phải làm những công việc gì, khó khăn, thuận lợi và kinh phí để thực hiện.

Sau đó tiến hành họp dân, “nói rõ cho bà con hiểu công trình này xã góp phần nào, dân góp phần nào, có Mạnh thường quân hỗ trợ không, tiền ở đâu ra, thế là dân hiểu và đồng tình làm theo”.

Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng “ngon ơ”, mà có những công trình cũng “người vầy, người khác”. Những trường hợp khó khó thì phải kiên trì theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, mặt khác, sẽ nhờ người thân hay người lớn tuổi trong xã có uy tín giúp sức làm cho họ thấy có lợi, lâu ngày mà đồng tình ủng hộ.

Chị cũng “rút ruột” chia sẻ cùng chúng tôi: “Dân đồng tình và có nguồn kinh phí thì phải bắt tay làm ngay. Vấn đề không kém phần quan trọng là tiền bạc phải rõ ràng, công khai, minh bạch. Có vậy mình mới tạo được lòng tin, khi có nguồn là sẽ nhớ đến mình, đến địa phương mình mà hỗ trợ lâu dài”.

Chính cách làm này, trong năm 2015 và nửa đầu 2016, xã đã vận động được trên 2,1 tỷ đồng từ người dân và các Mạnh thường quân ủng hộ các công trình cho địa phương và đến nay xã cơ bản thực hiện được 17 tiêu chí nông thôn mới.

Rời xã Tân Phú, chúng tôi cảm thấy lòng vui rộn rã khi nhìn thấy những cây cầu nối liền đôi bờ, con đường trải đá phẳng lỳ thay thế cho con đường sình lầy, trơn trợt trước đây. Tin chắc rằng với sự đoàn kết, nỗ lực của UBND xã và người dân ở đây, đặc biệt là vị nữ chủ tịch UBND xã nhiệt tình, trách nhiệm thì trong tương lai rất gần ước mơ về xã nông thôn mới của Tân Phú sẽ không còn xa…

Kỳ 2: Lớp học đặc biệt của “bà lão chèo đò”

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN