Biết hợp sức, đồng lòng- việc gì khó làm cũng xong

Cập nhật, 07:02, Thứ Ba, 20/09/2016 (GMT+7)

 

Anh Nam cùng anh em đội xe cấp cứu xã Tân Lược luôn sẵn sàng 24/24 giờ.
Anh Nam cùng anh em đội xe cấp cứu xã Tân Lược luôn sẵn sàng 24/24 giờ.

Khi nhận thấy điều kiện sống ở nông thôn còn rất khó khăn, đường đi còn gồ ghề, nhiều cây cầu còn lắt lẻo, ghập ghềnh… Họ đã đồng lòng bắc cầu vững chắc, làm đường bằng phẳng, rồi còn cất nhà tình thương, lập đội xe cấp cứu,... Khi biết rằng có nhiều bệnh nhân rất cần những giọt máu đỏ để qua cơn nguy kịch, họ sẵn sàng trở thành “ngân hàng máu sống” cứu người…

Từ những việc làm tốt đó, họ đã tạo sức lan tỏa rất lớn để gắn kết, tập hợp đông đảo mọi người hợp sức, đồng lòng tham gia vào công tác xã hội, góp tay xây dựng quê hương.

Họ là những tấm gương “dân vận” hành động, vận dụng các bài học, tấm gương đạo đức của Bác Hồ “việc gì có ích cho dân thì làm” và làm để “đi dân nhớ, ở dân thương”.

Từ những chuyến xe cấp cứu từ thiện

Quốc lộ 54 đến Bình Tân hôm nay đã tốt hơn 5- 10 năm trước. “Hồi trước Bình Tân rất khó khăn, đường đi đá lởm chởm, phương tiện vận chuyển người bệnh chủ yếu bằng ghe xuồng, tới được bệnh viện là cả vấn đề”- ông Nguyễn Ngọc Tân- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Bình Tân bắt đầu câu chuyện.

“Hồi đó ở Tân Quới, Tân Lược, mỗi xã có một chiếc ghe 3 tấn vượt sông Hậu chuyển bệnh qua TP Cần Thơ cấp cứu nhưng đôi lúc không kịp... Từ đó, chúng tôi vận động thành lập Đội xe cấp cứu miễn phí, đến năm 2011 đã đủ tiền mua chiếc xe cũ cho Tân An Thạnh làm thí điểm”.

Chiếc xe phát huy tác dụng ngay “chạy không kịp nghỉ”: chuyển bệnh kịp thời, hạn chế ca tử vong, các trạm y tế địa phương có phương tiện chuyển bệnh lên tuyến trên…

“Nhu cầu người dân quá cao, xe chạy không ngày nghỉ. Không chỉ là mô hình đột phá của tỉnh, việc tổ chức được xe cấp cứu miễn phí khiến người dân rất vui mừng”- ông Tân nói. Đến cuối năm 2011, Tân Lược vận động mua thêm được một xe cấp cứu nữa, niềm vui của người dân Bình Tân tăng lên gấp bội.

Nhưng lúc ấy Đội xe cấp cứu miễn phí lại khó khăn về nhiên liệu, phải tiếp tục vận động cây xăng, nhà hảo tâm hỗ trợ tiền xăng cho các xe hoạt động.

“Lúc đầu cũng có người lạm dụng, bệnh nặng nhẹ gì cũng kêu xe cấp cứu, vì… miễn phí mà. Nhưng sau cô bác biết ý thức hơn, những gia đình khá còn đóng góp lại phần nhiên liệu và hiện nay còn nhận được nhiều hỗ trợ nên không lo thiếu xăng nữa”- chú Tân cho biết.

Trong khi đó, đội xe luôn có những tài xế thiện nguyện luôn sẵn sàng “nửa đêm thức dậy đi là bình thường”- anh Võ Kỳ Nam (37 tuổi)- Đội trưởng Đội xe cấp cứu xã Tân Lược cho biết.

5 năm qua, anh Nam không nhớ đã lái bao nhiêu chuyến cấp cứu kịp thời, cùng mọi người thiện nguyện với tinh thần “phục vụ không nghĩ tới lương bổng”. Đội có 5 tài xế trực chiến 24/24, hễ “có điện thoại cấp cứu tới là đi, dù 12 giờ đêm hay bất cứ lúc nào”.

Đội xe được tập huấn các kỹ năng cấp cứu cơ bản, hiện mỗi tháng vận chuyển khoảng 100 ca cấp cứu và thực hiện nghiêm quy định: “Ê kíp phục vụ trên xe không được lấy tiền bồi dưỡng”.

Đến nay, ngoài Tân An Thạnh, Tân Lược (3 chiếc), xe cấp cứu miễn phí đã “nhân lên” ở Thành Lợi, Thành Đông và “chúng tôi đang tiếp tục vận động cho các xã vùng rốn lũ (Tân Hưng, Tân Thành) thêm một chiếc nữa.

Từ những chuyến xe cấp cứu miễn phí thiết thực phục vụ người dân đã lan tỏa nhiều chương trình khác, tới đâu người dân cũng đều hết lòng ủng hộ”- ông Nguyễn Ngọc Tân cho biết.

Ai cũng muốn góp công, góp của

Không chỉ “mạnh” các đội xe cấp cứu, theo ông Nguyễn Ngọc Tân: “Bình Tân còn có rất nhiều người chuyên tâm làm việc tốt, vì việc gì giúp ích cho người nghèo thì không nệ công”. Để khơi dậy tinh thần đó, “thời gian đầu khó khăn dữ dằn lắm”.

“Quá trình vận động phải chọn những người có uy tín đi đầu, làm gì cũng phải công khai rõ ràng cho người dân biết để kiểm tra, giám sát từng mét đường, cây cầu mới được”- ông cho biết và đưa chúng tôi đến Tân Lược để gặp trực tiếp những người “ham làm từ thiện quá trời, mà hễ họ làm cầu đường, nhà tình thương ở đâu thì người dân kéo tới đó giúp rất đông”.

Ông Biện Bá Lợi- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Lược- xác nhận: “Tầm thuốc Nam, bếp ăn từ thiện, làm cầu đường… không thể nói chính xác số lượng người tham gia. Chỉ biết khi làm một cây cầu thì những công đoạn cần nhiều công lao động liền có cả trăm người bắt tay vô tiếp. Thanh niên làm việc nặng, phụ nữ tiếp nước uống, việc ai cũng có phần”.

“Những tháng 10, 11 trời lạnh, bắc cầu phải canh con nước làm ban đêm, ai cũng cởi trần, quần đùi nhảy xuống sông. Mọi người nhiệt tình vậy đó”- ông Nguyễn Ngọc Tân nói thêm vào.

Nhờ vậy, từ năm 2014 đến nay, cả xã đã có 8 cây cầu bê tông mới (ngang 3m, dài khoảng 30m) thay thế cầu cũ và hàng chục mét đường giao thông được trải đan, giúp bà con đi lại thuận tiện, con em đến trường an toàn.

Hay tin chuẩn bị làm cầu Mương Ông ở ấp Tân Tiến, chú Bảy Chữ thông báo đã xin đủ cây và bè về sẵn ở mé sông làm dàn giáo, cốp pha phục vụ thi công. Mà “dàn cây đó được cưa theo quy cách làm nhà, gốc lớn cưa xiên kèo, cột, phần nhỏ làm đòn tay…

Cầu Đình vừa hoàn thành, do nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí và hàng trăm ngày công của người dân đóng góp.
Cầu Đình vừa hoàn thành, do nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí và hàng trăm ngày công của người dân đóng góp.

Khi cầu hoàn thành, rút cây lại làm được một mái nhà”- chú Bảy Chữ tính toán chi li, vì “cây xin của bà con rất quý, phải xài cho đúng chỗ”. “Một công đôi việc” tận dụng cây làm cầu xong cất nhà đã giúp cho nhiều người nghèo có mái nhà lành lặn, được người dân “rất ưng bụng” và sẵn lòng đóng góp không cần suy nghĩ.

Theo ông Biện Bá Lợi, khi vận động làm cầu đường đều có nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, nhưng nếu bà con không góp công, góp sức thì cũng không làm nổi. Bởi thực tế, “người dân xắn tay vô cùng làm một cây cầu, sẵn sàng đóng góp hàng trăm ngày công, chúng tôi có thể xây cầu ít tốn kém nhưng bền đẹp, chắc chắn hơn.

Vì việc gì cũng được tổ chức làm rõ ràng, minh bạch, nên đã tạo niềm tin cho bà con. Khi người dân đã tin thì việc gì cũng nghiêng vai cùng lo với mình”- ông Biện Bá Lợi đúc kết kinh nghiệm quý.

 

Trong 5 năm qua, Hội Chữ thập đỏ Bình Tân đã vận động cứu trợ đột xuất 18.920kg gạo và nhiều phần quà khác trị giá trên 748 triệu đồng. Cất 84 nhà tình thương, sửa 145 căn nhà siêu vẹo, trị giá gần 2,8 tỷ đồng. Có 3 tổ chức hưởng ứng mô hình xe cấp cứu chuyển bệnh miễn phí với 6 xe đang hoạt động.

Đi hiến máu trước “lôi kéo” người khác đi theo

Cũng với tinh thần “làm việc có ích”, dù việc làm của mình được đánh giá đã góp phần “cứu sống hàng ngàn bệnh nhân vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo” với nhiều lần được tỉnh, Bộ Y tế khen thưởng và tôn vinh, nhưng chàng trai có thành tích 34 lần hiến máu nhân đạo (HMNĐ) Lương Hoài Linh (ở thị trấn Long Hồ) lại cho rằng: “Không nghĩ gì lớn lao, chỉ biết khi máu được cho đi sẽ cứu giúp cho nhiều bệnh nhân trong cơn nguy kịch, là đã thấy vui lắm”.

Anh Linh tham gia HMNĐ lần đầu 23 tuổi, vì “lúc đó làm công tác Đoàn ở thị trấn Long Hồ, tôi nghĩ phải đi đầu làm gương. Mình nhỏ làm việc nhỏ, việc gì có ích cho xã hội thì làm”.

Rồi những lần sau HMNĐ về vẫn công tác, sinh hoạt bình thường “không có trở ngại gì hết” nên anh Linh tiếp tục vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè HMNĐ cứu người. Anh Linh còn là một vũ công điêu luyện, thường xuyên dạy nhảy (dance) cho các học viên tại các trung tâm văn hóa, nên “lấy chính bản thân” vận động người khác cùng tham gia hiến máu dễ thuyết phục hơn.

Còn trong gia đình có em trai, cha anh Linh cùng tham gia HMNĐ được UBND tỉnh tặng bằng khen. Đặc biệt hơn, không chỉ “lôi kéo” được người yêu tham gia hiến máu, mà đến nay khi đã “về chung một nhà” cả 2 vợ chồng cũng đồng lòng đi HMNĐ.

 

Công việc thường ngày của “vợ chồng hiến máu nhân đạo” anh Linh- chị Xuyên ở chợ Long Hồ.
Công việc thường ngày của “vợ chồng hiến máu nhân đạo” anh Linh- chị Xuyên ở chợ Long Hồ.

Chị Nguyễn Hoàng Ngọc Xuyên- vợ anh Linh, nói thật: “Lúc đầu không biết gì. Nghe bạn trai rủ thì đi theo. Dần dần hiểu được ý nghĩa của HMNĐ và thấy có sức khỏe tốt nên tiếp tục đi cùng chồng. Có lần vì sức khỏe, không hiến máu được, buồn lắm”.

Đến nay chị Xuyên cũng đã có thành tích đáng nể: 23 lần HMNĐ. Hiện anh Linh- chị Xuyên sống bằng nghề bán cơm tấm ở chợ Long Hồ, anh Linh vẫn duy trì các lớp dạy dance buổi tối. Anh chị là 2 trong nhóm nòng cốt 25 người thuộc đội hiến máu dự bị hay còn gọi là “ngân hàng máu sống” của thị trấn.

Ông Bùi Tân Bình- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Long Hồ- cho biết, ngoài anh Linh ở thị trấn còn nhiều người HMNĐ trên 30 lần như anh Hải, anh Minh, anh Phúc, cô Thùy Linh. Họ là những tấm gương sống động giúp việc vận động HMNĐ ngày càng đông hơn.

Chẳng hạn, chỉ trong 6 tháng đầu năm, thị trấn đã có 115 đơn vị máu được hiến, vượt gần gấp đôi chỉ tiêu cả năm. Mỗi đợt HMNĐ, luôn có 30- 50 người tham gia. Nhiều người HMNĐ không nghĩ “làm cho có phong trào, mà đã ý thức được một giọt máu cho đi sẽ giữ được một mạng người ở lại. Nên họ “cho máu” rất nhiệt tình. Lâu lâu lại nhắc chú Bình ơi sau đợt này lâu tới đợt HMNĐ quá”- ông Bùi Tân Bình nói vui vẻ.

Ông Bùi Tân Bình cho biết: “Trước đây, tui công tác ở UBMTTQ huyện, rồi được chuyển về làm công tác Hội Chữ thập đỏ vận động xóa đói giảm nghèo, HMNĐ… nắm hết hoàn cảnh từng gia đình hộ nghèo, gia đình chính sách. Làm từ thiện cũng là một mặt trận, khi làm được việc lợi ích, người dân hồ hởi, trong lòng mình cũng thấy rất vui”.

 

Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, đến nay toàn tỉnh đạt tỷ lệ 1,29% dân số hiến máu. Số lượng người hiến máu nhắc lại đạt 78%.

Trong 5 năm (2011- 2016), thành lập được 17 CLB hiến máu dự bị với 445 thành viên, 3 CLB gia đình hiến máu nhiều lần với 41 thành viên, 1 CLB 25 với 25 thành viên, 1 CLB nhóm máu hiếm Rh- với 8 thành viên, đây là lực lượng nòng cốt sẵn sàng hiến máu cứu người khi có yêu cầu của cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh.

Có thể khẳng định, phong trào hiến máu tình nguyện đã có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, số lượng máu tiếp nhận hàng năm đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân vượt qua cơn bệnh hiểm nghèo, đem lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.

 

™Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- THẢO LY