Lắng nghe trẻ em nói

Cập nhật, 13:50, Thứ Ba, 23/08/2016 (GMT+7)

Thực trạng về sự suy thoái đạo đức của một bộ phận học sinh hiện nay; tình trạng nghiện game online trực tuyến; làm thế nào để giảm thiểu tai nạn giao thông, mất an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, tránh đuối nước ở trẻ em;… Đó là những vấn đề được các bạn nhỏ gửi gắm qua các tiểu phẩm và đặt câu hỏi trực tiếp tại Diễn đàn trẻ em năm 2016.

Thực trạng giới trẻ say mê game Pokemon Go dẫn đến tai nạn giao thông được trẻ em Mang Thít mang đến diễn đàn.
Thực trạng giới trẻ say mê game Pokemon Go dẫn đến tai nạn giao thông được trẻ em Mang Thít mang đến diễn đàn.

Các tiểu phẩm vui nhộn, ý nghĩa

Hội trường lớn của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh như vỡ òa bởi tiếng vỗ tay, tiếng cười giòn tan của 50 bạn nhỏ khi được xem các tiểu phẩm được biểu diễn tại Diễn đàn trẻ em.

8 tiểu phẩm của 8 đội đến từ các huyện- thị- thành trong tỉnh được các em thể hiện thật sống động, phản ánh những vấn đề bất cập đang tồn tại liên quan đến môi trường sống, học tập, vui chơi của các em.

Đồng thời, mang thông điệp nâng cao nhận thức về thực hiện quyền trẻ em, cũng như trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội.

Tiểu phẩm “Mẹ ơi, con xin lỗi” của các bạn nhỏ đến từ TP Vĩnh Long với câu chuyện xoay quanh nhóm bạn Tý, Tủn, Tèo, Cường không nghe lời mẹ, cúp học, rủ rê tắm sông.

Dù các bạn đều biết bơi, nhưng do nghịch, thích ra chỗ sông sâu và khi tắm không khởi động nên bị “vọp bẻ” và do thiếu kỹ năng nên dẫn đến đuối nước.

Rất may, có chị Mai- thanh niên tình nguyện- được tập huấn phòng chống đuối nước đi ngang nên cấp cứu kịp thời. Suýt bị chết đuối, các bạn hối hận nhận ra sai lầm của mình và hứa sẽ không tái phạm nữa.

Không may mắn như các bạn Tý, Tủn, Tèo, Cường được cứu sống sau tai nạn đuối nước, “em Khoa” trong tiểu phẩm “Lỗi tại ai?” của huyện Bình Tân bị chết đuối cũng vì nghe lời rủ rê của bạn, trốn mẹ đi tắm sông.

Tiểu phẩm này được các bạn gửi gắm: dù bất cứ nguyên nhân nào đi nữa, các bạn cũng phải ý thức tự bảo vệ mình, biết những kỹ năng để phòng, chống tai nạn đuối nước.

Tiểu phẩm “Chuyện nhà Tý” của đội Mang Thít ngoài chuyện kể về nhân vật Tý đua đòi, mê chơi hơn mê học còn đề cập đến game Pokemon Go đang “nóng” trong giới trẻ.

Tý chưa đủ tuổi lái xe máy, chở bạn “đáng võng, lạng lách” đã “đụng” 2 bạn mải mê đuổi bắt Pokemon. Tai nạn làm Tý bị thương tật vĩnh viễn.

Kể về nhân vật “Tý”- em Đặng Quốc Hưng (Lớp 10 Trường THPT Mang Thít) chia sẻ: “Em khoái đóng kịch lắm. Để diễn được vai Tý, em đã lên mạng xem để biết cách nhập vai, diễn được Tý là người đua đòi, bị tai nạn xe dẫn đến tay chân thương tật và tâm thần không ổn định, đánh mất tương lai của mình, làm gánh nặng cho ba mẹ. Em hy vọng các bạn trẻ đừng giống nhân vật này nhé!”

“Con không cần gì hết, con chỉ cần mẹ của ngày xưa biết quan tâm chăm lo cho con. Bây giờ mẹ đi làm từ sáng đến tối. Con ngủ mẹ cũng chưa về. Mẹ có biết con nhớ mẹ lắm không?”- “Phương củ kiệu” nghẹn ngào nói với mẹ.

Nếu được sống trong tình yêu thương của ba mẹ, có lẽ “Phương củ kiệu” sẽ ngoan, chăm học và không trở thành “đàn chị” hay đánh và bắt nạt bạn. Đó là thông điệp mà tiểu phẩm “Một phút nông nổi” được các bạn nhỏ huyện Long Hồ gửi gắm tại diễn đàn.

Lắng nghe trẻ em nói

Tại diễn đàn, các em đã bày tỏ ý kiến, nguyện vọng và mạnh dạn đề xuất những vấn đề liên quan đến các quyền tham gia của trẻ em về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, cũng như các vấn đề xảy ra trong cuộc sống, sinh hoạt của gia đình, địa phương, trường học mà các em gặp phải.

Trẻ em cần được trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước.
Trẻ em cần được trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước.

Thông qua diễn đàn cho thấy, trẻ em hiện nay không chỉ quan tâm tới những quyền lợi của bản thân mà còn thể hiện những suy nghĩ về trách nhiệm đối với các vấn đề của xã hội. Những câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của các em đặt ra đã được lãnh đạo sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh trả lời cụ thể. 

Em Huỳnh Thị Thúy Quỳnh (lớp 8- Trường THCS Cái Vồn) mong muốn có một hồ bơi tại địa phương để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em. Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Lành cho biết, hiện đuối nước được xem là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em của tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, số trẻ em tử vong là 14 em (12 em đuối nước và 2 em bị tai nạn giao thông).

Trong thời gian tới, để phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về sự cần thiết phổ cập bơi, cứu đuối và đặc biệt là các phương pháp phòng chống tai nạn trên sông nước; mở các lớp dạy bơi cho trẻ em và phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng; vận động xã hội hóa về xây dựng hồ bơi cho trẻ em…

Chia sẻ vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông được trẻ em huyện Mang Thít quan tâm, Đại tá Phan Ngọc Tính- Công an tỉnh Vĩnh Long cho rằng, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tăng cường công tác tuyên truyền của ngành công an, thì điều quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành tham gia giao thông của người dân, trong đó có trẻ em.

Với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em và lắng nghe trẻ em nói”, Diễn đàn do Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh Đoàn Vĩnh Long tổ chức để các cấp, ngành lắng nghe ý kiến của các em cùng trao đổi, đối thoại và giải đáp những thắc mắc về việc thực thi quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN