Người cao tuổi cần được quan tâm, chăm sóc tốt hơn

Cập nhật, 07:11, Chủ Nhật, 05/06/2016 (GMT+7)

 

Các thành viên CLB Liên thế hệ xã Tân Hội tham gia tập dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe.
Các thành viên CLB Liên thế hệ xã Tân Hội tham gia tập dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe.

Bằng những việc làm cụ thể, các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi (NCT) (sau đây xin gọi tắt là CLB Liên thế hệ) trong tỉnh đã tổ chức nhiều đội tình nguyện chăm sóc người già, cô đơn, tàn tật cùng các hoạt động dưỡng sinh rèn luyện sức khỏe, vui chơi, giải trí, tạo sinh khí vui tươi phấn khởi, giúp NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Giúp đỡ thiết thực

Theo chân Ban Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ xã Trường An (TP Vĩnh Long) đến thăm bà Nguyễn Kim Lợi (64 tuổi- ấp Tân Quới Hưng). Nhà của bà có 3 nhân khẩu nhưng đều bị bệnh. Bà Lợi bị tê chân hơn chục năm nay, đi đứng làm việc rất khó khăn. Hai con trai của bà, người bị bệnh tâm thần, người thì viêm khớp nặng- thu nhập “bữa được, bữa không” vì sức khỏe rất kém.

Còn trong căn nhà tạm bợ được che chắn bằng vải bạt chắp vá, cột nhà thì mục hỏng chân phải kê gạch, bà Châu Thị Cang (81 tuổi, cùng ngụ ấp Tân Quới Hưng) nói: “Mỗi khi trời mưa lớn thì trong nhà chẳng khác nào ở ngoài sân, dưới nền thì nước ngập lênh láng”.

Bà có 10 người con nhưng tất cả đều khó khăn. Hiện bà sống cùng 2 người con và đứa cháu ngoại. Chi tiêu trong gia đình chỉ chờ vào việc thỉnh thoảng chở hàng thuê của con trai và đồng lương công nhân ít ỏi của con gái út.

Đây là 2 trong số các trường hợp được CLB Liên thế hệ xã quan tâm trợ cấp thường xuyên. Riêng hộ bà Lợi và bà Cang được họ đạo Nhà thờ Fatima trực tiếp nuôi dưỡng. Không chỉ hỗ trợ về vật chất (10 kg gạo/tháng), lúc 2 hộ này ốm đau nhập viện thì có giáo dân chăm sóc cho đến khi xuất viện.

“Nhờ tạo dựng được uy tín trong cộng đồng, nên từ các giai tầng xã hội đến các vị chức sắc tôn giáo đều nhiệt tình góp sức, ủng hộ, trong đó có một vị là trụ trì được cơ cấu làm Phó chủ nhiệm CLB”- ông Nguyễn Văn Nhơn- Chủ tịch Hội NCT xã cho biết.

Để nâng cao mức sống NCT, CLB cơ cấu các đoàn thể có nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, ưu tiên hỗ trợ cho hội viên là NCT được vay vốn ưu đãi đầu tư sản xuất, kinh doanh; đồng thời, cơ cấu các ngành, các đoàn thể có liên quan tổ chức các hoạt động chăm sóc, khám chữa bệnh và tư vấn sức khỏe cho NCT; trong đó, có nhóm dưỡng sinh thu hút 14 NCT tham gia luyện tập thường xuyên.

Ông Huỳnh Văn Thum- Chủ nhiệm CLB- cho biết, từ khi thành lập (cuối năm 2014) đến nay, CLB đã vận động quà và tiền mặt gần 63 triệu đồng. Tuy không nhiều nhưng đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ thường xuyên cho 60 NCT thuộc diện nghèo, neo đơn, khuyết tật.

Mỗi cơ sở một cách làm hay

Ngày nào cũng vậy, cứ vào 4 giờ 30 phút sáng là các thành viên CLB Liên thế hệ xã Tân Hội (TP Vĩnh Long) cùng tham gia tập luyện dưỡng sinh.

Bà Lương Thị Ba- Chủ nhiệm CLB- cho biết: Toàn CLB có 51 thành viên, trong đó có 25 người tham gia luyện tập thường xuyên. Nhờ vậy, việc tập hợp sinh hoạt khá dễ dàng, khi có việc thì phổ biến sinh hoạt luôn.

Ngoài rèn luyện sức khỏe, CLB còn tổ chức 2 hoạt động chính là trợ giúp thường xuyên cho NCT nghèo 10 kg gạo/người/tháng và khám chữa bệnh miễn phí mỗi quý/lần. Đối với trường hợp người bị bệnh nặng và không có khả năng đi lại, CLB sẽ nhờ bác sĩ đến tận nhà khám bệnh.

Huyện Vũng Liêm có 2 CLB Liên thế hệ ở ấp Phước Thọ (Quới An) và ấp An Lạc Đông (Trung Hiếu). Nếu như trước đây các hoạt động thăm bệnh, mừng thọ..., chỉ có cán bộ hội thì nay có thêm cộng đồng cùng tham gia. Qua đó, đã được sự đồng tình cao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân.

Theo ông Lê Thế Hòa- Chủ tịch Hội NCT huyện: “Quy định chung khi thành lập CLB là làm rộng ở xã với phạm vi lớn, huy động nguồn nhân lực nhiều, nhưng tôi cho rằng tổ chức hội họp tới xã thì xa quá và gặp nhiều trở ngại, nên tôi thống nhất làm ở ấp. Theo tôi, trong hoạt động cần gắn kết các ngày lễ kỷ niệm của hội để tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ cho NCT”.

Bà Lê Thị Bảy Nhỏ- Chủ tịch Hội NCT huyện Trà Ôn- cũng đồng tình nên tổ chức CLB ở cấp ấp, hoạt động sẽ thuận lợi và lâu dài hơn.

Trước đây, mọi người giúp nhau bằng tình làng nghĩa xóm, nay đi vào tổ chức có “bài bản” thì càng được đồng tình cao. Tôi kiến nghị cần mở lớp tập huấn cho ban chủ nhiệm; hỗ trợ các điểm và diện nguồn vốn ban đầu để các CLB sớm đi vào hoạt động.

“Hiện các CLB trên địa bàn thành phố còn vừa học, vừa làm nên vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là việc vận động. Trong sinh hoạt định kỳ, khó mà mời hết các thành viên dự do mỗi người mỗi việc, chủ yếu dành thời gian để làm ăn và gửi tiền ủng hộ mỗi tháng”- bà Nguyễn Kim Lâm- Chủ tịch Hội NCT TP Vĩnh Long cho biết thêm.

Sự quan tâm của CLB là nguồn động viên, chia sẻ cho NCT.
Sự quan tâm của CLB là nguồn động viên, chia sẻ cho NCT.

Ông Nguyễn Văn Nhỏ- Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Hội NCT tỉnh đề nghị: “Khi chọn mô hình chỉ đạo thành lập CLB, cần chú ý chọn những điểm xây dựng nông thôn mới. Tôi sẽ phát động trong hệ thống mặt trận để có sự phối hợp tốt hơn, nhất là có nguồn hỗ trợ từ quỹ Vì người nghèo”.

Theo bà Ngô Thị Hồng Lạc- Chủ tịch Hội NCT tỉnh: Hiện các CLB còn gặp khó khăn về nguồn lực. Do đó, trong hoạt động cần chung sức đúc kết kinh nghiệm và định hướng phù hợp với mình. Nhìn chung, nơi nào phối hợp chặt với cấp ủy Đảng và chính quyền thì sẽ thành công cao. Tỉnh hội sẽ chọn mô hình tốt nhất để cùng trao đổi, rút kinh nghiệm.

 

Toàn tỉnh có 117.648 NCT, chiếm 10,23% dân số. Nhìn chung, NCT nằm trong hộ nghèo và không có khoản tiết kiệm riêng khi về già khá cao, phần lớn sống phụ thuộc vào con cháu. Có khoảng 98% NCT mắc từ 2 bệnh trở lên. Hầu hết NCT rất khó khăn khi tiếp cận vay vốn, tập huấn, đào tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình.

Đến tháng 1/2016, toàn tỉnh đã xây dựng được 12 CLB Liên thế hệ, trong đó có 9 CLB cấp xã- phường, còn lại là cấp ấp. Các CLB chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nơi cư trú chủ yếu là NCT từ 60- 79 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ngoài đối tượng bảo trợ xã hội và chưa được hưởng chính sách NCT.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI