Vì một xã hội tử tế, nghĩa tình

Cập nhật, 19:11, Thứ Hai, 16/05/2016 (GMT+7)
 Cần giữ gìn, tôn vinh những giá trị truyền thống dân tộc. Ảnh: Giỗ Tổ vua Hùng tại Đền Hùng- Phú Thọ.
Cần giữ gìn, tôn vinh những giá trị truyền thống dân tộc. Ảnh: Giỗ Tổ vua Hùng tại Đền Hùng- Phú Thọ.

Nhìn lại chặng đường 30 năm đổi mới, từ một đất nước còn đói nghèo trong cơ chế bao cấp, Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá ngoạn mục, để đạt được những thành quả đáng tự hào hôm nay.

Nhưng, xã hội cũng đang nổi lên nhiều vấn đề nhức nhối, làm đảo lộn những giá trị truyền thống, đạo đức suy đồi và những giá trị mới thì chưa định hình rõ nét.

Chúng ta cần thẳng thắn nhận diện những hiện tượng, biến động của bề nổi, để có cái nhìn sâu vào bên trong những diễn biến của tâm thế xã hội. Để cùng nhau thành tâm và quyết tâm xây dựng một xã hội tử tế hơn, nghĩa tình hơn.

Kỳ 1: Xã hội phát triển chưa bền vững

Đất nước ta đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong vòng mười năm trở lại đây. Đó là do đường lối đúng đắn của Đảng ta về tăng trưởng và phát triển kinh tế, về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, về giải quyết việc làm và những vấn đề xã hội; đặc biệt là từng bước hội nhập sâu vào đời sống quốc tế.

Điều đó được thể hiện cụ thể trong từng nghị quyết đại hội và các nghị quyết chuyên đề của Đảng bao trùm lên mọi lĩnh vực.

Nhưng ở từng lúc, từng nơi rõ ràng nghị quyết chưa thật sự thẩm thấu sâu vào đời sống xã hội.

 

Thực trạng chung

Nghị quyết lần thứ 9 BCH Trung ương khóa XI, nhấn mạnh mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”.

Việc “hoàn thiện”, tức là bổ sung những giá trị mới cho phù hợp với thời đại mới của đất nước và quá trình hòa nhập, hội nhập với thế giới. Còn cái cốt lõi, cái nền tảng cũng chính là những giá trị, phẩm chất, phẩm hạnh, nhân cách ngàn đời của văn hóa và con người Việt Nam ta.

Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc ta đã tạo ra hệ giá trị con người Việt Nam truyền thống, với những ưu điểm chủ đạo là trọng nghĩa tình, nhân ái, bao dung, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước.

Một đặc tính đáng trân trọng của con người Việt Nam ta, là trong hoàn cảnh càng khó khăn lại càng đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Đó là cái cách “đối nhân xử thế” hàng ngày, còn trong không gian rộng lớn với những vấn đề lớn của quốc gia, tình yêu thương làng xóm, cố kết cộng đồng sẽ trỗi dậy, hóa thành lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh tài sản, mạng sống bản thân vì nghĩa lớn.

Cái đạo lý “trọng tình nghĩa” đó, đã hình thành nên những quy ước, hương ước bất thành văn, mà mọi người đều phải tự giác tuân theo; nó được xem như “tòa án lương tâm” và góp phần điều chỉnh hành vi, lối sống con người trong cộng đồng; làm cho con người có nhân cách sống “biết xấu hổ”.

Cùng với đặc tính sống chan hòa, yêu thương, nhân ái; bao thế hệ tiền nhân đã truyền lại cho hậu thế một gia tài văn hóa đồ sộ, đã hình thành nên bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển hiện nay, chúng ta đang dần làm nhạt phai cái bản sắc độc đáo mang tính truyền thống của dân tộc; trong khi chưa “với tới” những giá trị mới mang tính “tiên tiến” của tinh hoa nhân loại.

Sự tăng trưởng kinh tế mà xem nhẹ những giá trị văn hóa, là sự phát triển kém bền vững; khác nào một đứa trẻ được chăm bẵm, nuông chiều “vụt lớn” về thể xác mà chưa kịp hình thành những nhân cách, phẩm giá cần có của một người trưởng thành.

Nghị quyết lần thứ 9, BCH Trung ương khóa XI, thẳng thắn nhìn nhận: “chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền có xu hướng gia tăng, chi phối đời sống xã hội, gây hậu quả xấu đối với việc xây dựng con người và môi trường văn hóa”.

Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng, đưa đến thực trạng trong khi xã hội ngày càng hướng đến sự phồn thịnh, dư thừa của cải vật chất, tiện nghi; thì văn hóa, đạo đức con người ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

 Cần quan tâm nuôi dạy những mầm non sớm hình thành nhân cách sống tốt đẹp.
Cần quan tâm nuôi dạy những mầm non sớm hình thành nhân cách sống tốt đẹp.

Lối sống bất chấp

Thực trạng chung, là tội phạm diễn biến phức tạp trên cả nước chớ không riêng gì địa phương nào. Nói như Đại tá Phạm Văn Ngân- Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long thì: “Thanh niên đầy đủ sức lao động lại ăn chơi, nghiện ngập. Tình hình xâm hại trẻ em thì càng diễn biến phức tạp hơn”.

Từ cuối năm 2015 đầu 2016, Vĩnh Long đã xảy ra nhiều vụ án xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Ông Ngân nhấn mạnh: Các vụ trước đây chưa từng có như cha hiếp con gái ruột. Nạn nhân chưa được 16 tuổi mà đã có hơn 5 năm quan hệ với cha!

Đó còn chưa kể nhiều vụ giao cấu trẻ em là do các em gái chủ động hoặc tự nguyện chấp nhận. Thầy Hồ Trọng Nhân- Hiệu trưởng Trường THPT Tam Bình nói: “Bất ngờ là những năm gần đây, số học sinh nữ đánh nhau lại nhiều hơn học sinh nam!”.

Tình trạng sống gian dối thì đếm không xuể và có khắp mọi nơi. Chuyện trộm cướp không chỉ nhiều về số lượng mà còn độc ác hơn, tinh vi hơn.

Chị Nguyễn Thị Mai Trâm (TP Vĩnh Long) có con đang học tiểu học chia sẻ: “Bận rộn cỡ nào tôi cũng cố gắng rước con đúng giờ, không được thì nhờ chồng hay ông ngoại rước chứ nhất định không để cháu chờ, bao nhiêu nguy hiểm rình rập”.

Bởi chị Trâm cũng như nhiều phụ huynh khác còn hoang mang trước vụ “bắt cóc hụt” vừa qua tại trường con chị đang học.

Đối tượng phạm tội đang trẻ hóa, nhiều vụ án giết người cũng chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ: quẹt xe, chửi thề,… Đối tượng Dương Tuấn Khang (Phường 4, TP Vĩnh Long) vừa bị tuyên án tử hình về hành vi giết người cũng vì những lý do không đáng. Người thứ nhất Khang giết là chủ tiệm game bắn cá vì không cho Khang chơi thiếu, người thứ hai chỉ vì “nhìn thấy ghét” mà Khang rút dao đâm chết!.

 

Giáo dục hướng đến đào tạo những tri thức trẻ tiên tiến trên nền tảng những giá trị truyền thống dân tộc.
Giáo dục hướng đến đào tạo những tri thức trẻ tiên tiến trên nền tảng những giá trị truyền thống dân tộc.

 

Chú Nguyễn Văn Bảy, 70 tuổi (Tam Bình) luôn có câu cửa miệng “xã hội bây giờ ghê quá”. Giải thích câu nói của mình, chú Bảy cho rằng mới độ hai thập niên trước, con người sống tử tế và chan hòa với nhau lắm.

Tình làng nghĩa xóm tốt đẹp, tối lửa tắt đèn cũng có nhau. Y học tuy kém phát triển nhưng bệnh tật cũng ít hơn và không có kiểu con người tự đầu độc nhau như bây giờ. Các vụ giết người, cướp của cũng đã số vì quá nghèo túng, vì mâu thuẫn quá lớn chứ không ai vì cái chuyện cỏn con mà giết nhau.

Chú Bảy tặc lưỡi, nói như than: “Văn minh, phát triển phải làm cho người ta gần nhau hơn và tiến bộ hơn mới ổn được!”.

 

 

Trong năm 2015, tỉnh Vĩnh Long xảy ra 2.251 vụ, gây chết 277 người, bị thương 613 người, thiệt hại tài sản 21,4 tỷ đồng. Nổi lên là tội giết người 11 vụ, cố ý gây thương tích 92 vụ, xâm hại tình dục 29 vụ, cướp giật tài sản 33 vụ. Đặc biệt, tội trộm cắp tài sản xảy ra 379 vụ, chiếm 58,67% số vụ vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, tăng 78 vụ.

 

Cũng trong năm 2015, cả nước có 57.022 vụ tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, giảm 4,94% so năm 2014, nhưng tính chất bạo lực, hung hãn, manh động hơn.

>> Kỳ 2: “Hoang mang thực phẩm bẩn”

Bài, ảnh: Nhóm PV