Văn, Địa- muốn điểm thi khá, phải rèn kỹ năng

Cập nhật, 13:05, Thứ Tư, 25/05/2016 (GMT+7)

Không hẳn là môn học thuộc bài, 2 môn Ngữ văn và Địa lý còn có những đòi hỏi về kiến thức, kỹ năng… được rèn luyện qua quá trình học và tính chủ động của học sinh.

Ôn thi THPT quốc gia 2016 tại Trường THPT Vĩnh Long.
Ôn thi THPT quốc gia 2016 tại Trường THPT Vĩnh Long.

Ngữ Văn- đọc kỹ đề

Đề thi Ngữ văn gồm có 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Thầy Đào Chí Minh- Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Vĩnh Long cho biết: “Phương pháp ôn tập của chúng tôi là ôn kiến thức và rèn luyện kỹ năng”.

Dù phần 1 chỉ có 3 điểm nhưng học sinh không thể xem thường vì đây là phần dễ lấy điểm nhất. Đồng thời, cũng không nên tốn nhiều thời gian cho nó. Phần này cho một đoạn văn bản hoặc thơ không có trong chương trình học.

Học sinh phải nắm được ý chính và làm theo yêu cầu: chọn từ thể hiện, thuộc thể loại nào,… Các phần kiến thức biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt phải được nắm kỹ để tránh lẫn lộn.

Có câu yêu cầu viết 5-7 dòng cảm nhận, phần này cần viết ngắn gọn như đề bài yêu cầu không nói lan man, chung chung.

Thầy Đào Chí Minh cho biết: “Chúng tôi đang ôn chương trình để học sinh thi tốt nghiệp, đầu tháng 6 sẽ chuyển sang phần ôn thi ĐH”.

Phần 2 làm văn phụ thuộc nhiều vào kỹ năng, tuy nhiên học sinh trung bình, khá cũng có thể làm khá tốt nếu nắm được phương pháp làm bài nghị luận xã hội; phân tích hay cảm nhận về một đoạn văn, một đoạn thơ hay một nhân vật văn học.

Thầy Đào Chí Minh lưu ý: “Kỹ năng làm bài cộng với vốn sống thực tế”. Giáo viên chỉ có thể hướng dẫn chứ không “cầm tay chỉ việc” cho học sinh được. Không chỉ biết về các vấn đề thời sự hiện nay: biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường hoặc bảo vệ chủ quyền biển đảo, học sinh cần phải hiểu nguyên nhân và các ý kiến xung quanh vấn đề để làm lập luận cho mình.

Đối với nghị luận văn học, giáo viên phổ thông thường lưu ý các phần cơ bản như tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác. Một lưu ý nho nhỏ là “tránh lan man, làm bài hoàn chỉnh theo đúng hướng yêu cầu”- thầy Minh nhấn mạnh. Để phân tích tốt, học sinh phải nắm được nội dung của tác phẩm đó. Nên học theo sơ đồ tư duy.

Vì mỗi phần làm văn có thang điểm riêng, những giáo viên ôn thi thường chỉ “chiêu” cho học sinh “vớt” điểm: Nếu còn 15 phút nữa hết giờ mà vẫn chưa làm xong phần thân bài thì hãy chuyển sang viết phần kết luận.

Phần kết là phần nhìn nhận, khẳng định lại vấn đề,… không khó viết nhưng lại có thang điểm riêng. Tốt nhất để bài văn nghị luận đủ ý, học sinh nên viết các ý chính ra nháp và bắt đầu làm bài trực tiếp vào giấy thi.

Nếu các em viết bài văn nghị luận vào nháp thì không thể nào chép vào bài thi kịp.

Thầy Đào Chí Minh kết luận: Môn Văn không cần học thuộc bài quá nhiều, chủ yếu là rèn kỹ năng và sự hứng thú cho học sinh. “Ngoài ôn lại kiến thức, chúng tôi còn cho các em làm bài nhóm, nghe nhạc, xem phim,… có nội dung liên quan”- thầy nói.

Địa lý- dễ nhưng không thể xem thường!

Cô Đặng Thị Phương Tâm- Tổ trưởng Tổ Địa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm lắc đầu: “Nhiều học sinh chọn thi môn Địa lý vì cho rằng dễ kiếm điểm nhưng các em không được ỷ lại vì có những câu rất dễ lại làm sai”.

Ví dụ như câu “Xác định các tỉnh của nước ta có đường biên giới trên đất liền chung với Trung Quốc” và học sinh được dùng Atlat vậy mà vẫn sai.

Chỉ cần có kỹ năng làm bài môn Địa lý, học sinh có thể lấy 5 điểm. Cô Tâm dẫn chứng câu 1 (2 điểm), nằm gọn trong 4 bài học thuộc chương trình 12. Câu 2 là câu vận dụng Atlat, thậm chí đề còn chỉ rõ trang mấy, sau đó học sinh chỉ cần chú ý kể tên đúng và đủ theo yêu cầu của đề.

Câu 3 (3 điểm) vẽ biểu đồ lại càng “ngon” vì đề yêu cầu thẳng “tròn, miền, cột” học sinh không sợ nhầm lẫn như trước đây! Bước đầu tiên thường là xử lý số liệu, học sinh phải làm trình bày bảng số liệu mới, đã được chuyển đổi ngay trong bài làm.

Cô Đặng Thị Phương Tâm nói: “Phần nhận xét biểu đồ cũng không khó vì mỗi loại biểu đồ có cách nhận xét hơi khác nhau. Học sinh chỉ cần chú ý những điểm thầy cô giảng”.

Cô cũng lưu ý học sinh “không làm nước đôi”, nghĩa là một câu nhưng trả lời 2 lần, 2 cách khác nhau. “Vì những năm gần đây, đối với bài làm nước đôi, giám khảo không chấm cả 2 đáp án đó”.

Trong kỳ thi năm rồi, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có 3 điểm 10 môn Địa lý. Cô Đặng Thị Phương Tâm vui vẻ: “Để đạt điểm cao môn Địa cũng không khó lắm.

Vấn đề là học sinh phải hiểu và có kỹ năng so sánh, phân tích vấn đề”. Câu hỏi nâng cao dành cho học sinh giỏi là câu 4.

Câu hỏi này thường yêu cầu phân tích, chứng minh, so sánh nên không chỉ thuộc bài, học sinh cần biết chọn lựa từng ý phù hợp cho câu trả lời. Cô nói thêm: “Khi chấm thi, thấy có rất nhiều học sinh “bê” nguyên trong bài học mà không nắm kỹ”.

Nhìn chung, Ngữ văn và Địa lý là 2 môn thi đòi hỏi cả kiến thức lẫn kỹ năng làm bài. Do đó, học sinh khi học phải chú trọng rèn luyện kỹ năng và tự tìm hiểu thêm về kiến thức xã hội.

Môn Địa lý là môn được nhiều học sinh lựa chọn nhất trong các môn tự chọn, với 3.966 học sinh. Theo lãnh đạo các trường phổ thông, bởi đây là môn thi có điểm trung bình cao nhất năm 2015.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN