Ông Hồ Văn Suôl- sáng gương "Bộ đội Cụ Hồ"

Cập nhật, 10:31, Thứ Sáu, 06/05/2016 (GMT+7)

Là người lính bộ đội Cụ Hồ, sau khi xuất ngũ trở về, ông Hồ Văn Suôl- thương binh hạng 1/4 (ấp Mỹ Thạnh B, xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn), không chỉ nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ông còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, giúp đỡ bà con địa phương cùng vượt khó, vươn lên ổn định cuộc sống.

Thương binh Hồ Văn Suôl tuy mù mắt nhưng tâm sáng, ham lao động.
Thương binh Hồ Văn Suôl tuy mù mắt nhưng tâm sáng, ham lao động.

“Nghèo hai con mắt, giàu đôi bàn tay”

Tham gia bộ đội chủ lực từ năm 1968 đến năm 1971, trong một trận chống càn quyết liệt với địch tại ấp Xóm Rẫy (xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè- Trà Vinh), ông Hồ Văn Suôl (Sáu Suôl) đã bị thương và bị mù cả 2 mắt.

Đôi mắt không còn nhìn thấy gì, trên mình lại mang nhiều thương tật do chiến tranh để lại, nhiều lúc khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được nhưng ông Suôl luôn tâm niệm: “Là lính Cụ Hồ, mình phải nỗ lực phấn đấu, kiên cường vượt qua khó khăn để góp sức xây dựng quê hương, gia đình ngày càng thêm giàu đẹp, ấm no”.

Sức còn, chí quyết, với ý nghĩ đó và tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó, vợ chồng ông Suôl luôn động viên nhau tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm các mô hình làm ăn hiệu quả rồi áp dụng vào sản xuất.

Đến nay, vợ chồng ông đã có 8 công vườn, chủ yếu là trồng cam sành và bưởi da xanh. Mỗi năm trừ chi phí, lợi nhuận thu được trên 100 triệu đồng.

Cũng nhờ đó mà vợ chồng ông đã cất được ngôi nhà khang trang, nuôi dạy các con ăn học nên người. Các con ông ai cũng chăm chỉ làm lụng, hiếu thuận với ông bà, cha mẹ và bà con xóm ấp.

Ông Suôl tâm sự: “Tham gia chiến đấu chống Mỹ không may mình đã bị thương mù 2 mắt rồi nhưng tâm nguyện phải làm sao vươn lên để tàn mà không phế theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho xứng danh là bộ đội cụ Hồ.

Do đó tui và gia đình tui hướng dẫn nhau, chung sức để mà vượt qua những khó khăn trong cuộc sống kinh tế. Nói chung 6 đứa con, tui đã gả cưới được 5 đứa, tương đối ổn, cũng là nông dân thôi nhưng nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp rõ ràng”.

Cuộc sống gia đình ông giờ tương đối ổn, cái mong muốn giờ đây của ông Suôl là làm sao cho những đồng chí, anh em không may mắn hay hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn thì cũng phải trao đổi trong ý thức sống; rồi trồng cây gì, nuôi con gì; sắp xếp cuộc sống sinh hoạt gia đình như thế nào cho nó phù hợp kinh tế gia đình vươn lên?

Nghĩ vậy, ông Suôl còn giúp đỡ về vốn dù không nhiều, nhưng đó là tấm lòng quý giá của một thương binh nặng đối với đồng đội, xóm giềng.

Tình làng nghĩa xóm

Không chỉ là người chồng, người cha mẫu mực, chí thú làm ăn phát triển kinh tế gia đình, ông Suôl còn rất tích cực trong các phong trào ở địa phương.

Với tinh thần đoàn kết, tương trợ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, ông Suôl đã giúp đỡ cho nhiều đồng chí, đồng đội và bà con địa phương có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Điển hình là gia đình ông Phan Văn Huệ (ấp Mái Dầm, xã Phú Thành- Trà Ôn).

Từ chỗ, tay trắng, không ruộng đất canh tác, được ông Suôl cho mượn vốn, vợ chồng ông Huệ mướn đất trồng trọt. Mới đây, vợ chồng ông đã thu hoạch được 3 công bắp cải, trừ chi phí, lợi nhuận còn trên 20 triệu đồng.

Ông Suôl chia sẻ: “Cuộc sống gia đình giờ tương đối ổn. Cái mong muốn là làm sao cho những đồng chí, anh em, không may mắn hoàn cảnh thiếu thốn nghèo nàn thì cũng phải trao đổi trong ý thức sống; trồng cây gì; sinh hoạt như thế nào cho nó thích hợp để vượt qua cái khó khổ đó. Hai nữa là, họ khó thì tôi cũng giúp vốn cho họ dù không nhiều, nhưng đó là cái tinh thần mong muốn của tôi”.

Chia sẻ với chúng tôi, khuôn mặt rạng ngời niềm vui, ông Huệ phấn khởi cho biết: “Trước đây thì cũng không có đất cát gì hết. Chỉ biết làm mướn, làm lặt vặt ai thuê gì làm đó. 

Bây giờ lớn tuổi rồi mần hông có nổi, giờ mướn đất để trồng thì hổng có tiền đâu mà mướn; cũng may nhờ anh em cho vay mượn, rồi nhờ anh Sáu Suôl- anh nuôi đó, khi nào kẹt thì ảnh sẵn sàng cho mượn, một lần 2 triệu, 3 triệu, 1 chỉ vàng.

Anh nuôi ảnh cho mượn rồi mần, cũng nhờ trúng được mùa cải vừa rồi đó mà trả hết nợ vay, giờ vợ chồng làm vài mùa nữa là có dư” .

Ông Huỳnh Văn Nhì- Trưởng ấp Mỹ Thạnh B (xã Lục Sĩ Thành) đánh giá: “Nói về kinh tế, nếu mà chú Sáu Suôl còn mạnh khỏe, lành lặn như người ta thì chưa chắc ai ở đây làm kinh tế qua mặt nổi.

Chú Sáu tàn nhưng không phế, do chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và hướng dẫn cho con cái làm theo, nên luôn đạt hiệu quả kinh tế cao”.

41 mùa xuân trôi qua, đất nước được độc lâp tự do, thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, tuy tuổi đã gần 70, người cựu chiến binh ấy bước ra khỏi chiến tranh với thân thể không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn không ngừng nêu cao tinh thần tự lực, tự cường của người chiến sĩ cách mạng, hăng say lao động sản xuất, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, hết lòng vì mọi người, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Ông Suôl xứng đáng là “người thương binh kiểu mẫu” của thời kỳ đổi mới để thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.

 

“Đồng chí Sáu Suôl là tấm gương rất tốt. Nếu chú Sáu Suôl này không mù mắt chắc ở đây mần giàu và mà dân xã Lục Sĩ làm hổng lợi chú đâu. Bà con xóm ấp này cũng đang từng bước học hỏi chú Sáu về làm ăn vươn lên phát triển làm giàu chính đáng”- ông Huỳnh Văn Nhì đánh giá về ông Sáu Suôl.

Bài, ảnh: TRÚC MAI-THANH TÙNG