Sống đẹp bằng trái tim không khiếm khuyết

Cập nhật, 10:12, Thứ Ba, 19/04/2016 (GMT+7)

 

Chị Trần Thị Lụa với niềm vui làm cô giáo.
Chị Trần Thị Lụa với niềm vui làm cô giáo.

Không được lành lặn, khỏe mạnh như mọi người, nhưng các anh chị thật sự là những bông hoa không khiếm khuyết, luôn làm đẹp cho đời bằng nghị lực sống có ích, bằng tình yêu thương của mình.

Đó là chị Trần Thị Lụa- giáo viên Trường Tiểu học Trung Hiệp A (Vũng Liêm) và anh Huỳnh Chí Dũng (Phường 3- TP Vĩnh Long). Anh chị là 2 trong 4 người khuyết tật (NKT) được nhận bằng khen của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam năm 2016.

Tôi sẽ cố gắng gấp chục lần…

Chị Trần Thị Lụa có đôi mắt và nụ cười sáng ngời hạnh phúc. Chị vui vẻ: “Mới đi nhận bằng khen của Trung ương hội ở Hà Nội về. Hà Nội đẹp lắm!

Chị còn được viếng lăng Bác nữa!” Chị nói về những tấm gương đầy nghị lực mà chị được tiếp xúc trong lúc dự hội nghị: “Đi mới biết, mình không là gì đâu, còn nhiều lắm những tấm gương cho mình phải noi theo”.

Là con gái út trong gia đình có 5 anh em, cha là thương binh 4/4, nhà ít ruộng vườn nên kinh tế khó khăn. Hồi nhỏ, chị bệnh hoạn hoài, gia đình cũng không biết được sức ảnh hưởng của nó. Mãi đến khi lớn mà vẫn không đi được, chân bị teo, gia đình đưa đi xét nghiệm mới biết chị bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin. Lúc học tiểu học, chị Lụa đến trường bằng cây nạng, những hôm trời mưa thì cha cõng đi học, lớn lên chút nữa thì nhờ bạn đưa đến trường.

Chị kể: “Đã có những lúc tôi muốn nghỉ học vì nhà khó khăn quá, mình lại làm gánh nặng”. Nhưng rồi lại nghĩ, nếu mình không đi học, không có nghề gì để tự nuôi thân thì vẫn là gánh nặng cho ba mẹ. Với quyết tâm đó, 12 năm liền chị Lụa là học sinh khá giỏi và trúng tuyển vào Trường CĐ Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long ngành công nghệ thông tin.

Chị Lụa cười tươi: “Ước mơ làm cô giáo thành hiện thực, vui lắm vì được dạy học trò, được an ủi động viên các em khó khăn và khuyết tật như mình”.

Những bậc cầu thang lên giảng đường, ánh mắt “chưa thông cảm” của bạn bè và những người xung quanh không làm chị Lua chùn bước. Không chỉ trở thành cô giáo, chị Lụa còn tập đi trên đôi chân của mình- dù yếu ớt nhưng không cần nạng nữa!

Trong những ngày dạy tin học miễn phí cho bà con vùng sâu, hạnh phúc lại đến với chị khi tìm được người bạn đời hết lòng yêu thương mình. Chị nói: “Vợ chồng tuy nghèo nhưng vui lắm. Ông xã luôn quan tâm, chăm sóc mình và con”. Chị đã có bé trai 3 tuổi- kết tinh của tình yêu là hạnh phúc của vợ chồng chị.

Chị cười thật tươi: “Hạnh phúc đôi khi đơn giản là có một gia đình nhỏ, biết yêu thương chăm sóc nhau. Vợ chồng sẽ cùng nhau phấn đấu, tôi tin kinh tế gia đình sẽ khá hơn lên. Nếu người bình thường phải phấn đấu để tạo dựng tương lai, tôi sẽ phải cố gắng gấp chục lần như vậy”.

Anh Huỳnh Chí Dũng không chỉ tự lo cho bản thân mà còn giúp đỡ người khuyết tật khác.
Anh Huỳnh Chí Dũng không chỉ tự lo cho bản thân mà còn giúp đỡ người khuyết tật khác.

Hạnh phúc khi giúp mình, giúp người

Còn anh Huỳnh Chí Dũng không chỉ là tấm gương luôn phấn đấu, học hỏi nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình, mà anh Dũng còn giúp cho những NKT như anh có việc làm ổn định.

Nói về cuộc đời con trai mình, mẹ anh từng rớm nước mắt: “Hồi nhỏ, nó bình thường, bụ bẫm lắm, tới năm 3 tuổi thì bị sốt bại liệt teo cả 2 chân”. Gia đình cố gắng chạy chữa nhưng chỉ cứu được chân trái “có thể cử động”. Sau đó, anh Dũng còn bị vẹo cột sống nên sinh hoạt, đi lại càng thêm khó khăn.

Không được đi học như bạn bè nhưng vì ham học, anh Dũng nhờ anh chị dạy cho mình. Anh nhìn xa xăm: “Mãi đến năm 19 tuổi, tôi mới được đi học bổ túc văn hóa ở Phường 1”. Anh không bao giờ quên ơn người bộ đội năm xưa từng được gia đình nuôi chứa, đã động viên gia đình cho anh đi học. Với anh, ngày đầu tiên đi học lớp 6 là cái ngày hạnh phúc nhất đời.

Hoàn thành chương trình phổ thông rồi thi đậu ngành tin học (ĐH tại chức Cửu Long). Sau 4 năm, anh Dũng tốt nghiệp nhưng vì sức khỏe yếu, cũng không thể xin được việc làm đúng chuyên ngành.

Quyết không làm gánh nặng cho gia đình, anh lên TP Hồ Chí Minh làm thuê. Anh nói: “Công việc trực điện thoại, ghi toa, đóng gói hàng phù hợp với sức khỏe nên tôi cố gắng làm tốt được. Tôi còn tranh thủ học thêm tiếng Anh và thiết kế đồ họa”.

Khi cha mẹ già, anh Dũng lại về Vĩnh Long chăm sóc. Anh đánh máy thuê, phục hồi ảnh cũ, thiết kế đồ họa,… để kiếm thu nhập. Rồi anh tham gia CLB NKT ở Phường 1, Phường 3 và được bầu vào ban chủ nhiệm.

Được học nghề đan tiểu thủ công nghiệp ở Hợp tác xã Thanh Thanh, anh Dũng đã vận động những NKT cùng tham gia từ năm 2013 đến nay. CLB của anh tạo việc làm cho hàng chục NKT với thu nhập từ vài trăm ngàn đến 2 triệu đồng/tháng.

Anh Dũng cười thật tươi: “Bây giờ thì với đủ nghề, tôi đã nuôi được bản thân, chăm sóc mẹ già và góp sức cho gia đình, vui nữa là giúp được những NKT có việc làm”. Đôi tay anh thoăn thoắt đan giỏ, nụ cười hiền hòa: “Làm riết rồi quen, nhanh và ít lỗi lắm. Tôi tin quyết tâm thì việc gì mình cũng làm được”.

Giống như lời nhà văn Nguyễn Khải trong “Mùa lạc”: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Các anh chị đã bước qua được ranh giới cuộc đời mình bằng nghị lực phi thường nhất.

 

Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cả nước có 7,2 triệu NKT. Tỉnh Vĩnh Long có hơn 18.000 NKT, trong đó có gần 6.300 NKT còn khả năng lao động. Trong năm 2015, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh và các tổ chức cá nhân đã hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho gần 2.000 NKT.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN