Gian nan cuộc chiến với người bệnh tâm thần thật- tâm thần giả

Cập nhật, 05:45, Thứ Ba, 12/01/2016 (GMT+7)

Đau đáu với người bệnh tâm thần thật

Cả nước lại một phen bức xúc khi được thông tin, ngày 21/11/2015 tại TP Hồ Chí Minh, Phạm Cao V. (quê Tiền Giang) lái ôtô gây tai nạn rồi bất chấp sự truy cản của lực lượng cảnh sát giao thông. Khi bị bắt, gia đình V. xuất trình bệnh án tâm thần. Cả nước phẫn nộ trước việc Nguyễn Thị Vân, người đã đâm một em bé sơ sinh nhát dao xuyên sọ, do mắc bệnh tâm thần. Một trường hợp đau lòng khác là bệnh nhân tâm thần Phạm Duy Quý (Hải Dương) ra tay tước đoạt mạng sống 4 người thân gây bàng hoàng trong dư luận xã hội. Đó chỉ là 3 trong hàng trăm, hàng ngàn trường hợp người mắc bệnh tâm thần gây án.

Nhiều chuyên gia tâm lý học lẫn các cơ quan y tế, công an cho rằng: Khó khăn hiện nay là cơ quan công an chỉ làm công tác phòng ngừa, nếu nắm được thông tin hay có phản ánh thì yêu cầu gia đình người bệnh đưa bệnh nhân vào các cơ sở điều trị. Tuy nhiên, nếu người nhà không đưa bệnh nhân đi chữa trị thì cơ quan công an cũng không thể can thiệp. Người gây án ít nhiều có rối loạn về mặt tâm lý, tâm thần. Họ sống trong lòng xã hội, giữa gia đình mà chưa được quản lý, kiểm tra chặt chẽ để ngăn chặn các hành vi phạm tội. Hiện nay, người tâm thần lang thang ngoài đường vẫn còn nhiều. Nhiều gia đình có người mắc bệnh thường để tự điều trị ở nhà hoặc bỏ mặc. Thậm chí, có nhiều gia đình còn từ chối cung cấp thông tin hoặc giấu tình trạng của người bệnh.

Vì là người bệnh tâm thần, không thể kiểm soát hành vi của mình nên không thể xét xử hành vi phạm tội như những công dân bình thường khác, do quy định của luật pháp nước ta. Vấn đề đặt ra là quản lý họ ra sao, kinh phí từ đâu, việc khắc phục hậu quả do họ gây ra như thế nào?

Đằng sau những bệnh án tâm thần có vấn đề

Dư luận xã hội cũng rất bức xúc về trường hợp trùm ma túy Nguyễn Ngọc Bình (còn gọi là Ngọc Chập) 3 lần thoát án tử hình do có được bệnh án “tâm thần”. Tương tự là trường hợp trùm ma túy đất Hải Phòng Dư Kim Dũng buôn bán 88 bánh heroin nhưng đến phút 89 lại thoát án tử hình do có tiền sử bệnh tâm thần. Thế nhưng, sau đó Dũng lại ung dung điều hành đường dây mua bán, vận chuyển ma túy quy mô lớn. Đó là chưa kể hết khá nhiều trường hợp “lọt tội” của tội phạm với lá bùa hộ mạng “mắc bệnh tâm thần’.

Đã có lúc dư luận xã hội khá băn khoăn dẫn đến sự hoài nghi về các bệnh án xác nhận người mắc bệnh tâm thần với nhiều nguyên nhân khác nhau. Câu hỏi luôn được đặt ra liệu các bệnh án trên có chính xác?

Công tâm mà nói, trong thời gian qua, cán bộ y tế làm nhiệm vụ giám định tâm thần đã hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần và chất lượng cao. Muốn vậy, họ đã vượt qua rất nhiều khó khăn, nâng cao về nghiệp vụ chuyên môn để có đủ bản lĩnh phanh phui các trường hợp núp bóng bệnh tâm thần để gây án các loại. Sự hy sinh thầm lặng rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, không có gì là tuyệt đối và hoàn thiện. Dư luận vẫn băn khoăn lo ngại nếu có trường hợp giám định sai thì hậu quả sẽ thật khôn lường.

Trở lại thực tế, theo số liệu của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có đến 200.000 bệnh nhân tâm thần nặng, trong khi chỉ có 26 trung tâm chữa trị với số lượng tối đa 10.000 bệnh nhân, chiếm tỷ lệ 5%. Một con số thật đáng lo ngại. Đó là chưa kể sinh viên theo học tại các khoa tâm thần kinh của các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp ngày càng ít đi.

Xem ra việc quản lý, kiểm tra, khám chữa bệnh bắt buộc, ngăn chặn các hành vi phạm tội của người mắc bệnh tâm thần thực sự và việc đưa ra ánh sáng các vụ việc giả mạo người bệnh tâm thần đi kèm với những mức án thỏa đáng xem ra đang là cuộc chiến đấu còn lắm gian nan đòi hỏi cả cộng đồng vào cuộc một cách quyết liệt hơn.

Phan Thị Anh Thư