Tuổi già đi khiêu vũ

Cập nhật, 05:05, Thứ Tư, 23/12/2015 (GMT+7)

Vài tháng nay, trong một góc công viên, có một nhóm nhỏ người lớn tuổi cứ mỗi hoàng hôn lại cùng đếm nhịp tập bước cùng cô giáo dạy khiêu vũ. Những ngày đầu, chân tay ai cũng vụng về loạng choạng. Tưởng như những bước nhảy nhẹ nhàng, lả lướt là “không bao giờ có thể”.

Vậy mà chỉ “quên đi” vài tuần. Đã nghe nhạc du dương trầm bổng, rồi tiếng cười khe khẽ, những bước chân tự tin và cả điệu đà… cứ hai người nắm tay nhau nhịp nhàng lui tới, xoay vòng…

Ngắm nhìn những người đã bước vào tuổi ông, tuổi bà say sưa, vui tươi với các bước đi uyển chuyển, tưởng như mọi lo toan, ồn ả của cuộc sống nơi đô thị đã không còn.

Cũng nhờ vậy, nhiều người cao tuổi cho biết: tập dưỡng sinh rồi đi học khiêu vũ đã giúp sức khỏe dần được cải thiện. Cứ mỗi chiều cơm nước xong, rảnh rang lại rủ nhau đi luyện tập. Theo tiếng nhạc, điệu đàn, tinh thần cũng thư giãn, giảm lo âu, cơ thể bớt lười vận động.

Ở một đô thị nhỏ, chuyện “tuổi già đi khiêu vũ” thật sự không phải là không có trở ngại, định kiến xã hội thường cho rằng bộ môn này chỉ dành cho lứa tuổi “tin tin”, còn người già là “không hợp”.

Nhưng theo các bác sĩ, bản chất của khiêu vũ là một môn thể thao. Khiêu vũ giúp làm giảm lượng đường và mỡ trong máu, phòng chống tình trạng béo phì, chảy xệ, bệnh đái tháo đường, bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp,...

Sự vận động của cơ thể còn giúp người cao tuổi khắc phục được bệnh đau khớp, nhức lưng, đau đầu, mất ngủ, kém trí nhớ. Ngoài ra, khi khiêu vũ người cao tuổi còn được tham gia sinh hoạt cộng đồng, sống chan hòa vui vẻ.

Người lớn tuổi học và tham gia khiêu vũ ở các sân chơi, bãi tập, công viên hôm nay là một “nét đẹp hiện đại” của phố thị. Rất cần sự ủng hộ của mọi người, xin đừng vội có cái nhìn phê phán.

NGUYÊN CHƯƠNG