MANG THÍT

Hiệu quả trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm

Cập nhật, 07:20, Thứ Tư, 21/01/2015 (GMT+7)

Trong vài năm trở lại đây, công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm trên địa bàn huyện Mang Thít đạt nhiều hiệu quả. Qua đó, nhìn nhận sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xóa đói giảm nghèo…


Phát triển ổn định ngành sản xuất truyền thống để giải quyết việc làm lao động. Ảnh: TL

Tăng cả lượng và chất lao động

Theo UBND huyện Mang Thít, năm 2014, công tác đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và giảm nghèo được chỉ đạo quyết liệt đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm, các trung tâm học tập cộng đồng, các tổ chức trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 62 lớp dạy nghề với trên 1.800 học viên. Riêng các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và dạy nghề của các cơ sở kinh doanh đã đào tạo tay nghề cho trên 1.200 lao động, tổng số lao động được đào tạo nghề trong năm trên 3.000 lao động.

Thông qua đó, đã tạo việc làm mới cho trên 4.700 lao động, tăng gần 1.000 lao động so với năm 2013. Tính đến nay, toàn huyện có trên 27.700 lao động đã qua đào tạo, chiếm trên 43%; số lao động trong độ tuổi có việc làm ổn định trên 59.500 lao động, chiếm 93% số lao động toàn huyện.

Theo ông Nguyễn Văn Danh- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện, hiện nhiều địa phương rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề. Trong năm, hầu hết các nghề được đào tạo là tiểu thủ công nghiệp, xây dựng dân dụng, các lớp sản xuất nông nghiệp,… Đây được xem là những nghề giải quyết lao động nông nhàn rất hiệu quả.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Danh, ngay từ đầu năm, trung tâm phối hợp với các địa phương. Qua đó thấy rõ vai trò của đoàn thể trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. “Không phải vì số lượng mà mở lớp tràn lan.

Hiện nay, chất lượng đào tạo cũng như tay nghề của người lao động đều được nâng cao. Có thể thấy rõ qua công tác kiểm tra, thi cử. Nếu học viên không đạt thì buộc giáo viên phải dạy lại, đến khi nào lao động có đủ trình độ để tham gia quá trình sản xuất mới được cấp giấy chứng nhận”.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là trách nhiệm

Việc thừa lao động hoặc lao động trong độ tuổi có nhiều thời gian nhàn rỗi sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương. Do đó, chính quyền các cấp đều có sự chỉ đạo trọng tâm, quyết liệt, tận dụng mọi nguồn lực trong công tác đào tạo, giải quyết việc làm.


Đào tạo nghề được quan tâm cả lượng và chất.

Là một trong những địa phương có số lượng lò gạch lớn nhất huyện, khi tình hình sản xuất gặp khó khăn, số lao động dư thừa là niềm trăn trở của lãnh đạo xã Nhơn Phú.

Theo Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú Phan Văn Nết, ngay từ năm 2013, lãnh đạo xã đã chủ động tham quan các mô hình sản xuất ở địa phương khác, thậm chí là các tỉnh- thành khác. Sau đó, mời gọi tập huấn kỹ thuật và cho người dân đăng ký tham gia sản xuất.

Hiện nay, các mô hình như: trồng nấm linh chi, trồng tre lấy măng, nuôi chim trĩ,… đạt hiệu quả kinh tế cao. Số lượng lao động qua đào tạo nghề tăng hàng năm, số lao động nhàn rỗi được tạo việc làm mới cũng tăng mạnh.

Không dừng lại phát triển các mô hình mới, xã Nhơn Phú đưa nhiệm vụ phát triển tiểu thủ công nghiệp là trọng tâm để tạo việc làm mới cho người dân. Qua đó, trong năm 2015 từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất gạch ngói trên địa bàn, phát huy các nghề như đan đát, chăn nuôi để giải quyết việc làm cho người dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Quyết, trong thời gian tới, cụ thể là giai đoạn 2016- 2020, huyện Mang Thít sẽ tập trung đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở phát huy các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, sẽ phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành nông nghiệp, thủy sản và các ngành dịch vụ, phát triển làng nghề tạo điều kiện trực tiếp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Quyết, thời gian tới huyện sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, chế biến thức ăn gia súc, tận dụng tốt các nguồn nguyên liệu tại chỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất may mặc, chế biến thực phẩm, xay xát, phân bón…

Theo ông Nguyễn Văn Danh, hiện lao động được đào tạo nghề được trung tâm giới thiệu ở các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất. Thậm chí, số lượng đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, nhất là ở cơ sở may mặc, tiểu thủ công nghiệp. Thu nhập của lao động từng bước nâng cao, là điều kiện để phát triển kinh tế gia đình và của địa phương.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY