Tình yêu... “da cam”

Cập nhật, 07:09, Thứ Sáu, 08/08/2014 (GMT+7)


Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam/dioxin huyện Trà Ôn Lê Văn Quới (bìa trái) thăm hỏi và tặng quà chị Trang.

Yêu và được yêu với không ít người khuyết tật là điều không tưởng. Dù cơ thể bị khiếm khuyết vì nhiễm chất độc da cam/dioxin song chị Trần Thị Thùy Trang (30 tuổi, ấp Mỹ Phú, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) đã có hạnh phúc không hề khuyết tật.

Chạy vòng vèo trên con đường đất lầy sau cơn mưa, chúng tôi tìm đến nhà chị Thùy Trang. Trong căn nhà tường chưa tô xuống màu theo thời gian, không có đồ đạc gì giá trị ngoài chiếc ti vi cũ. Con gái chị Trang- bé Bảo An (3 tuổi) liến thoắng khi có khách đến nhà.

Chị Trang nhỏ nhắn, ngồi tựa lưng trên thành giường cười hạnh phúc khi chúng tôi hỏi chuyện tình yêu: “Nhờ nhịp cầu âm nhạc mà chị tìm được hạnh phúc của đời mình đó nghen”.

Mẹ chị- cô Phạm Thị Thúy Vân nhớ lại: “17 tháng, Trang biết đi chập chững rồi bị sốt. Cô đem ra dân y xã trị cả nửa tháng trời. Hết sốt thì nó không còn đi được nữa! Vài tháng sau thì ngồi bẹp xuống luôn”.

Nỗi đau của người mẹ nhìn con gái đang khỏe mạnh bệnh không đi được cứ đau nhói trong tim. Không có tiền, cô cũng gắng chạy vạy khắp nơi trị cho con từ Tây y đến Đông y mà không hết đành buông xuôi với số phận.

Qua khám bệnh, mới biết chị Trang không phải bị sốt bại liệt mà bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Cô cũng chả biết sao con gái mình lại nhiễm chất độc ghê gớm đó, chỉ nhớ lúc chiến tranh vùng đất này bị Mỹ rải chất gì mà tay chân bị lở loét, cây cỏ trơ trụi lá.

“Cũng may là tay con Trang không bị sao chị nó và thằng út không bị bệnh. Tui nghĩ cả đời mình phải nuôi con, mà hết đời mình thì ai nuôi nó nên buồn lo lắm. Ai dè, trời thương, cho con Trang tìm được người chồng chăm sóc cho nó”.

Chị Trang tâm sự: Ở quê, nhà nghèo lại heo hút, chị thì bị tật nguyền ngồi một chỗ nên khi thấy bạn đồng trang lứa được đến trường, chị khao khát được đi học. Bạn của chị Hai đến nhà chơi búng thun, nhảy dây, chị mượn tập, sách để thấy biết đượt mặt chữ.

Khuya, chị Hai thức học bài, chị lọ mọ thức theo ngồi kế bên xem chị học. Nhưng chị khó quá, không cho tới gần bởi làm chị Hai phân tâm không học được, nên đến khi em trai đi học mới chỉ chị học. Út học bao nhiêu, chị học bấy nhiêu.

Chị đọc sách, biết được ít tiếng Anh giao tiếp và đặc biệt chiếc radio luôn là bạn thân thiết bên mình.
 
“Chương trình phát thanh nào chị cũng nghe để thêm hiểu biết nhưng ghiền nhất là quà tặng âm nhạc. Hôm đó, đài Vĩnh Long đọc tâm sự của chị trên sóng. Anh nghe và gửi thư cho chị. Thư từ qua lại, chia sẻ đầy thân thiết. Anh xuống nhà thăm, thấy chị, hiểu rõ hơn về hoàn cảnh rồi anh ngỏ lời thương...

Thật sự thương anh lắm nhưng đâu dám mơ có ngày mình lại có hạnh phúc được yêu như bao người con gái lành lặn khác đâu”.

Nhắc về người bạn đời- anh Bùi Ngọc Xô tâm sự:
 
“Ở Sóc Trăng, tôi thường theo các cha đi trao quà cho người già, người khuyết tật. Khi nghe những lời tâm sự của cô gái vì bị nhiễm chất độc da cam mà không đi được, cô ấy không dám ước ao mình có gia đình hạnh phúc và hy vọng nhờ âm nhạc để mình tìm được những người bạn, tôi gửi thư làm quen.
 
Qua những lá thư, tôi nhận ra Trang lạc quan và sâu sắc, chia sẻ được trong cuộc sống. Chúng tôi tìm được điểm chung, dần hiểu nhau và trở nên cởi mở, gần gũi”.


Ảnh cưới vợ chồng chị Trang- anh Xô.

Rồi tình yêu đến như một điều hiển nhiên. Song, tình yêu này gặp sự ngăn cản giữa 2 gia đình. Về phía anh Xô, khi biết anh yêu người con gái khuyết tật thì ra sức ngăn cấm, bởi anh sẽ phải lo cho chị suốt đời. Còn gia đình chị Trang thì không tin rằng một thanh niên lành lặn có thể đem hạnh phúc đến cho con mình. Họ không tin anh Xô yêu chị Trang thật lòng.

Nhưng giờ mọi thứ đã ổn. Anh chị đến với nhau và có bé Bảo An 3 tuổi xinh gái. Chị Trang tâm sự: “Một tay anh Xô lo cho chị hết. Sáng ảnh ẵm chị đi vệ sinh cá nhân, nấu cơm, tắm con... rồi đi khuân vác kiếm tiền lo cho gia đình. Cả 2 bên đều nghèo nên cuộc sống còn khó khăn, nhưng vậy là quý lắm đối với chị rồi. Anh không những là người chồng, người cha tốt mà ảnh còn thay chị chăm lo cho mẹ vợ bệnh nữa”.

Trong căn nhà nhỏ rộn rã tiếng cười trẻ thơ như điểm thêm nốt nhạc hạnh phúc, đã xoa dịu nỗi đau da cam giúp chị Trang vững tin trong cuộc sống. Chị có người chồng hết lòng yêu thương, cảm thông và chia sẻ khó khăn với mình. Chính sức mạnh của tình yêu, niềm tin, sự kiên trì và đôi khi cần có sự liều lĩnh đã đem đến chuyện tình đẹp như cổ tích giữa đời thường.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN