Nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6)

Bữa cơm hạnh phúc

Cập nhật, 10:03, Thứ Sáu, 27/06/2014 (GMT+7)

Một gia đình có 4 thế hệ cùng sống chung, giờ đây đã trở nên hiếm hơn. Theo đó, những giá trị truyền thống cũng mờ nhạt đi. Sự gắn kết từ bên trong ngày càng trở nên mỏng manh hơn, trước sự “xâm thực” của những yếu tố bên ngoài.

Bữa cơm gia đình chị Thạch Thị Li Na. Ảnh: Kim Bằng

Để khôi phục và giữ gìn những nét đẹp của gia đình Việt, bữa cơm chính là yếu tố vô cùng quan trọng, để kết nối những yêu thương của tất cả thành viên cùng chung một mái nhà.

Ý nghĩa của hạnh phúc

Con người hầu hết ai cũng phấn đấu một đời học tập, phấn đấu làm việc, tạo nên sự nghiệp, của cải vật chất…, thì mục đích trước tiên là để xây dựng nên một gia đình hạnh phúc. Đó cũng là đóng góp một phần vào sự phát triển, phồn vinh chung của xã hội.

Cái hạnh phúc đó, có sự khác biệt vì mỗi người đều có những mục đích khác nhau, nhu cầu khác nhau; nhưng chắc hẳn rằng sẽ không thể có thứ hạnh phúc nào, có thể thiếu vắng tình yêu thương giữa các thành viên trong
gia đình.

Đối với chị Thạch Thị Li Na (ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ- Trà Ôn), hạnh phúc đối với chị thật giản đơn, đó là được sống chung trong một gia đình có đầy đủ ông bà, cha mẹ, con cháu.

Chị Li Na cho rằng: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được sống chung trong gia đình có đến 9 thành viên, gồm: bà nội, ba mẹ, 2 em trai, vợ chồng tôi và 2 con gái. Tuy sống chung trong một gia đình lớn nhưng mọi thành viên luôn hòa thuận, biết tôn trọng lẫn nhau, ông bà, ba mẹ mẫu mực để con cháu noi gương theo”.

Đó cũng là nền tảng vững chắc để gia đình có thể vượt qua được những giai đoạn khó khăn, cũng như có thành viên nào đó trong gia đình gặp khó khăn. Như cái cách những người lớn thể hiện lòng hiếu thảo bằng việc chăm sóc chu đáo người già, chăm lo từng bữa ăn khi ông bà đau yếu. Đó cũng là bài học cho những đứa trẻ về lòng thương yêu, kính trọng ông bà, cha mẹ.

Hạnh phúc nhất đối với chị Li Na, là những lúc đi làm về dù mệt nhọc, nhưng được tự tay làm những món ăn, rồi cả nhà cùng sum vầy bên mâm cơm, là cảm thấy cuộc đời này đáng sống biết bao nhiêu.

Ấm áp yêu thương

Mỗi người chúng ta khi đi xa, hay sống xa quê hương, điều làm con người ta nhớ nhiều nhất chính là món ăn quê hương do chính tay người thân hay mẹ mình nấu. Vì vậy mà anh Đồng Văn Út (ấp Mỹ Thạnh C, xã Mỹ Thuận- Bình Tân) cho rằng vợ chồng anh rất quan tâm những bữa ăn tuy đạm bạc nhưng luôn nhắc nhở 2 đứa con ý nghĩa bữa cơm gia đình, ý nghĩa của những món ăn mang đậm tình quê: “Trong bữa cơm gia đình, vợ chồng, các con tui quây quần chuyện trò vui vẻ. Mặc dù bên món ăn đạm bạc, cá lóc nấu canh rau tập tàng; ốc bươu, ốc đắng kho sả nhưng giàu chất dinh dưỡng, thắm tình người, tình đất quê hương, cha mẹ đã nuôi các con khôn lớn”.

Hiện nay, cuộc sống bận rộn, do nhu cầu công việc đòi hỏi, nhiều người phải làm việc nhiều giờ, quá giờ, thậm chí phải công tác xa nhà nhiều ngày. Do đó, những bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên trong nhà thường trở nên hiếm hoi.

Tuy nhiên, vẫn có những người bảo đảm tốt được những bữa cơm gia đình, thậm chí một số gia đình đã trân trọng bữa cơm này như những nghi thức gia đình và xem như một biện pháp quan trọng để nuôi dạy con cái vì nhiều lợi ích của nó.

Với quan niệm đó, chị Lý Thị Kim Thanh (xã Phước Hậu- Long Hồ) có cái nhìn toàn diện hơn về bữa cơm gia đình: “Bữa cơm gia đình không chỉ đơn giản là cung cấp những món ăn có chất lượng để bảo vệ sức khỏe, mà còn là phương tiện để tương tác và quan tâm chia sẻ giữa các thành viên qua đó có thể nâng cao chất lượng cuộc sống và giáo dục lối sống lành mạnh cho con cái”.

Theo chị Thanh, một bữa cơm gia đình có nhiều lợi ích như: bảo đảm được chế độ ăn hợp lý giúp phòng chống bệnh tật; giáo dục ý thức đoàn kết, lòng vị tha gắn bó giữa các thành viên; xây dựng lối sống lành mạnh; đặc biệt, đó còn là cơ hội để quan tâm chia sẻ.

Tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, những bữa ăn chung có thể được tổ chức hàng ngày hoặc mỗi cuối tuần. Đây là cơ hội để các thành viên có dịp gặp nhau để quan tâm chia sẻ, qua đó có thể tìm hiểu, cảm thông, giúp đỡ hoặc hóa giải những vướng mắc hoặc những áp lực mà mỗi người gặp phải trong cuộc sống.

Trong điều kiện sống bận rộn, sự chăm chút cho nhau trong những bữa ăn đôi khi lại là những thời khắc quý giá hiếm hoi để thể hiện tình thương và sự quan tâm, chia sẻ.

“Với ngọn rau, con cá đất quê đạm bạc, ông bà, cha mẹ đã nuôi cha khôn lớn, cha mẹ không ngại khó khăn nuôi con ăn học. Các con phải nhớ lấy công ơn ông bà, cha mẹ, phải ra sức học tập để mai sau đóng góp trí tuệ để xây dựng quê hương mình”- đó là những lời dặn dò, những nội dung câu chuyện anh Đồng Văn Út hay trò chuyện cùng các con trong những bữa cơm chiều, khi cả nhà quây quần bên nhau.


NGỌC TRẢNG