Dù có đi đâu về đâu, hãy nhớ bữa cơm gia đình!

Cập nhật, 06:35, Thứ Bảy, 28/06/2014 (GMT+7)

Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh khác nhau, do đó những bài tham luận, những tâm sự của họ mang đến buổi tọa đàm “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là những câu chuyện phong phú, những góc nhìn khác nhau về bữa cơm gia đình.

Nhưng, tất cả đều có điểm chung là khẳng định tầm quan trọng, ý nghĩa sâu sắc của tình yêu thương đối với các thành viên từ những bữa cơm.


Từ chăm chút bữa cơm gia đình, nhiều chị em đã nâng tay nghề lên nấu món. Trong ảnh: Hội thi nấu ăn tại Bảo tàng Vĩnh Long nhân họp mặt ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Bữa ăn thời gian khó

Câu chuyện cảm động của gia đình đôi vợ chồng giáo viên về hưu (ấp Trung Trạch, xã Trung Thành- Vũng Liêm) làm cho chúng ta thêm trân trọng bữa cơm gia đình. Đó là thầy Lê Văn Mười (sinh năm 1952) và cô Nguyễn Thị Tuyết Hồng (sinh năm 1953).

Thầy Mười kể rằng: “Sau ngày miền Nam giải phóng, phụ cấp lương của vợ chồng tôi rất ít ỏi, chỉ tương đương vài chục tô hủ tiếu/tháng, trong khi chỉ có 1 công đất trong tay. Thế là ngoài giờ dạy học, chúng tôi trồng thêm dây bầu, dây bí, cây ớt, bụi sả; giâm khoai lang, khoai mì để vừa trao đổi, mua thêm nước mắm, nước tương, mì tôm, bột ngọt… lo bữa ăn hàng ngày. Với mẹ già 75 tuổi và 2 đứa con đầu, bữa cơm hàng ngày của chúng tôi thường chỉ có cơm mua từ chế độ gạo khẩu phần, cà tím, bầu luộc hoặc nấu canh với cá rô, cá lóc đi câu ngoài đồng, mắm tép kéo ở kinh mương... Tuy nhiên, bữa cơm dù đạm bạc ấy luôn là dịp để gia đình đoàn tụ, kể nhau nghe những chuyện vui buồn trong công tác ở trường, kết quả học tập của 2 đứa con đầu, rồi nhìn mẹ ăn cơm mà biết sức khỏe của mẹ thế nào...”

Từ những bữa cơm đạm bạc mà ấm cúng ấy, thầy Mười giải thích cho các con hiểu rằng: Những hôm nào có bữa cơm ngon chính là do cha mẹ phải đi giăng câu, kéo lưới ngoài đồng. Hôm nào không đi thì nhà mình chỉ toàn có cơm rau. Do đó, chúng ta phải biết lao động, cố gắng làm việc trong hoàn cảnh khó khăn.

Nên người từ những bữa cơm với ông bà ngày xưa

Đó là tâm sự của cô Trần Thị Thanh Thảo (sinh năm 1971), giáo viên Trường Mầm non Tuổi xanh 1 (TP Vĩnh Long). Cô Thảo cho rằng mình may mắn đã từng được sống trong một đại gia đình nhiều thế hệ, nhiều gia đình nhỏ ghép lại, nên được học hỏi, bảo ban rất nhiều từ người lớn.

Cô Thảo nhớ lại: “Tôi đã từng được sống trong bầu không khí gia đình ấm áp yêu thương. Tôi từng được bà ngoại làm những món ăn ngon cho cả nhà, được chứng kiến có khi cậu mợ, có khi dì dượng cùng góp thêm món ăn vào bữa cơm chung. Trong bữa ăn, ông bà thường hỏi han mọi người, câu chuyện bên bàn ăn thật là đông vui. Hình ảnh những bữa cơm đó cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên”.

Những hình ảnh đó, những tình cảm thiêng liêng trong bữa ăn ngày nào, cô Thảo đã mang nó vào trong gia đình nhỏ hiện tại của mình, dù cuộc sống ngày nay đã đổi khác, nhịp sống hiện đại làm cho bữa ăn gia đình bị ảnh hưởng rất nhiều. Hiếm khi bữa cơm có được đầy đủ các thành viên trong gia đình, vì ai cũng vội vàng với công việc của mình.

“Chúng tôi giao ước, bữa cơm trưa ai về trước thì nấu cơm, người về sau thì dọn dẹp. Ngoài ra, tôi bù đắp cho gia đình bằng những bữa cơm chiều và vào những ngày nghỉ. Đây là dịp giúp chúng tôi chăm sóc bữa ăn đàng hoàng hơn, các con tôi cũng có ý thức phụ giúp cha mẹ chuẩn bị bữa cơm. Chính dịp này, tôi dạy các con phải biết quan tâm, chia sẻ việc nhà với cha mẹ”- cô Thảo cho biết.

“Dù có đi đâu về đâu, hãy nhớ bữa cơm gia đình”

Cuộc tọa đàm có rất đông người tham dự.


Là gia đình nhỏ kiểu mẫu hiện đại, nhưng anh Lê Hoàng Thảo (sinh năm 1981), lại mang những suy nghĩ, tình cảm rất “truyền thống”. Đến với buổi tọa đàm, anh rất tâm đắc, thể hiện sự quan tâm khi những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt đã dần mai một.

Anh Thảo cho rằng: “Bữa cơm gia đình đang dần mất đi ý nghĩa của nó. Đúng lý ra thì dù có đi đâu, về đ
âu, chúng ta cũng phải nhớ cái không khí ấm cúng của gia đình của những bữa cơm và mong muốn được ăn cơm cùng những người thân yêu. Đó là những khoảnh khắc sum họp, là nơi thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc cho nhau. Nhưng ngày nay người ta đang có nhiều lý do để không ăn cơm nhà”.

Nếu quan niệm gia đình là nơi chốn “đi về” thì hãy chăm chút cho bữa cơm gia đình nhiều hơn nữa, cùng nhau quây quần bên mâm cơm. Thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình, là nơi truyền nhận những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống chuẩn mực.

Đó cũng là nền tảng xây dựng nhân cách Việt Nam truyền thống, giữ gìn những giá trị nhân văn sâu sắc, đủ để chúng ta tự tin “mở cửa” ngôi nhà nhỏ vững vàng trước những yếu tố lai căng đang từng ngày, từng giờ tràn ngập “trước ngõ nhà ta”.

Bài,ảnh: QUANG THUẦN