Chuyện một cựu chiến binh không tham của rơi

Cập nhật, 13:10, Thứ Năm, 19/06/2014 (GMT+7)

Nhặt được hơn 86 triệu đồng, nhưng ông Lê Văn Hường- cựu chiến binh (CCB) ở ấp Phước An (xã An Phước- Mang Thít) đã chủ động tìm người đánh rơi để giúp họ nhận lại số tiền. Điều đáng nói là hoàn cảnh hiện tại của ông rất khó khăn...

Ông Hường (trái) luôn sẵn lòng giúp người khác nhận lại của rơi.

Hoàn cảnh khó khăn vẫn nghĩ đến người khác

Băng qua con đường mòn ngoằn ngoèo, nằm sâu hun hút trong đồng ruộng, chúng tôi tìm đến nhà ông Hường. Căn nhà lá xụp xệ, rách nát có diện tích gần 50m2, lại là nơi cư ngụ của 5 nhân khẩu. Mọi sinh hoạt gia đình lâu nay chỉ nhờ vào thu nhập làm thuê của ông Hường. “Nếu trong 3 ngày tui không đi làm, chắc là cả nhà phải chịu đói”- ông Hường tâm sự.

Thời gian gần đây, vợ và con trai của ông bị tai nạn- té gãy tay nên không thể lao động nặng được. Con gái ông lập gia đình và cùng chồng làm công nhân ở Tiền Giang, gửi lại 2 đứa con nhỏ, mỗi tháng dành dụm được chút đỉnh gửi về cho vợ chồng ông chăm sóc cháu.

“Tuy hoàn cảnh rất khó khăn nhưng khi UBND xã xét cấp sổ hộ nghèo cho ông để có hướng hỗ trợ, ông nhất quyết không nhận sổ hộ nghèo. Ông nói để nhường phần cho người khác khó khăn hơn”- Ông Võ Văn Đậm- Chủ tịch Hội CCB xã cho biết.

Căn nhà rách nát của ông trước đây được UBND xã xét cất theo diện 167, nhưng ông cũng xin “nhường” cho hộ khó khăn trước. Đến nay, căn nhà đã không còn đủ sức trụ vững, nhất là mùa mưa đang sắp tới nên ông mới nhận sự hỗ trợ cất nhà tình thương thông qua Hội Chữ thập đỏ huyện.

Hiện ông đang chờ kinh phí phân bổ về mới có thể khởi công vì gia đình cũng chẳng có tiền để góp vào xây nhà. Ông tâm sự: “Tôi chỉ mong có chỗ che nắng che mưa và có được nguồn vốn để chăn nuôi nhỏ tại nhà”.

Trước đây ông Hường đã có vay vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội 10 triệu đồng thông qua Hội Nông dân xã. Khi nhận vốn về, chưa kịp đầu tư sản xuất, ông Hường lại lâm trọng bệnh và số tiền này được dùng để chạy chữa thuốc men cho ông. “Đến nay, tuy ông đã khỏe nhưng vẫn chưa có khả năng hoàn nợ, nên Hội CCB xã không thể hỗ trợ vay vốn ưu đãi được nữa”- ông Đậm cho biết.

Nhiều lần trả lại của rơi

Hỏi về chuyện nhặt của rơi, ông Hường cho biết: Hôm đó, ông đi rước cháu ngoại đi học về, đến ngã ba (gần UBND xã An Phước) thì nhìn thấy cọc tiền nằm trên lộ. Ông nhặt được tiền và hỏi lớn: “Tiền ai làm rớt? Tui cho xin lại”. Không ai trả lời, nên ông đem số tiền này đến UBND xã và mau chóng liên lạc với công an xã để tìm lại người đánh rơi tiền.

Khoảng 1 giờ sau, có người đàn ông đến xin nhận lại 86.025.000đ. Qua kiểm tra và xác định đúng chủ nhân của số tiền trên nên đã hoàn trả lại. Người ấy xin hậu tạ ông Hường 1 triệu đồng, nhưng ông dứt khoát không nhận. “Tôi chỉ muốn giúp người bị rớt tiền tìm lại tài sản thôi”- ông Hường nói.

Trước đó, trên đường đi đến ngã ba Cái Nhum, ông Hường cũng nhìn thấy một phụ nữ đánh rơi gần 6 triệu đồng trên đường. Nhặt được tiền, ông liền chạy theo để hoàn trả số tiền. Cô này rất vui khi nhận lại số tiền, vì đây là số tiền mà cô mới “vay nóng” bên ngoài để giải quyết khó khăn cho gia đình. “Cũng may là tôi giúp họ nhận lại tiền, nếu không chắc họ sẽ vô cùng khó khăn”- ông Hường nhớ lại.

Ông Hường kể: Trước đây, ông đã có lần bị mất ví tiền. Tuy tiền bạc không nhiều, nhưng bên trong toàn là giấy tờ quan trọng. Rất may là có người nhặt được và hoàn trả cho ông. Chính vì vậy, ông hiểu rõ tình cảnh của người bị đánh rơi tài sản và luôn giúp họ nhận lại.

Ông Hường vừa được Chủ tịch UBND huyện Mang Thít tặng giấy khen vì đã nêu gương “người tốt, việc tốt” nhặt và hoàn trả số tiền trên 86 triệu đồng.


Bài, ảnh: THỤY VŨ