Già hóa dân số: Thách thức và cơ hội

Cập nhật, 07:31, Thứ Năm, 26/12/2013 (GMT+7)

"Già hóa dân số không phải là gánh nặng mà là một tiến trình tất yếu, là một thành tựu. Điều quan trọng là những thành tựu đó phải được phát huy", TS Dương Quốc Trọng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) nhấn mạnh về những vấn đề cần ưu tiên để Việt Nam vượt qua thách thức, thích ứng với một xã hội già hóa dân số.

Nhiều thách thức với già hóa dân số

Ngày 1-11-2013 vừa qua, công dân thứ 90 triệu của Việt Nam đã chào đời. Đó cũng là thời điểm Hội Người Cao tuổi Việt Nam “kết nạp” thành viên thứ 9 triệu, để Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai sau Thái Lan có tốc độ già hóa cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều đó đặt ra nhiều thách thức cho những nhà hoạch định chính sách và vấn đề an sinh xã hội của người cao tuổi (NCT).

Chăm sóc người cao tuổi là trách nhiệm của mọi người.

TS Dương Quốc Trọng cho biết: “Vào năm 2009, các nhà khoa học dự báo đến năm 2017 chúng ta mới bước vào giai đoạn già hóa dân số. Nhưng chỉ sau 2 năm (năm 2011), chúng ta đã bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Thời gian chuyển hóa từ già hóa dân số sang dân số già của Việt Nam mất khoảng 15-16 năm, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới phải mất nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Như vậy, tốc độ già hóa dân số hoặc lão hóa dân số của Việt Nam đi rất nhanh”.

Thách thức lớn nhất khi "dân số già hóa" là việc bảo đảm chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế cho NCT. Theo Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), tỷ trọng NCT ngày càng tăng, mô hình và nguyên nhân bệnh tật của NCT đang thay đổi nhanh chóng khiến cho gánh nặng "bệnh tật kép" ngày càng rõ ràng.
 
Một mặt, NCT phải chịu nhiều bệnh do lão hóa gây ra, mặt khác, họ cũng phải chịu các bệnh phát sinh do thay đổi lối sống dưới tác động của biến đổi kinh tế-xã hội trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Khảo sát năm 2010 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, có tới 95% NCT có bệnh và chủ yếu là bệnh mãn tính không lây nhiễm như xương khớp (40,62%), tim mạch và huyết áp (46,6%), tiền liệt tuyến (63,8%); rối loạn tiểu tiện (35,7%); những bệnh tật phát sinh như sa sút tinh thần và trầm cảm lại có xu hướng tăng.

Đa số NCT nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy, khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn, dẫn đến nguy cơ khuyết tật của NCT cũng rất cao. Trong đó, khuyết tật thường gặp là mất thị lực và thính lực.

Điều đáng nói là khả năng và tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT bị tàn tật, thương tật vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là NCT ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; hệ thống y tế lão khoa các tuyến chưa đầy đủ, thiếu thuốc men và trang thiết bị chữa bệnh cho NCT; đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT.

"Già hóa dân số" cũng đặt ra thách thức trong việc hoạch định và thực thi chính sách. Thực tế, dân số đang biến đổi theo hướng già hóa nhanh, trong khi các chính sách, chương trình chăm sóc NCT về sức khỏe, kinh tế còn chậm thay đổi, chưa thực sự thích ứng.

Yếu tố "già hóa dân số" chưa được chú ý lồng ghép trong hoạch định chính sách kinh tế-xã hội. Trong thực tế, khi NCT tăng lên về số lượng thì chi phí cho hệ thống an sinh xã hội cũng tăng lên. Thế nhưng hiện nay tỷ lệ bao phủ của hệ thống an sinh xã hội đối với NCT vẫn còn rất hạn chế; sự khác biệt giữa các nhóm NCT, các vùng, miền ngày càng lớn..

Người già là vốn quý!

Theo TS Dương Quốc Trọng, già hóa dân số không phải là gánh nặng mà nó tạo ra cho chúng ta cơ hội và thách thức mới. Những người ở vào độ tuổi từ 60 đến 75 còn rất nhiều khả năng cống hiến cho xã hội, là kho tàng, kiến thức, kinh nghiệm để truyền cho thế hệ sau.
 
Với vốn sống, trí tuệ, NCT có vai trò quan trọng trong việc kết nối các giá trị truyền thống về đạo đức, lịch sử và văn hóa với thế giới hiện đại.

NCT là một trong những lực lượng nòng cốt ở cơ sở và trong mỗi gia đình, nêu gương, hướng dẫn, động viên con cháu chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy dân chủ ở cơ sở, bảo vệ môi trường sống, đóng góp để xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ...

Tuổi thọ là ước mong lớn của con người. Già hóa dân số là thành quả của sự phát triển kinh tế-xã hội, khẳng định tính ưu việt của chế độ, của sự phát triển kinh tế-xã hội, mà trực tiếp là công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Do đó, việc tuyên truyền về già hóa dân số cần mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao nhận thức của xã hội, để người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già và giữ vững, ổn định quy mô dân số.

Theo QĐND Online