Đi qua những xóm nghề trong phố

Cập nhật, 13:02, Thứ Tư, 25/12/2013 (GMT+7)

Những xóm nghề non trẻ cũng vài chục năm, xưa thì hàng trăm năm; thuở đầu mọc lên ven rìa, nhưng khi đô thị “giãn nở”, xóm nghề nằm lọt thỏm giữa phố.

Nhiều vấn đề về kiến trúc, nhà ở, vệ sinh môi trường, cùng sự cạnh tranh của kỹ thuật hiện đại… tất cả hợp thành cuộc “bức tử” những xóm nghề càng trở nên èo uột.

Không mất nhiều thời gian, chỉ chạy một vòng quanh TP Vĩnh Long, bắt đầu từ Phường 2, Phường 4, Phường 5… hầu như chúng ta đã tham quan khá đầy đủ các xóm nghề của thành phố xưa và nay.

Có làng nghề chỉ còn là dấu chỉ như xóm Chài ở Phường 2, có nghề “sắp chết” như xóm Vôi ở Phường 5. Còn nghề thì cố đeo bám kiếm cơm, vì buông ra cũng không biết làm gì?

Người thợ rèn than thở nhưng vẫn bám lấy nghề.

Chúng tôi tới thăm xóm Lò Rèn dưới chân cầu chợ Cua (Phường 4), chạy vào một đoạn gần đình Long Hồ, gặp anh Tám Vàng (53 tuổi) đang miết những lưỡi dao bào trên bánh xe mài. Còn người chị thứ Bảy đang làm sạch mấy miếng sắt.

Cả nhà đang tập trung mỗi người mỗi việc, khoảng sân hẹp trước nhà càng trở nên chật chội, âm thanh rít lên từ những chiếc máy mài khiến không khí càng ngột ngạt.

Anh Tám Vàng ngừng tay than thở: “Tiếc cái nghề hồi ông già gầy cái lò từ hồi tui còn nhỏ xíu. Cái thời lò rèn Sáu Mãn, Bảy Triệu còn tiếng tăm, cũng là thời xóm Lò Rèn này làm ăn khấm khá. Những năm 80 của thế kỷ trước, nội làm hàng phảng phát cỏ, lưỡi bừa, lưỡi xới cũng không kịp giao. Bây giờ làm quọp quẹp, lây lất làm sao mà cạnh tranh nổi với hàng công nghiệp, hàng Hà Nội, An Giang?”

Hiện anh Vàng cùng với người anh câm, điếc cùng người chị và 3 người em gái xúm lại làm gia công cho sạp dao trên TP Hồ Chí Minh.

Đổ đồng mỗi ngày làm trên dưới 100 cái dao, kiếm chừng 100.000- 200.000đ, coi như đắp đổi tiền chợ hàng ngày. Ngó xung quanh các lò rèn đều đã “tắt lửa”, cả xóm Lò Rèn ở ngoài cầu Lầu cũng chỉ còn lại tiếng tăm một thời, làm ăn thịnh vượng, lửa đỏ quanh năm.

Xóm làm cần xé sống được nhờ mùa vụ cây trái.

Xóm làm cần xé (Phường 2) mùa này có vẻ khá xôm tụ, tuy nhiên so với trước đây cũng đã sụt giảm nhiều lắm rồi. Cảnh phố thị đất chật người đông mà cái nghề này phải bày ra bít đường, bít lối hẳn là gặp nhiều cái khó.

Đa phần bà con tranh thủ không gian trong nhà để đan đát. Anh Bình may mắn tranh thủ khoảng đất trống của ngôi chùa, cùng với vợ chồng anh Út, hợp thành một nhóm làm gia công cho vựa của anh Lình. Hỏi, chị Út làm nghề bao lâu rồi? Chị xòe 2 bàn tay chai sần ra buông một câu: “Hơn 20 năm rồi”.

Một ngày trên 10 tiếng đồng hồ, anh chị quần quật với mấy cái cần xé, đứa con gái nhỏ cũng quanh quẩn bên cạnh. “Ráng mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn. Nhưng bước qua chừng tháng 3, tháng 4 thì hàng ít lại, nên cũng có được mấy đồng đâu? Dù sao, tay trắng ở phố, có được công việc vậy là may lắm rồi. Nhưng không biết nghề này tồn tại đến chừng nào”- chị Út không khỏi lo lắng.

Ở góc độ khác, những xóm nghề ở TP Vĩnh Long đã từng góp phần vào việc xây dựng nên những chuỗi sản phẩm du lịch khá hấp dẫn du khách một thời.

Cụ thể, tuyến đường đi bộ, từ dưới chân cầu chợ Cua, cặp mé sông Long Hồ, ra đến chân cầu Ông Me, với những sản phẩm chằm lá, lò gạch men, lò tương, chao, lò rèn và di tích đình Long Hồ. Đó cũng là tuyến đường sông có nhiều ngôi nhà xưa nổi tiếng của làng Long Hồ xưa.

Như vậy những xóm nghề trong phố sẽ tồn tại hay không tồn tại? Một câu hỏi không tách bạch như vậy cũng khó trả lời. Đứng về góc độ quản lý đô thị, những xóm nghề phát triển sẽ nảy sinh nhiều vấn đề: giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị,…

Nhưng đứng về góc độ an sinh xã hội, thực sự những xóm nghề đã tạo việc làm, thu nhập lâu dài cho nhiều lao động ở thành thị. Ngay trong chính xóm nghề thủ công, có quy mô nhỏ lẻ, biết có trụ vững trong quá trình vận động, phát triển của công nghệ tiên tiến hay không.

May là đặc trưng xóm nghề ở TP Vĩnh Long ít nhiều tồn tại còn gắn liền với thời vụ, công cụ nông nghiệp. Xóm nghề tạo việc làm cho người lao động nghèo đô thị, một mặt đây cũng là những dấu chỉ ghi dấu sự vận động, quá trình phát triển văn hóa, văn minh của một đô thị.

Đứng về góc độ quản lý đô thị, những xóm nghề phát triển sẽ nảy sinh nhiều vấn đề: giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị,… Nhưng đứng về góc độ an sinh xã hội, thực sự những xóm nghề đã tạo việc làm, thu nhập lâu dài cho nhiều lao động ở thành thị.


Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG