Thu nhập 29 triệu đồng/người/năm

Cập nhật, 13:23, Thứ Tư, 25/09/2013 (GMT+7)


Tổ chức tốt các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Quá trình thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng xã nông thôn mới (NTM), có những tiêu chí không phù hợp nên các địa phương kiến nghị điều chỉnh.
 
Trong đó có tiêu chí thủy lợi (2), cơ cấu lao động (12),… được BCĐ Trung ương chấp thuận theo “cơ chế mềm”, nhưng tiêu chí thu nhập (10) vẫn “cứng”, “siêu cứng”- chẳng những không hạ mà còn tăng thêm.

Tiêu chí đề ra thu nhập bình quân đầu người 28 triệu đồng/năm (tương đương 1.400USD), tỉnh xin hạ xuống 24 triệu đồng, nhưng Trung ương lại quyết định phải 29 triệu đồng.

Xây dựng xã NTM, tiêu chí cơ cấu lao động (12) quy định: “Xã có tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động làm việc trong lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp đạt từ 35% trở xuống”. Thực hiện tiêu chí này rất khó cho những tỉnh nông nghiệp ở ĐBSCL. Qua kiến nghị của Vĩnh Long cũng như các tỉnh, tiêu chí này được BCĐ điều chỉnh là “tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 90% trở lên”.

Trước đó không có xã nào đạt, nhưng qua điều chỉnh, đến cuối năm 2012, Vĩnh Long có 4/22 xã điểm đạt tiêu chí 12, đến giữa năm 2013 đã có 13/22 xã đạt và còn 5 xã điểm tiếp tục đăng ký thực hiện đạt tiêu chí này trong năm nay (chưa tính ngoài các xã điểm).

Cũng xin nói thêm, về tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất (13), cuối năm 2012, toàn tỉnh có 64/89 xã đạt (18/22 xã điểm đạt). Hơi nghịch lý là những địa phương có tiếng làm ăn về kinh tế hợp tác hiệu quả như Ngãi Tứ (Tam Bình); Thành Lợi, Thành Đông, Tân Bình (Bình Tân)… lại chưa được đánh giá đạt.

Đây là 2 tiêu chí rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao thu nhập của người dân nông thôn. Việc điều chỉnh để nhiều xã cùng đồng loạt đạt quá nhanh tiêu chí mà trước đó được coi là quá khó như cơ cấu lao động hoặc đạt quá dễ như hình thức tổ chức sản xuất, liệu có đảm bảo cho tiêu chí thu nhập đuổi kịp?

Những xã có mức thu nhập bình quân đầu người tăng đều trong 2 năm gần đây và có khả năng đạt tiêu chí 10 vào năm 2014- 2015 đã cho thấy đều rơi vào các xã có lợi thế về thương mại, dịch vụ, công nghiệp, ven đô thị, trồng màu hiệu quả cao như Hựu Thành, Song Phú, Long Phước, Long Mỹ, Hòa Phú, Thành Đông,…

Còn những xã chuyên về sản xuất lúa, mức thu nhập của người dân tăng chưa đáng kể. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, những xã thuần lúa thì thu nhập người dân đa số còn ở ngưỡng gần hộ cận nghèo. Giải quyết vấn đề thu nhập, nhiều địa phương đã bắt đầu tìm được lối ra với giải pháp liên kết sản xuất theo mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”, nhằm từng bước tăng thu nhập cho người dân.

Thiết nghĩ, tiêu chí cơ cấu lao động trước đây quy định phải còn bằng hoặc dưới 35% lao động làm việc trong lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp là có mục tiêu rõ ràng.

Căn cứ vào đó, chắc rằng mỗi tỉnh, địa phương sẽ nghĩ ra phương án giải quyết “bài toán khó” bằng cách chuyển dịch cơ cấu lao động. Chỉ rõ điểm này, trong lời phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng đã phân tích:
 
Trong một gia đình có 3 lao động chính thì có thể để một người làm nông nghiệp, một người làm công chức hoặc lực lượng vũ trang, một người làm công nhân trong hoặc ngoài nước… Nếu nhiều gia đình cùng làm được như vậy thì sẽ đảm bảo được cơ cấu trong lao động của tiêu chí xã NTM, theo đó từng bước tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Đây là việc khó, phải có kế hoạch đầu tư dài hạn, phối hợp giữa nhiều cấp, nhiều ngành tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Khi đó, lao động nông nghiệp cũng phải được đào tạo, biết ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; hoặc sử dụng thành thạo các máy móc thiết bị nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả chất lượng và năng suất, nâng cao thu nhập.

Trên thực tế, các BCĐ xây dựng NTM đều khẳng định một điều là khi người dân nông thôn có thu nhập cao, chính họ sẽ tạo ra nguồn lực lớn để tiếp tục huy động đóng góp vào thực hiện hoàn thiện các tiêu chí NTM khác.

Nhiều tiêu chí có thể “mềm hóa” được, nhưng đối với tiêu chí thu nhập, BCĐ Trung ương vẫn phải “cứng” là nhằm để các địa phương đảm bảo mục tiêu nâng cao đời sống vật chất tinh thần toàn diện cho người dân khi xã trở thành NTM.

Nếu thực hiện lệch mục tiêu cơ cấu lao động, để rồi nông thôn “ai cũng có việc làm” cho đạt trên 90% như tiêu chí được điều chỉnh mà hiệu quả đạt thấp thì sẽ rất khó cho việc nâng cao thu nhập.

 

Bài, ảnh: TRẦN ÚT