Sức sống mới trên làng Thanh niên lập nghiệp

Cập nhật, 16:36, Thứ Sáu, 28/12/2012 (GMT+7)


Anh Nguyễn Trung Kiên- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long trao đổi, tìm hiểu cuộc sống của TN làng.

Làng có trên 90 hộ, là những mái ấm nhỏ của vợ- chồng và con của thanh niên (TN) có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Khi tham gia dự án, TN được hỗ trợ cấp đất làm nông nghiệp, cất nhà ở và vay vốn sản xuất. Từ một vùng đất bạc màu, hoang sơ của vùng biên giới. Đến nay, làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) biên giới Ninh Điền (huyện Châu Thành- Tây Ninh) đã có nhiều khởi sắc…

Từ trung tâm TX Tây Ninh đi khoảng 20km là đến ngã ba Bến Cừ, chúng tôi rẽ phải đi về hướng Tây Nam, băng qua quãng đường lầy lội vì mưa, dài 8km để đến làng. Những cánh đồng rộng mênh mông trồng mì, mía, màu, những lô cao su xanh tốt đang trong thời kỳ khai thác…

Anh Lê Đức Lực- Phó Ban Quản lý dự án làng TNLN cho biết: Dự án làng TNLN biên giới Ninh Điền được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu mang lại việc làm cho TN; tham gia bảo vệ quốc phòng- an ninh vùng biên giới và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; xây dựng tổ chức chính trị, xã hội ở khu dân cư… Làng có diện tích 232ha với tổng vốn đầu tư 27 tỷ đồng. Tham gia dự án là cán bộ Đoàn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, từ 18- 35 tuổi.

Qua 3 năm triển khai thực hiện, cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thành với hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, loa truyền thanh, nước sinh hoạt, trạm y tế, trường mẫu giáo, phòng văn hóa… tương đối đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của TN. Hiện làng có 92 hộ được cấp 180ha đất, đáp ứng mong muốn lập thân, lập nghiệp của TN.

Anh Lê Đức Lực cho biết thêm, đi tiếp 2km nữa là tới địa phận Campuchia. Từ khi dự án hình thành, tình hình an ninh biên giới được cải thiện rõ rệt. Làng hiện có 14 đảng viên, 80 đoàn viên. Từ ngày thành lập đến nay, chưa có trường hợp nào vi phạm pháp luật, vi phạm quy chế sinh hoạt của làng. Về kinh tế, nhờ tập trung tăng gia sản xuất mà nhiều hộ có điều kiện mua sắm các trang thiết bị tiện nghi cho gia đình…

Là một trong những TN đầu tiên đến làng TNLN, anh Trần Quốc Trí phấn khởi kể, trước đây anh là Phó Bí thư Xã Đoàn An Cơ (Châu Thành- Tây Ninh), khi dự án được triển khai anh mừng vì có chỗ ở, chỗ làm ổn định. Chỉ ruộng lúa trĩu nặng bông, anh khoe: “Nhờ vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm nên năng suất lúa tăng hơn trước khoảng 30%”.

Hơn 2 năm lập nghiệp, anh Trí đã trả được phân nửa số vốn vay. Ngoài làm nông, anh còn đi cạo mủ cao su và trồng thêm cây kiểng để tăng thu nhập…

Anh Cao Văn Hồng- hàng xóm anh Trí, kể: “Quê tui ở huyện Hòa Thành (Tây Ninh). Do hoàn cảnh khó khăn nên tui đăng ký vào đây để bớt gánh nặng cho cha mẹ. Đến đây, tui được nhận căn nhà rộng 40m2 trị giá 20 triệu đồng và được cấp một mẫu rưỡi (1,5ha) đất để làm nông. Năm nào cũng vậy, làm lúa xong là tui xuống giống khoai mì. Hiện, tui mong có thêm vốn để đầu tư sản xuất tốt hơn…”


Hầu hết các nhà ở làng TNLN có cùng diện tích và kiểu xây dựng.

Theo anh Lê Đức Lực, do điều kiện đất đai nên chỉ trồng 2 vụ/năm, chủ yếu là cây ngắn ngày. Khi mới đến đây trồng mì, năng suất chỉ khoảng 20 tấn/ha. Đến nay, có hộ trồng đạt 30- 35 tấn/ha. Lúc đầu, nhiều hộ chưa có kinh nghiệm trồng lúa, nhưng với ý chí phấn đấu, ham học hỏi, giờ họ đã thành công…

Nhớ lại, buổi đầu thực hiện dự án cũng gặp không ít khó khăn, từ tháng 8/2010 có 41 hộ đầu tiên đến tham gia, nhưng do vào mùa mưa, đường sá đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh, đất đai còn hoang hóa… nên đã có 7 hộ xin rút. Ngoài ra, một số TN chưa phấn đấu vươn lên, chưa có mô hình chăn nuôi phù hợp và chưa có điển hình TN sản xuất giỏi…

Anh Lê Đức Lực cho biết, để làng TNLN là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới Ban Quản lý dự án sẽ phân lô, cắm mốc, cấp sổ đỏ và giao mỗi hộ 1ha để sản xuất; thành lập đội TN xung phong làm kinh tế; tổ chức cho TN đi học tập và thử nghiệm trồng thêm nhiều loại cây màu mới; thành lập cánh đồng mẫu trồng cao su với diện tích 100ha và hỗ trợ thêm 51 hộ vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Hiện, cả nước có 18 làng TNLN, thu hút trên 1.200 hộ gia đình trẻ với gần 4.000 người đến lập nghiệp, chủ yếu trồng hoa màu, chăn nuôi gia cầm với mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế nông- lâm- ngư kết hợp, chuyên canh cây trồng có giá trị cao. Mô hình làng TNLN đã tạo điều kiện TN khó khăn về kinh tế có cơ hội đổi đời và góp phần giữ gìn an ninh biên giới của Tổ quốc.


Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI