Dạy kỹ năng sống cho trẻ từ bóng đá

Cập nhật, 10:46, Thứ Sáu, 18/05/2012 (GMT+7)

Dạy kỹ năng sống không phải là một điều quá mới mẻ, đó là một trong rất nhiều mục tiêu được giáo viên hướng đến khi xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Tuy nhiên, phương pháp nào và hiệu quả ra sao mới là vấn đề cần quan tâm. Ở Vĩnh Long, nhiều trường đang rất thành công với hình thức dùng bóng đá để dạy kỹ năng sống cho học sinh.

Dạy kỹ năng sống từ cuộc sống

Khác một chút với bóng đá thông thường, bóng đá cộng đồng hướng đến việc giáo dục kỹ năng sống và hình thành nhân cách trẻ. Đây là chương trình nằm trong dự án giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật của Tổ chức liên minh Na Uy đầu tư vào Việt Nam. Gọi là bóng đá cộng đồng vì nó dành cho mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, lứa tuổi... Tại Vĩnh Long, bóng đá cộng đồng đã hình thành ở 13 trường. Phương pháp dạy của giáo viên bắt đầu bằng những tình huống trên sân. Khi 1 thành viên trong đội té, sẽ được đội bạn đỡ dậy kèm theo câu hỏi trìu mến: “Bạn té có đau không? Bạn có cần mình giúp gì không?”

Trước khi đá bóng trẻ được dạy ý thức bảo vệ môi trường.


Không chỉ quan tâm bạn bè, bóng đá cộng đồng còn dạy trẻ bảo vệ môi trường với khẩu hiệu “Đá bóng để bảo vệ môi trường”. Trước khi chơi, học sinh sẽ lượm rác khắp sân bóng. Sau đó, nghe giáo viên giảng giải tác hại của việc vứt rác bừa bãi và từ đó các em sẽ có nhận thức đúng.

Thầy Lê Hữu Phước- Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Cái Vồn B cho biết: “Chúng tôi dùng bóng đá để hướng dẫn các em ứng xử với các bạn bè, nêu cao tinh thần tôn trọng đối thủ, đoàn kết, thắng không kiêu, bại không nản... Ưu điểm của phương pháp này là dạy từ những điều thực tế.”

Thầy Huy- giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Cái Vồn B hồ hởi nói: “Nhờ có bóng đá cộng đồng mà trường tôi ngăn chặn được tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Như em Chí Thân, học rất giỏi, vì hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học giữa chừng. Tuy nhiên, do muốn được đá banh trong đội tuyển của trường mà em đã thuyết phục gia đình để được đi học lại”. Hoặc trường hợp của em Thúy An, tuy là học sinh khuyết tật nhưng nhờ bóng đá cộng đồng, em đã phát triển một cách bình thường và nhanh chóng lấy lại sự tự tin hòa nhập cùng bạn bè.

Câu lạc bộ Bóng đá cộng đồng Trường Tiểu học Tân Lược B mới vừa thành lập đã có 41 em tham gia. Cô Trần Thị Tuyết Nga- Hiệu trưởng cho biết: “Trường chúng tôi nằm ở vùng sâu, ít các hoạt động vui chơi, nên có thể nói bóng đá chính là “món ăn” yêu thích nhất của các em. Chúng tôi rất mừng vì qua đó mình có thể dạy kỹ năng sống cho nhiều trẻ hơn”.

Các khó khăn tồn tại

Tại nhiều trường, khi đưa bóng đá cộng đồng vào áp dụng đã quên đi mục đích của nó là phát huy chứ không phải bó buộc các em vào nguyên tắc. Thầy Hứa Minh Tâm- Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật nhấn mạnh: “Khi xem nội quy sân bóng của các trường, tôi thường xuyên phải sửa từ “không được” thành từ “không nên”, bởi chúng ta nên giáo dục các em ý thức, bên cạnh đó hướng dẫn những điều đúng sai, để chính các em nhận biết và thực hành, chứ không phải là những điều khoản cứng nhắc bắt buộc các em làm theo”.

Thiết nghĩ, hình thức dùng bóng đá để dạy kỹ năng sống cho trẻ là một cách làm hay. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, nhiều giáo viên còn thực hiện nửa mùa. Bởi vẫn còn một số trường đưa khẩu hiệu “Bóng đá để bảo vệ môi trường” nhưng sau khi trẻ dọn sạch rác ở sân bóng thì lại phải vứt rác bên ngoài sân bóng, vì không có… thùng rác. Nếu chúng ta giáo dục kiểu lưng chừng như vậy thì rất khó để thay đổi bất kỳ điều gì.

Thầy Hồ Hoàng Dinh- giáo viên dạy thể dục Trường Tiểu học Tân Lược B cho biết: “Chúng tôi rất mong phát triển đội bóng của trường, tuy nhiên, nếu đội bóng quá đông thì lại rơi vào tình trạng thiếu giáo viên”. Quả thật, bài toán về đầu tư giáo viên dạy kỹ năng sống cho trẻ cần được cân nhắc và quan tâm hơn nữa để những tiết học kỹ năng sống thật sự bổ ích.

“Dạy kỹ năng sống cho trẻ đòi hỏi sự sáng tạo, tư duy nhạy bén của giáo viên bởi ngoài bóng đá, giáo viên cũng có thể dùng hình thức thể thao khác để giáo dục trẻ chẳng hạn là bóng chuyền…”- thầy Hứa Minh Tâm giải thích rõ. Bóng đá, hay thể thao thực chất chỉ là công cụ, quan trọng là trẻ hình thành nhận thức và áp dụng những điều được học vào cuộc sống.

Bài, ảnh: HỢP PHỐ