Say mê văn hóa ĐBSCL, Nguyễn Duy Linh (xã Tân Bình- Bình Tân) dành hết nhiệt huyết tuổi trẻ ngược xuôi trên chuyến hành trình giữ lửa truyền thống bằng sáng tạo của mình.
Duy Linh đã đến tìm hiểu hàng trăm ngôi nhà cổ, công trình kiến trúc ở Nam Bộ. |
(VLO) Say mê văn hóa ĐBSCL, Nguyễn Duy Linh (xã Tân Bình- Bình Tân) dành hết nhiệt huyết tuổi trẻ ngược xuôi trên chuyến hành trình giữ lửa truyền thống bằng sáng tạo của mình. Trải qua “hàng trăm chuyến đi… nhưng chân không mỏi”, Duy Linh nỗ lực kết nối quá khứ và gắn kết hiện tại, đưa văn hóa tới gần hơn với mọi người thông qua cái nhìn mới, đa sắc màu hơn trong hoạt động quảng bá và phát huy giá trị văn hóa.
“Hàng trăm chuyến đi… nhưng chân không mỏi”
Tình cờ trong một lần về thăm di tích lịch sử ở Tam Bình, chúng tôi gặp gỡ Duy Linh, sinh viên Trường ĐH Nam Cần Thơ. Thật ngạc nhiên khi chứng kiến chàng trai sinh năm 2000 đi chụp ảnh từng ngõ ngách trong di tích, biết dịch chữ Hán Nôm và kể chuyện lịch sử một cách am hiểu, say sưa không thôi.
Ngạc nhiên hơn khi Duy Linh cho chúng tôi nhìn tấm bản đồ điện tử trên điện thoại chi chít hàng trăm ngôi nhà cổ mà bạn từng đặt chân đến. Duy Linh cất công đi tìm hàng trăm ngôi nhà cổ ở ÐBSCL để ghi nhận hiện trạng, giá trị kiến trúc nghệ thuật, lối trưng bày xưa... và gia thế của chủ nhân ngôi nhà thuở trước.
Sau gần 5 năm đi và trải nghiệm, đến nay, chàng sinh viên đã có một gia tài tư liệu đồ sộ và đáng mơ ước với cả những nhà nghiên cứu thâm niên. “Bắt đầu từ đi xe đạp ở địa điểm gần, đến đi xe máy.
Có hôm nắng muốn xỉu dọc đường nhưng đi với niềm vui và háo hức nên không thấy mỏi mệt. Mỗi chuyến đi có khi kéo dài vài ngày, cả tuần ăn ngủ nhờ ở nhà cổ, chụp ảnh, dịch lại các tài liệu Hán Nôm, học lễ nghi Nam Bộ, bày trí bàn thờ gia tiên của người Việt…”- Duy Linh chia sẻ.
Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống, từ nhỏ Duy Linh đã theo ông nội học chữ Hán. Đến năm lớp 11, Duy Linh sử dụng điện thoại thông minh học thêm kiến thức Hán Nôm.
Không qua trường lớp, có thể viết đẹp, phiên âm, dịch nghĩa chuẩn xác là cả một quá trình Duy Linh mày mò rất lâu: “Ðam mê thì học được hết. Phải biết chữ Hán Nôm thì mới có thể nghiên cứu sâu về văn hóa Nam Bộ xưa”, anh tâm sự.
Người trẻ nghiên cứu văn hóa, lịch sử, ngoài trở ngại về vốn sống thì sự ngờ vực cũng là điều cần vượt qua. Cùng với kiến thức trong sách vở, cách tốt nhất để hiểu sâu về văn hóa truyền thống là đi điền dã, trò chuyện cùng các vị cao niên.
Duy Linh kể: “Vì sở hữu những vật giá trị nên chủ của những ngôi nhà cổ khá dè dặt với người lạ. Có những nơi phải mất đến… 3 năm tới lui, mới được cho vô nhà.
Thấy mình đọc, sưu tầm những tài liệu, trò chuyện với những vị cao niên, nghiêm túc tìm hiểu và giúp đỡ dịch chữ, bày biện chưng bông, trang trí, sửa sang, chủ nhà tin tưởng đến độ… giao luôn chìa khóa nhà, muốn đến thăm giờ nào thì đến”.
Duy Linh quan niệm: “Để tìm hiểu điều gì đó phải bắt nguồn từ sự tò mò, yêu thích, đi từ chi tiết nhỏ nhất đến những điều lớn hơn. Đặc biệt là người trẻ cần có tư tưởng mở, dù bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải đón nhận điều mới. Văn hóa miền Nam vô cùng đa dạng, so sánh những điều xưa và nay, tái hiện lại để mọi người hiểu được những giá trị và ra sức giữ gìn”.
Tận dụng lợi thế của mạng xã hội
Trang “Tản mạn kiến trúc” góp phần lan tỏa, quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam. |
Là thế hệ tiếp nối văn hóa truyền thống, người trẻ có lợi thế nắm giữ những phương tiện quảng bá và lưu giữ văn hóa trên các phương tiện truyền thông (mạng xã hội, điện ảnh, âm nhạc,...). Giá trị truyền thống không lạc hậu, xưa cũ mà được truyền tải một cách sinh động, thú vị.
Trên Facebook, Duy Linh là một trong những thành viên sáng lập trang “Tản mạn kiến trúc” với gần 39.000 người theo dõi trang.
Xuất phát từ mối quan tâm về kiến trúc, văn hóa, đặc biệt khi đứng trước quá trình đô thị hóa và không thể nào tránh khỏi sự phá hủy các công trình di sản, những người trẻ bắt đầu trăn trở có thể làm được những gì trước quá trình này.
Nhóm lưu trữ lại những dữ liệu về các di sản đang mất dần, chia sẻ để các bạn trẻ cũng có thể hiểu được giá trị của các công trình.
Duy Linh cho biết, hiện nhóm có 7 thành viên với tuổi đời 18- 28, có chuyên môn khác nhau: kiến trúc, nhân học, nghệ thuật học so sánh, lịch sử, du lịch. Trong nhóm phân chia vai trò tra cứu tư liệu, đi thực địa, vẽ minh họa và viết nội dung.
Mỗi bài viết đều là một thảo luận và đóng góp của các thành viên với các góc nhìn từ rất nhiều chuyên ngành khác nhau. Các thành viên chủ yếu trao đổi và làm việc trực tuyến, khi có thể sắp xếp họp mặt thì cùng nhau đi thực địa và thu thập dữ liệu.
Duy Linh chia sẻ: “Có những bài viết ở nhóm Tản mạn kiến trúc đạt hơn 100.000 lượt tương tác. Nhóm đang cùng nhau viết và sắp xuất bản quyển sách đầu tiên về khái quát kiến trúc miền Nam.
Điều đáng quý nhất là được nghe rằng một ai đó đã quan tâm hơn đến di sản sau khi đọc bài của tụi mình, để thấy quanh nơi mình sống cũng có những điều thật đẹp và thú vị. Trong hành trình lan tỏa tình yêu di sản không có gì hạnh phúc hơn khi thấy những thông điệp của chúng mình được cộng đồng hưởng ứng”.
Đang theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Duy Linh bắt đầu công việc dẫn tour cho khách tham quan những ngôi nhà cổ. Theo Duy Linh: “Khi yêu thích văn hóa, câu chuyện mà người hướng dẫn viên kể sẽ góp phần để mọi người nghĩ khác đi về lịch sử không phải là câu chuyện khô khan. Mắt thấy, tai nghe sẽ giúp mọi người hiểu hơn, yêu hơn truyền thống, nét đẹp quê hương”.
Tình yêu di sản văn hóa, lịch sử đã gắn kết những người trẻ như Duy Linh và các thành viên nhóm Tản mạn kiến trúc. Trên hành trình nỗ lực kết nối quá khứ và hiện tại, nhóm đánh thức nét đẹp tiềm ẩn và tiếp tục truyền cảm hứng để người trẻ giữ gìn, quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Anh Trương Trần Trung Hiếu- Nhóm Tản mạn kiến trúc nhận xét: Duy Linh là thành viên trẻ thứ hai trong nhóm và có một đam mê lớn dành cho văn hóa nói chung và di sản kiến trúc nói riêng tại miền Nam. Linh là thành viên hỗ trợ đắc lực trong việc đi điền dã, lưu trữ dữ liệu và phỏng vấn những chủ nhà, để từ đó nhóm xây dựng các nội dung hoàn chỉnh. Nỗ lực kết nối với các chủ nhà của Duy Linh đem lại những hiệu quả thiết thực trong việc kết nối các nhà chuyên môn, cộng đồng yêu di sản và chủ thể văn hóa. Sự kết nối và thấu hiểu là mục tiêu mà nhóm cùng nỗ lực xây dựng. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin