Nhớ năm nào cù lao trỗi dậy

Cập nhật, 00:21, Thứ Tư, 12/05/2021 (GMT+7)

Chiến dịch Mậu Thân 1968, ta giải phóng hoàn toàn các xã vùng cù lao Long Hồ ngày nay. Giặc thù phải mất 3 năm mới bình định xong. Tên đội Mẫu khét tiếng ác ôn, cả vùng sông Măng và Chợ Lách đều nổi danh hắn. Trong tiệc mừng “chiến công” ở vàm rạch Dứa (ấp Phú Thuận, xã Đồng Phú) tháng 10/1972, hắn oang oang tự đắc: “Việt cộng vùng này đừng hòng “đội mồ”, xương cốt chúng bây đã tan thành tro bụi!”

Lực lượng kháng chiến, cơ sở cách mạng số bị giam cầm, tù đày; một số địch thả ra thành phế nhân. Những cán bộ sức khỏe khá hơn thì sang vùng khác hoạt động, xông vào hàng ngũ địch, đi lính cho địch...

Cán bộ của huyện Chợ Lách chạy sang vùng sông Ba Lai (Bến Tre). Nơi đây, thấy không bám trụ được, đành vượt sông Tiền sang Cai Lậy (Mỹ Tho).

Vùng đất “sỏ” cù lao Minh gồm An Bình, Đồng Phú, Bình Hòa Phước. Giữa năm 1974, số cán bộ chạy sang vùng khác lần lượt quay về. Các anh đã có đủ giấy tờ mà địch không hãm hại được liền bí mật liên hệ cơ sở cũ, tiếp tục xây dựng lực lượng tại chỗ nhen nhóm thành phong trào.

Biết được chỗ ở của cán bộ cấp trên, Chín Quắn được giao liên đưa sang Cai Lậy. Cán bộ bên đó chỉ đạo, đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động ở Bình Hòa Phước, Đồng Phú, An Bình. Chẳng mấy chốc các anh tạo được vũ khí và “chuyển mình”, “chuyển vùng”. Len lỏi theo bước chân kẻ địch với quân trang từng lúc phù hợp từng sắc lính và vũ khí, súng AR15.

Ra quân trận đầu tiên, anh Năm Thái- cán bộ công tác ở Tỉnh ủy Vĩnh Long- có người em gái báo cho lực lượng ở cù lao (mới nhen nhóm) biết: Tên Tám Nuôi- tình báo Tỉnh trưởng Vĩnh Long- đang ở xã An Bình; chỉ rõ địa điểm hắn ở, quy luật hoạt động. Chín Quắn cùng Năm Đúng hóa trang thành lính biệt động đến nhà hắn ở. Hắn không có trong nhà. Có 2 tên lính đang ngồi trước cửa nhà. Chủ nhà nói, hắn sắp về và bảo Chín Quắn, Năm Đúng chờ... (chủ nhà được Chín Quắn cho biết bạn Tám Nuôi tìm thăm). Hai anh không chờ, đi ra chừng 100m thì gặp hắn. Thấy đúng hình dạng cô em Năm Thái báo, Chín Quắn giương súng chĩa ngay hắn, bóp cò. Hắn gục xuống, 2 anh nhanh chóng rút lui. Tin đồn là có một “cuộc tranh gái giết nhau”.

Một tuần sau, hay tin tên Hai Nhất- Thư ký trưởng đồn xã Hùng (xã Hùng giết Huỳnh Kim Phụng)- về thăm nhà cách đồn vài trăm mét. Bất ngờ Năm Đúng, Chín Quắn, Tư Chà xuất hiện bao vây. Không kịp nổ súng, tên Hai Nhất bị trói định dắt đi... Vợ hắn xin đừng dắt chồng đi... Hãy giết tại nhà... Dắt đi khó tìm xác. Ta đưa hắn vượt sông Tiền sang Cái Bè để khai thác. Tên Hai Nhất tỏ ra thành khẩn ăn năn, chỉ những đoạn đường địch không chú ý để đi và trùng hợp sự hiểu biết của ta. Vừa về đến căn cứ du kích thì dân ở xóm nhà Hai Nhất- là cơ sở của ta- cũng vừa đến. Họ khuyên tổ võ trang giáo dục Hai Nhất rồi thả. Bởi thời gian gần đây, hắn tỏ ra biết phục thiện, có ý định bỏ ngũ nên thả hắn về bót có lợi cho ta hơn... Từ lúc Hai Nhất được thả, địch ở đồn Cầu Đen hoang mang, không ra ngoài lùng sục.

Lúc này ở cù lao, lỏm du kích được mở rộng, dân tình phấn khởi. Giặc chết ở Binh Long- An Lộc làm thối động tinh thần bọn địch ở cù lao.

Chiến công nối tiếp chiến công, ta xây dựng kế hoạch diệt đồn Cây Còng ở bờ bao Doi Đồn, đồn trú một “tiểu đội nghĩa quân”.

Sau Tết Mậu Thân 1968, giặc đóng đồn này nhằm quan sát, ngăn chặn quân ta từ bờ Bắc sông Tiền di chuyển về cù lao. Thế nhưng...

Cuộc nhậu chưa hết nửa con gà luộc, ta giết trưởng đồn Bảy Khọt, thu vũ khí. Lính ở nhiều đồn khác, đều án binh bất động. Dân làng cùng nhau đưa quà sang bờ Bắc sông Tiền ủy lạo bộ đội.

Du kích phát hiện tên phó ấp an ninh ác ôn đang ngồi hớt tóc trên ghế ở vàm Rạch Dứa, nên tìm cách tiếp cận diệt tên này. Chín Quắn kịp ngăn lại. Bởi tên này có con trai tòng quân hồi tháng 5/1961, là quân giải phóng miền Nam.

Cán bộ tỉnh, huyện về cù lao, trực tiếp chỉ đạo phong trào kháng chiến địa phương. Ông Hai Đèo thành lập tiểu đoàn dự bị tỉnh.

Và ngày 30/4/1975, cù lao sạch bóng thù.

Chín Quắn là dũng sĩ diệt “Bình định”, năm anh 16 tuổi. Chín Quắn “khắc tinh” lính đồn Đồng Phú, Hòa Ninh. Mỗi lần nghe tên anh đều tỏ ra khiếp đảm. Còn dân làng đều bảo Chín Quắn hiền như “bụt”. 

NGUYỄN HỒNG TÂM

'