Hình ảnh bộ đội trong thơ Song Hảo

Cập nhật, 15:21, Chủ Nhật, 11/04/2021 (GMT+7)

 

Nhà thơ Song Hảo.
Nhà thơ Song Hảo.

(VLO) Một sáng nọ trong khuôn viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, tôi tình cờ gặp “đôi vợ chồng son” Song Hảo- Thành Khởi. Sở dĩ gọi cặp U.70 này là “vợ chồng son” bởi vì đi đâu họ cũng có đôi, có cặp.

Do nhà thơ Song Hảo sức khỏe không được tốt nên khi cần đi đâu, anh Thành Khởi phải làm nhiệm vụ tài xế. Thấy trên tay chị cầm một quyển sách mỏng giấy ngả màu vàng cũ, làm tôi chợt nhớ lại thời kỳ đất nước còn khó khăn, sách báo in bằng loại giấy được làm từ nguồn nguyên liệu rơm rạ, nên tò mò hỏi mượn xem.

Sách cũ, bìa mất hết nhưng tôi nhận ra đây là tập thơ “Khoảng trời nhiều gió” do Hội Văn nghệ Cửu Long xuất bản năm 1983. Tập thơ dù nhuốm bụi thời gian nhưng có nhiều bài thơ hay, trong đó có nhiều bài viết về bộ đội, về chiến trường K (Campuchia).

Anh lính tình nguyện trên chiến trường K

Sau khi đánh tan quân xâm lược Pol Pot gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và giúp giải phóng Campuchia vào tháng 1/1979, tỉnh Cửu Long đã thành lập đoàn quân sự làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn ở tỉnh Kampong Speu.

Kampong Speu là tỉnh nằm phía Tây Thủ đô Phnom Penh với 2/3 diện tích là rừng rậm, núi cao che phủ, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt (mùa rét xuống đến 10oC, mùa nóng lên đến 37- 40oC), nên cuộc sống các đơn vị quân tình nguyện gặp nhiều khó khăn, vất vả, vừa đối phó khí hậu, bệnh tật vừa phải luôn cảnh giác với mìn bẫy và bọn tàn quân còn sót lại.

Nhà thơ Song Hảo cho biết: Năm 1980, chị theo đoàn công tác của tỉnh Cửu Long gồm các đồng chí lãnh đạo cùng các văn nghệ sĩ sang thăm các đơn vị quân tình nguyện đóng quân tại tỉnh Kampong Speu- tỉnh kết nghĩa với tỉnh Cửu Long.

Nhà thơ nhớ lại thời ấy chuyện chết chóc của nạn diệt chủng đã lùi vào quá khứ, nhưng bộ đội đóng quân trên đất bạn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trên đường đưa đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế xuống các đơn vị, phải luôn có lực lượng bảo vệ đi kèm.

Chị nhớ có lần đi ngang một ngôi nhà bỏ hoang, các anh chỉ tay cho chị thấy một bộ xương người nằm trong góc nhà! Hơn chục ngày trên đất bạn, cùng ăn, cùng ở với các đơn vị quân tình nguyện, đi qua những vạt rừng nhiều bông hoa dại, quần áo dính đầy cỏ may… đã để lại nhiều kỷ niệm, những ấn tượng khó phai trong lòng nhà thơ nữ và sau đó bài thơ “Mai xa rừng em biết nói gì đây?” ra đời. 

“Mai xa rừng…/ Em biết nói gì đây/ Nếu không đi cùng anh trong mùa mưa biên giới/ Không để gai vướng chân và cỏ may đan áo/ Em đâu hay rừng nhiều hoa thơm…”

Cảm xúc về những chàng trai trong đoàn quân tình nguyện trên đất bạn Campuchia đi qua mùa khô, khô khốc, thèm con suối mát trong, rồi những cơn mưa rừng mịt mùng tối trời, tối đất mà đoàn quân đi cứ đi. Hình ảnh những giọt mưa thành nốt nhạc trên lưng người chiến sĩ, đã để lại trong lòng chị nỗi vấn vương cứ vướng va, vướng vít.

“… Mai xa rừng em có nhớ gì không? Sao câu hỏi cứ đan hoài trong trí/ Như bông cỏ may giữ chân người ở lại/ Em biết nói gì đây?”

Khi bài thơ được công bố và được nhạc sĩ Vũ Loan phổ nhạc với tên tác phẩm “Mai xa rừng em có nhớ gì không”, còn soạn giả Lê Sơn viết thành bài vọng cổ được phát trên sóng phát thanh và đài truyền hình đã được nhiều người yêu thích. 

Một số anh bộ đội khi về nước đã tìm đến Hội Văn nghệ chất vấn nhà thơ Song Hảo rằng: “Em viết bài thơ này để tặng cho riêng anh phải không?” Chị chỉ cười và có câu trả lời làm ai cũng mát lòng: “Em viết bài này để tặng cho tất cả các anh bộ đội!”

Ngoài ra trong tập thơ, tôi còn thấy có các bài thơ hay khác viết về chiến trường K như “Đồng hương”, “Tiền phương ơi!”,... “Xe qua cầu Tịnh Biên/ Bụi cát mờ gửi lại/ Lời nước non vọng mãi/ Tiền phương ơi tiền phương!” (bài “Tiền phương ơi!”); “Mai nầy xa rồi nhớ/ Đồng hương ơi đồng hương/ Trông xa vời ánh mắt/ In sắc trời biên cương” (bài “Đồng hương”).

Anh bộ đội bên khung cửa sổ

Tập thơ
Tập thơ "Mê hoặc" vừa ra mắt

Nhắc đến thơ Song Hảo mà không nhắc về bài thơ “Bên cửa sổ”, sẽ là một thiếu sót, vì bài thơ đã đưa tên tuổi Song Hảo đến với công chúng trên cả nước. “Cao cao bên cửa sổ/ Có hai người hôn nhau/ Hai người rất trẻ/ Hãy im nghe/ Rì rầm đường phố/ Bên cửa sổ/ Có hai người/hôn nhau”.

Hình ảnh một anh bộ đội gặp cô công nhân bên khung cửa sổ, dưới bầu trời đêm khi chiến trường im tiếng súng đã trở thành tứ thơ tuôn chảy. “Mặt trận đêm nay/bình yên/anh lính về thăm phố phường/Cô gái vừa tan ca hai người đến với hoa/hôn nhau/bên cửa”.

Và qua bàn tay tài hoa của nhạc sĩ Xuân Hồng, bài thơ đã được nâng tầm trở thành bài hát với ca từ chắt lọc, trữ tình: “Khi mặt trận bình yên, anh lính về thăm phố, cô gái vừa tan ca, Họ hẹn nhau và chờ nhau cùng khát khao hạnh phúc. Họ đón nhau và mùa xuân cũng theo về.” 

Mùa xuân cũng theo về. Vâng thật đúng và rất ý nghĩa với nhà thơ Song Hảo. Chào xuân 2021, chị vinh dự được chọn trao giải thưởng Văn học, nghệ thuật Văn Xương Các tỉnh Vĩnh Long năm 2020 với tập thơ “Mùa chưa qua”, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tháng 3/2020.

“Vợ chồng son” Song Hảo- Thành Khởi lại ghé cơ quan, tiếp tục ký tặng bạn bè tập thơ “Mê hoặc” vừa mới in xong. 41 bài thơ nằm gọn trong tập thơ xinh xắn có bìa màu nâu đỏ. Khi đọc, người đọc sẽ cảm nhận về một Song Hảo bị thơ mê hoặc hay người đọc sẽ bị mê hoặc vì thơ của chị?

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG