Lì xì... tri thức

Cập nhật, 21:59, Chủ Nhật, 21/02/2021 (GMT+7)

 

Anh Trần Thanh Hiệp lì xì sách trong dịp tết vừa qua.  Ảnh nhân vật cung cấp
Anh Trần Thanh Hiệp lì xì sách trong dịp tết vừa qua. Ảnh nhân vật cung cấp

Mỗi dịp xuân về, bên cạnh lời chúc thì mọi người còn mừng tuổi- lì xì nhau với hy vọng điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Những năm gần đây, lì xì bằng sách đã trở thành một nét đẹp ngày tết mang giá trị tinh thần, tạo dựng văn hóa đọc trong cộng đồng.

Trao tri thức khai xuân

Những ngày giáp tết, nhà báo Trương Anh Ngọc đã viết lên trang cá nhân của mình rằng: mấy ngày này, nhà mình lại đi các hiệu sách chỉ để làm một việc duy nhất là mua sách thiếu nhi mừng tuổi cho bọn trẻ. Nhà mình từ nhiều năm nay không mừng tuổi cho trẻ con bằng tiền nữa. Đừng nghĩ là mình tiếc tiền. Không phải đâu (tiền mua sách còn tốn hơn nhiều số tiền đáng lẽ ra sẽ phải cho vào phong bao). Nhà mình làm điều ấy chính là vì muốn tiếp tục truyền cảm hứng cho trẻ về ý thức đọc sách, tình yêu với sách, một thế giới mà chúng nên tiếp cận, thay vì nhận được tiền lì xì từ khi còn bé.

Anh Trần Thanh Hiệp- Tổ chức Go- books- cho biết, đối với các tỉnh phía Bắc và TP Hồ Chí Minh thì hoạt động lì xì sách hay tặng sách đã được thực hiện nhiều năm nay. Riêng Vĩnh Long và các tỉnh ĐBSCL thì chưa lan tỏa nhiều và ngay bản thân anh thì cũng chỉ mới thực hiện dịp tết 2020 và 2021.

Anh Hiệp chia sẻ: “Trong thời gian làm việc hàng ngày, nên để ý đồng nghiệp, đối tác, bạn bè, con cháu xem mỗi người đang quan tâm chuyện gì? Họ đang bị “mắc kẹt” ở vấn đề gì (cơ quan, nuôi dạy con cái, stress,...) để mình dự kiến sẽ tặng sách. Riêng đối với con cháu thì phải nắm được độ tuổi, khả năng đọc loại sách truyện tranh ít chữ hay có thể đọc các tác phẩm văn học dạng toàn chữ, đối với con cháu lứa tuổi cấp 3 thì thiên về sách hướng nghiệp, tư duy tích cực, kỹ năng sống,...

Theo anh Hiệp thì thường vào các dịp cuối năm, có rất nhiều đợt giảm giá nên mua được nhiều sách hơn của các nhà xuất bản uy tín chứ không mua sách “lậu”. Quá trình tặng sách cũng thật kỳ công vì mua sách về thì phải đọc để nắm nội dung, khi lì xì thì có thể nói tóm tắt nội dung quyển sách và vì sao nó thích hợp với người nhận. Còn đối với các cháu mẫu giáo và cấp 1 thì các cháu rất thích các quyển sách truyện tranh nhiều màu và đặc biệt là thích cảm giác chính tay mình lựa chọn nên người tặng có thể bày nhiều tựa sách ra bàn cho các cháu tự do chọn quyển mình thích.

Qua 2 năm lì xì sách, anh Hiệp nói: “Đối với các cháu nhỏ, ban đầu sợ các cháu không thích nhưng khi làm thử rồi thì thấy các cháu vui lắm! Nhận xong là kiếm chỗ ngồi đọc liền và dòm qua sách bạn kế bên để nghía xem có gì hấp dẫn không. Việc lì xì sách là cách để thực hành lại điều ông bà mình từng dạy “Của cho không bằng cách đem cho”. Cách đem cho ở đây chính sự quan tâm và thấu cảm, truyền tải thông điệp đó để mọi người thấy mình vẫn có người quan tâm, cảm thấy ấm lòng. Để có thể “sống cùng nhau, chia sẻ cùng nhau”.

Cần nhân rộng và duy trì

Theo chị Trần Thị Nhi (Phường 4- TP Vĩnh Long), năm 2020 đầy biến động vì dịch bệnh, các em nhỏ đã dần quen với việc tự tìm tòi, đọc hiểu tài liệu để phục vụ việc học và cũng có nhiều thời gian khám phá thế giới sách: “Tôi nghĩ mừng tuổi bằng sách vào năm mới là vô cùng hợp lý, vừa có thể giới thiệu cho các em nhiều đầu sách hay để đọc trong những khoảng thời gian không thể đến trường lớp vui chơi cùng bạn bè vừa tiếp tục khuyến khích và duy trì thói quen đọc sách và tự học, tự nghiên cứu”.

Tặng sách trở thành món quà lì xì ý nghĩa trong năm mới.
Tặng sách trở thành món quà lì xì ý nghĩa trong năm mới.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng cho rằng, mừng tuổi đầu năm bằng sách là hành động hay và rất có ý nghĩa, là một nét đẹp văn hóa cần được phổ biến. Sách cũng là sản phẩm “của đời in ra” nhưng khác với tiền, sách in ra để đọc, để bồi dưỡng tâm hồn và khám phá tri thức chứ không phải dùng làm công cụ thanh toán. Và khi được tặng một cuốn sách, chắc chắn không đứa trẻ nào bắt gặp trong đầu mình ý nghĩ lật xem giá bìa để bình phẩm “bác này rộng rãi, dì kia keo kiệt” như lúc nôn nóng mở “hồng bao”.

Thật tuyệt vời nếu ngày đầu năm mới, vừa nhìn thấy cô chú, cậu mợ hay bạn của bố mẹ đến nhà, trẻ con ùa ra, nhao nhao “Sách của con đâu?” thay vì “Tiền lì xì của con đâu?” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ.

Một quyển sách phù hợp kèm lời chúc mong muốn của người nhận trong năm mới trở thành hiện thực sẽ là món quà đầu năm nhiều ý nghĩa, vừa tiết kiệm, vừa chân thành nhưng lại là đòn bẩy để thúc đẩy, làm sống dậy phong trào văn hóa đọc trong toàn xã hội. Lì xì... tri thức là việc làm cần nhân rộng, duy trì, tô điểm thêm cùng văn hóa truyền thống mang đến một khởi đầu năm mới thật nhiều ý nghĩa.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ