Ngân mãi lời ru, giọng hò

Cập nhật, 16:38, Chủ Nhật, 17/01/2021 (GMT+7)

 

Lời ru ầu ơ đã nuôi nấng biết bao thế hệ người Việt Nam.
Lời ru ầu ơ đã nuôi nấng biết bao thế hệ người Việt Nam.

“Hồi đó”, “ngày xửa ngày xưa”, “thuở ấy”… là mở đầu cho câu chuyện của thế hệ hôm nay khi nhắc đến câu hò, lời ru. Có bao nhiêu người trẻ biết hát ru? Hình ảnh anh nông dân đứng giữa ruộng đồng bờ bãi mà cất câu hò chỉ còn trong ký ức. Hơn cả một câu hò, hơn cả một tiếng ru, những di sản văn hóa này đã vun đắp, nuôi nấng tình yêu thương cho biết bao thế hệ dựng xây “mảnh đất chín rồng”.

Một tin thật vui cho những người yêu văn hóa dân tộc khi “nghệ thuật hò và hát ru của người Việt Nam ở Cần Thơ” đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Còn nhiều lắm những tấm lòng yêu câu hò, yêu tiếng ru mà giữ mãi tiếng vọng từ ký ức.

Ngân nga câu hò

Những câu hò ở vùng đất Nam Bộ nói chung, hò Cần Thơ nói riêng ra đời gắn liền với quá trình khẩn hoang. Tiếng hò trầm bổng, nhặt khoan, khi thì êm dịu, trữ tình, lúc lại tươi vui, náo nhiệt… trong những buổi cấy trên đồng, chèo ghe dưới sông, đùa ghẹo, gợi duyên trong những cuộc hò hát của trai gái thanh xuân. Gắn liền với đời sống sinh hoạt, câu hò trở thành một kiểu giải trí bình dân mà
điệu nghệ.

Khách thương hồ xuôi ngược trên sông, bập bềnh chợ nổi quê mình. Đang chèo ghe thì có cô bán bánh cất giọng lanh lảnh: “Bánh bò hông, bánh bò hơ… ơ…” Chiều chiều là bà con trên đồng cất giọng hò đối đáp nhau cho vơi mệt nhọc, quên cái đói để làm xong việc đồng áng. Cánh đồng làng mênh mông xanh ngát lúa chẳng khác gì một sân khấu lớn. Những câu hò huê tình đối đáp nhau được cất lên từ những con người đang lao động trên ruộng lúa: “Hò... ơ... Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái. Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba. Mặc pi-ja-ma khăn bàn choàng cổ. Thấy em gái Ba Xuyên ngồ ngộ muốn cùng ai thổ lộ đôi lời. Cấy cày cực lắm em ơi. Theo anh về vườn ăn trái... Hò... ơ... Theo anh về vườn ăn trái một đời ấm no...”.

Nghĩa xóm giềng tối lửa tắt đèn, chỉ cần “ới” một tiếng là có mặt ngay. Hay bóng dáng người phụ nữ luôn không thể thiếu: “Hò ơ ớ… Ngó lên nhà thức ngủ bớ nhà. Giựt cái nống chống cái cửa thổi bếp lửa đốt cái đèn quơ nồi dọn dẹp à… Hò ơ ớ ơ… mà chị em mình tới đây…”

Hò Cần Thơ từ lâu đã nổi tiếng gần xa, đã theo chân cố Giáo sư Trần Văn Khê trong những bài giảng về dân nhạc Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hò xuất hiện xuyên suốt trong những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam. Trong một lần ghé chợ Ngã Bảy, soạn giả Viễn Châu tức cảnh sinh tình viết câu vọng cổ “Tình anh bán chiếu”, lần đầu tiên câu hò Cần Thơ trở thành khúc dạo đầu cho câu vọng cổ. Tiếng hò lanh lảnh trên sông trong tuồng cải lương Tiếng hò sông Hậu của soạn giả Điêu Huyền gợi bao nhiêu hoài niệm. Và người con Cần Thơ tự hào biết bao cất khúc hát của nhạc sĩ Trần Kiết Tường “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” lấy âm hưởng điệu hò Cần Thơ: “Hò ơ, hò ơ ơ ớ ơ… Tôi hát ngàn lời ca. Bao la hơn những cánh đồng. Mênh mông hơn mặt biển Đông. Êm đềm hơn những dòng sông…”

Chúng tôi có mặt ở Ngày hội Du lịch- Ðêm hoa đăng Ninh Kiều 2020, đây cũng là lần đầu tiên sân khấu Cần Thơ trình diễn hò và hát ru. Trong không gian náo nhiệt, những người làm chương trình cứ nơm nớp sợ tiếng hò, lời ru sẽ lạc điệu. Tuy nhiên, hàng trăm người ngồi coi suốt buổi, có người lớn tuổi, còn phần đông là giới trẻ.

Nghệ nhân ưu tú Trường Út được anh em nghệ sĩ nói vui là “người hò mái dài hay số hai thì không ai dám nhận số một”. Nghệ nhân ưu tú Trường Út chia sẻ: “Hò có 3 loại: hò huê tình, hò cấy và hò mái dài. Mỗi điệu hò có giai điệu, cách thể hiện riêng trên nền những câu từ rất đẹp. Gần 40 năm theo nghiệp hát, chẳng có bí quyết gì để hò hay, hát giỏi, chúng tôi đặt hết tình cảm của mình vào câu hò mà thôi. Hãnh diện lắm vì có thể cất câu hát mà nhớ nội, nhớ má, nhớ cả một quãng đời người. Chúng tôi cũng mang trách nhiệm phải làm sao để giữ gìn, quảng bá và truyền lại tài sản vô giá này”.

Nhà nghiên cứu văn hóa, soạn giả Nhâm Hùng

Lần đầu tiên sân khấu Cần Thơ có buổi trình diễn hò và hát ru, chúng tôi đã rất lo vắng người xem. Thế nhưng buổi trình diễn thành công ngoài mong đợi. Những người yêu văn hóa dân gian dân tộc đều gửi gắm tâm tư, nguyện vọng bảo tồn, để làm sao tiếng hát ru con, điệu hò trên sông nước còn mãi mãi. Bởi xuất phát từ tình hình bây giờ những bà mẹ trẻ không còn biết ru con, trên sông nước không còn tiếng hò, trên đồng ruộng không còn tiếng hò cấy; chúng ta phải giới thiệu và cùng nghĩ ra cách nào đó để bảo tồn tiếng hát quê hương.

Thương mãi lời ru

Hát ru là nếp sinh hoạt văn hóa dân dã tự nhiên, có từ lâu đời của người Việt Nam. Lời ru thường là những câu ca dao, đồng dao giản dị mộc mạc nhưng cũng vô cùng phong phú và tinh tế truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tiếng hò gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân miền sông nước.
Tiếng hò gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân miền sông nước.

Ngày xưa, khi em bé khóc nhè đòi ngủ và được đặt lên võng đong đưa hoặc bế lên tay thì tự nhiên lời hát ru cất lên qua giọng êm đềm của mẹ, như vỗ về, ôm ấp đưa trẻ vào giấc ngủ say: “Ầu ơ... Ví dầu cầu ván đóng đinh/Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi/Khó đi mẹ dắt con đi/Con đi trường học, mẹ đi trường đời…”

Có lẽ các bé chưa thể hiểu hết nội dung những câu hát ru về con cò lặn lội bờ sông hoặc các công việc làm ăn, quan hệ con người, lẽ sống đạo lý ở đời và mọi hiện tượng thiên nhiên xã hội… nhưng âm hưởng du dương dịu dàng của hát ru là sợi dây giao cảm diệu kỳ của người mẹ đến với tâm hồn con trẻ. Chiếc võng đong đưa, chiếc nôi kẽo kẹt, với bàn tay âu yếm, lời ru ngọt ngào... trẻ lớn lên thêm yêu ngôn ngữ, tiếng nói dân tộc mình, yêu quê hương xứ sở. Những tình cảm và triết lý nhân sinh từ lời ru từng chút, từng chút một được bồi đắp, trao truyền nối tiếp quá khứ và hiện tại.

Hơn cả một câu hò, hơn cả một tiếng ru, những di sản văn hóa này đã làm dày thêm truyền thống của đất và người quê hương. Tiếng ầu ơ… tiếng hò ơi… chính là câu ca đậm tình xứ sở, là cội nguồn dân tộc, như dòng sữa mẹ ngọt ngào nuôi lớn đời ta. Trước lo ngại rằng hò và hát ru sẽ mai một giữa nhịp sống hiện đại, khi không gian diễn xướng dần ít đi, thế hệ trẻ phải có trách nhiệm để tiếng hò, lời ru sẽ còn ngân mãi trong bản hòa ca của dân tộc.

Cuối năm 2020, “Hát ru của người Việt Nam ở Cần Thơ” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cần Thơ còn có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Hò Cần Thơ, Ðờn ca tài tử, Văn hóa chợ nổi Cái Răng và Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY