Di tích Cửa Hữu thành Vĩnh Long- dấu ấn xưa cần gìn giữ

Cập nhật, 03:58, Thứ Bảy, 09/01/2021 (GMT+7)

 

Di tích Cửa Hữu thành Vĩnh Long trên địa bàn Phường 1 (TP Vĩnh Long).
Di tích Cửa Hữu thành Vĩnh Long trên địa bàn Phường 1 (TP Vĩnh Long).

(VLO) Di tích Cửa Hữu thành Vĩnh Long xưa (Phường 1- TP Vĩnh Long) đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây được xem là di tích quan trọng nhắc nhở về nơi lưu dấu lịch sử của vương triều nhà Nguyễn cũng như sự đấu tranh của nhân dân trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều bất cập trong việc bảo vệ, trùng tu và gìn giữ di tích này.

Dấu ấn Long Hồ dinh xưa

Tại TP Vĩnh Long, trên gò đất cao nhất, tại giao lộ 19 Tháng 8 và đường Hoàng Thái Hiếu (Phường 1), có một cây da cao lớn, với cành lá sum sê, rợp mát.

Người dân Vĩnh Long xưa cũng như nay, luôn giữ gìn cây da bằng tình cảm trân trọng, thiêng liêng, vì đây chính là dấu vết duy nhất còn sót lại của cửa hữu thành Vĩnh Long xưa (người dân vẫn quen gọi là Di tích Cây da Cửa Hữu thành Long Hồ).

Theo Đại nam nhất thống chí và Gia Định thành thông chí, thì vào tháng 2 năm Quý Dậu, đời Gia Long thứ 12 (1813), triều đình Huế lệnh cho quan Khâm mạng Trấn thủ Lưu Phước Tường của Vĩnh Thanh trấn xây dựng thành Vĩnh Thanh trung tâm của Long Hồ dinh từ thời các chúa Nguyễn.

Di tích Cây da Cửa Hữu thành Long Hồ từng bị thực dân Pháp 2 lần đánh phá, là nơi lưu dấu lịch sử của vương triều nhà Nguyễn.

Tại cửa thành này có một cây da rất to và một ngôi miếu gọi là miếu Bảy Bà. Mặc dù rơi vào tay thực dân Pháp, nhưng người dân vẫn kiên trì đấu tranh để giữ lại cây da cổ thụ.

Cuối cùng, khi thực dân Pháp giải phóng đất làm đường, đã phải nhượng bộ, “bẻ cong” con đường như một cánh cung vòng qua di tích để không phải đốn hạ cây da. Theo các tài liệu lịch sử thì Di tích Cây da Cửa Hữu thuộc thành Vĩnh Long xưa.

Theo các tài liệu, thành đắp bằng đất, kiểu Vauban (kiểu kiến trúc thành lũy Tây Âu ở thế kỷ XVII, XVIII), cửa chính hướng Đông Nam, lưng quay hướng Tây Bắc. Chu vi thành rộng 750 trượng, cao 1 trượng, dày 2,5 trượng. Quanh thành có hào rộng, sông sâu.

Trong thời kỳ quân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, thành Vĩnh Long thất thủ 2 lần vào năm Nhâm Tuất (1862) và năm Đinh Mão (1867).

Sau khi thành Vĩnh Long thất thủ lần thứ hai, quân Pháp đã phá tan tất cả đồn lũy và san bằng tòa thành, chỉ duy nhất còn lại một cây da và một ngôi miếu nhỏ ở cửa hữu. Vào thập niên 50, cây da này bị lụi tàn. Sau đó, từ thân cây mẹ, mọc lên cây da con và phát triển tươi tốt cho đến ngày nay.

Năm 2000, Di tích Cây da Cửa Hữu được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Sau khi phục hồi (ngôi cổ miếu) và tôn tạo (cửa Hữu, nhà bia tưởng niệm), lễ khánh thành đã được tổ chức vào chiều 28/4/2008.

Có thể nói, Di tích Cửa Hữu thành Vĩnh Long là một di tích hết sức đặc biệt đối với không chỉ Vĩnh Long mà còn cả một vùng đất Nam Kỳ lục tỉnh xưa (gồm: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên).

Cần gìn giữ di tích

Hiện nay, tuy đã được phục hồi, tôn tạo, nhưng đã có nhiều yếu tố khiến cho việc gìn giữ di tích đặc biệt này rất khó khăn. Theo anh Nguyễn Thanh Duy (Phường 1-TP Vĩnh Long), di tích này lúc trước có 1 quán cà phê “án ngữ” và nhận nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề gìn giữ di tích nên hiện tại, quán cà phê này cũng đã không còn.

Một số hạng mục đã xuống cấp.
Một số hạng mục đã xuống cấp.

Tuy nhiên, cũng từ đây, việc gìn giữ di tích vào ban đêm cũng rất khó khăn khi không còn bảo vệ đêm (bảo vệ của quán) như lúc trước. Trong khi đó, một lãnh đạo UBND Phường 1 chia sẻ, UBND phường cũng rất xem trọng việc gìn giữ, bảo vệ di tích. Tuy nhiên, do không có kinh phí cho việc này nên việc bảo vệ rất khó khăn.

“Do di tích là một không gian mở nên có tình trạng người dân kém ý thức không gìn giữ vệ sinh, thậm chí tiểu và đại tiện trong khuôn viên di tích. Thậm chí có một thời gian dài, các đối tượng nghiện hút, tiêm chích ma túy cũng xem đây là… bãi đáp.

Còn việc nhiều người vô gia cư đến di tích… tá túc qua đêm là chuyện bình thường. Tình trạng này diễn ra thường xuyên phần nào khiến cho di tích mau xuống cấp, nhếch nhác, chưa xứng tầm với một di tích đặc biệt như thế này”- lãnh đạo này chia sẻ.

Trong khi đó, hiện tại, UBND Phường 1 cũng chỉ có thể cùng các đoàn thể dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc cây xanh, gìn giữ một phần nào đó của di tích chứ không thể làm nhiều hơn.

“UBND phường cũng đã kiến nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có hướng tháo gỡ, nhằm giúp cho việc giữ gìn và bảo quản di tích được tốt hơn”- vị lãnh đạo Phường 1 này chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Xuân Hoanh cho biết, sở cũng đã thành lập đoàn đi kiểm tra các di tích trên địa bàn tỉnh cũng như tiếp thu các ý kiến để có hướng gìn giữ, bảo vệ các di tích được tốt hơn.

Riêng đối với Di tích Cửa Hữu thành Vĩnh Long, sở cũng đã được địa phương trình bày và sẽ tiếp tục khảo sát, bàn bạc để đưa ra giải pháp gìn giữ di tích. Theo ông, cái khó hiện nay là chưa có quy chế phân cấp quản lý di tích gây khó khăn về mặt kinh phí.

“Trong năm 2021, ngành cũng sẽ cố gắng để có hướng gìn giữ cũng như xây dựng thêm một số công trình phụ trợ để bảo quản di tích được tốt hơn. Trước mắt là phối hợp với Công ty Công trình công cộng Vĩnh Long tiến hành cắt tỉa cây xanh trong khuôn viên di tích”- ông Nguyễn Xuân Hoanh chia sẻ.

Bài, ảnh: CÔNG NGÔN