Ăn tết nơi xứ xa

Cập nhật, 03:56, Thứ Sáu, 15/01/2021 (GMT+7)

 

Nơi xứ xa, đại gia đình tề tựu chào đón năm mới với những lời chúc tốt đẹp nhất.
Nơi xứ xa, đại gia đình tề tựu chào đón năm mới với những lời chúc tốt đẹp nhất.

Tết là dịp để những người con xa quê trở về sum họp gia đình, cùng đón chào thời khắc giao thừa thiêng liêng. Tuy nhiên, tết năm nay vì tình hình dịch bệnh nên rất nhiều người không được về quê ăn tết, đành tổ chức ăn tết xa xứ với những nét truyền thống đặc trưng của Tết Việt Nam cùng nỗi lòng nhung nhớ hướng về quê nhà.

Đi Nhật Bản vừa học vừa làm, Đoàn Thanh Trúc (tỉnh An Giang) đã có năm thứ hai ăn tết xa nhà. Trúc chia sẻ: “Nhớ nhà lắm, rất muốn về ăn tết, sum họp bên gia đình nhưng dịch bệnh chưa hết, bên Nhật rất hạn chế chuyến bay. Muốn về thì phải lên Đại sứ quán đăng ký, có lý do chính đáng. Với lại, bên Nhật chỉ theo dương lịch nên vẫn đi học, đi làm bình thường. Vì vậy, đành nén tâm trạng nhớ quê, mong tết, hẹn lại năm sau”.

Theo Trúc thì trường em học đa số là du học sinh Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có khoảng 20 người Việt Nam. Trong thành phố cũng có rất nhiều trường khác có đông người Việt Nam, rồi còn những người đi tham gia lao động và thực tập sinh người Việt Nam.

Bữa cơm tất niên chan hòa không khí sum họp, đầm ấm, dù ở nơi đâu.
Bữa cơm tất niên chan hòa không khí sum họp, đầm ấm, dù ở nơi đâu.

“Bên đây có hội đồng hương nên cũng thường gặp được người Việt Nam, nói ngôn ngữ của mình cho đỡ nhớ quê. Gần đến tết là có rất nhiều hoạt động, có tổ chức nấu nướng, ăn uống, có sư thầy đến cho chữ ngày tết. Ở Nhật, có siêu thị món ăn Việt Nam nên cũng dễ mua bánh chưng, bánh tét, dưa kiệu,…

Nhưng nhớ nhất là món thịt kho hột vịt mẹ làm, tuy bên này cũng có nhưng hương vị không đậm đà như ở quê nhà. Với những bạn bận việc không tham gia sinh hoạt chung được thì tự tổ chức nấu nướng ở nhà. Xa quê hương, chỉ tạm bấy nhiêu thôi cũng có không khí vui tươi của ngày tết nôn nao lòng người Việt Nam xa xứ”- Thanh Trúc xúc động chia sẻ.

Nhiều người nói gần đến tết là nôn nao lắm, muốn về quê lắm nhưng không phải năm nào cũng có điều kiện về, rồi năm nay thêm dịch bệnh nên càng không được về. Tuy ở xứ người cũng có sinh hoạt tết, có món ăn giống quê hương, cũng bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, thịt kho, cũng câu đối, chợ hoa… nhưng chắc chắn không đâu ấm cúng và đầm ấm như quê nhà.

Chị Lê Khoa định cư tại Pháp đã hơn 5 năm cho biết, 2 năm rồi vì bận việc nên vợ chồng chị không về quê được. Dự định là tết năm nay về nhưng rồi dịch bệnh xảy ra nên lại đành lỗi hẹn với gia đình. Nhớ lắm quê nhà ngày tết cổ truyền, thèm ăn nhiều món ngon mẹ nấu, nhớ chợ hoa xuân vô cùng nhộn nhịp vui tươi, nôn nao khoảnh khắc bắn pháo hoa đón giao thừa.

“Bên đây tôi sống gần một vài gia đình người Việt Nam nên khi Tết cổ truyền đến, các gia đình chúng tôi nếu không về quê hương thì sẽ cùng nhau tổ chức ăn tết tại đây. Mỗi nhà đều trang hoàng nhà cửa, bày trí nào hoa, nào liễn, chưng mâm ngũ quả đón tết.

Mỗi nhà sẽ thay phiên đến chúc tết và ăn tiệc cùng nhau, chúc nhau năm mới mọi điều tốt lành, người lớn giữ phong tục lì xì chúc may mắn cho người nhỏ. Chị em chúng tôi đều còn giữ được những sở trường nấu mấy món ăn ngày tết quê nhà, siêu thị thì không thiếu nguyên liệu, vì thế bữa tiệc tất niên đón giao thừa cũng đầy những món ăn truyền thống. Tuy vậy, ai nấy đều nhớ không khí ăn tết ở quê mình, nó đầm ấm đến lạ!”- chị Lê Khoa chia sẻ.

Thế nên, mỗi khi tết đến, dù đang ở đâu, làm gì… bất kỳ người Việt Nam nào cũng cố gắng để có được bầu không khí Tết cổ truyền dù có được về quê hương đoàn tụ, quây quần bên gia đình hay vẫn đón mùa xuân nơi xứ xa.

Đối với chị Nguyễn Thị Diễm (xã Nhơn Bình- Trà Ôn), dù không đón tết tại Việt Nam nhưng ở TP Đài Nam (Đài Loan- Trung Quốc) nơi chị đang định cư, Tết cổ truyền vẫn đậm nét văn hóa Á Đông, chan hòa niềm vui đất trời vào xuân. “Do Việt Nam mình và Đài Loan không có sự khác biệt quá nhiều về văn hóa, nên những phong tục ngày tết cũng có nhiều nét tương đồng. Dù vậy, đón tết ở nơi xa, tôi vẫn mang nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương”- chị Diễm chia sẻ.

Khi những cơn gió xuân bắt đầu tràn về, hoa nở rộ trên những con đường, chị Diễm lại náo nức hòa cùng dòng người, mua sắm đồ mới, dọn dẹp nhà cửa. “Những ngày cuối năm khi hòa mình vào chợ mua sắm, tôi cảm nhận được nhịp sống, văn hóa tết của người dân bản địa nhưng cũng rất nhớ không khí nhộn nhịp của chợ tết quê hương thân yêu”- chị Diễm tâm sự.

Giữ những nét truyền thống Tết cổ truyền, chị Diễm luôn cố gắng chuẩn bị những món ăn truyền thống như bánh tét, thịt kho rệu, dưa cải muối chua, canh khổ qua… cho bữa cơm cúng rước ông bà và đi chùa cầu bình an vào sáng mùng 1, chúc nhau những câu chúc tốt lành. “Những món ăn quê nhà thì ở đây mình có thể dễ dàng chuẩn bị được. Còn những giá trị tinh thần muốn giữ cho nếp nhà thì bản thân người Việt Nam xa xứ như mình phải cố gắng học hỏi, lưu giữ nhiều hơn”.

Những tà áo dài duyên dáng dạo phố nước ngoài trong thời khắc chào đón năm mới.
Những tà áo dài duyên dáng dạo phố nước ngoài trong thời khắc chào đón năm mới.

Như một thói quen được hình thành từ năm đầu tiên xa nhà đến nay, khi pháo hoa bừng sáng rực rỡ trên bầu trời Việt Nam, cả nhà chị Diễm luôn online về chúc tết gia đình để cảm nhận hơi thở của mùa xuân quê hương qua âm thanh của cuộc gọi trong giây phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ qua năm mới. Mọi người chúc nhau những lời chúc tốt lành nhất, ông bà con cháu trao nhau ánh mắt, nụ cười tươi vui qua màn hình điện thoại và không quên hẹn dịp sum vầy tại quê nhà.

Tết cổ truyền của người Việt Nam luôn đến trong lòng những người con xa xứ là khi “xa mà thật gần” trong cách nghĩ, cách cảm nhận và những việc làm thực tế để lưu giữ và truyền tải nét văn hóa đặc sắc, đầy thân thương của những trái tim luôn hướng về quê hương.

Bài, ảnh: PHẠM YẾN LY