Anh Tám Thiện* có thời gian hơn 9 năm chiến đấu gian khổ trong đội hình Trung đoàn 3 Quân khu 9. Sau giải phóng miền Nam, do thương tật sức khỏe yếu kém, anh được phục viên và tiếp tục công tác tại địa phương (xã Hòa Hiệp- Tam Bình).
Anh Tám Thiện* có thời gian hơn 9 năm chiến đấu gian khổ trong đội hình Trung đoàn 3 Quân khu 9. Sau giải phóng miền Nam, do thương tật sức khỏe yếu kém, anh được phục viên và tiếp tục công tác tại địa phương (xã Hòa Hiệp- Tam Bình).
Một hôm, có anh cán bộ trên huyện Tam Bình xuống tìm, hỏi:
Ảnh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long) |
- Anh có phải là Tám Thiện ở Tiểu đoàn 306, năm 1972 bị máy bay “cán gáo” đánh sập công sự suýt chết ở Hóc Bà Tùng không?
Tám Thiện nhìn anh cán bộ huyện một lúc, thấy khuôn mặt hơi quen, nhưng không nhớ ra anh là ai, sao lại biết mình rồi trả lời:
- Đúng là tôi. Nhưng anh là ai mà biết việc tôi bị máy bay giặc đánh sập hầm vậy?
- Anh không nhận ra tôi là
ai hả?
- Xin lỗi, tôi thấy khuôn mặt anh hơi quen, hình như tôi có gặp một lần ở đâu đó, nhưng chưa nhớ ra. Mong anh thông cảm và cho tôi biết anh là ai?
Anh cán bộ huyện cười khà khà, nói:
- Tôi là Mười Đực**. Năm 1972, tôi là Xã đội trưởng xã Mỹ Thạnh Trung. Hôm anh và Ba Xiêm, Sáu Đức bị máy bay “cán gáo” đánh sập công sự ở Hóc Bà Tùng, tôi chỉ huy anh em du kích xã kịp thời tìm được cái công sự bị sập đó cứu sống anh. Nếu chậm chừng 15- 20 phút nữa thì anh lọt vào tay bọn lính Bảo an Tam Bình rồi!
Tám Thiện chăm chú lắng nghe xong, vội đứng dậy chạy đến ôm anh Mười Đực, nói:
- Ôi, anh là người ơn cứu mạng mà tôi không nhận ra. Nhưng hôm đó, sau khi tôi được móc và kéo lên từ công sự bị sập, tôi chưa kịp nhìn kỹ mặt anh thì anh đã kêu anh em du kích kè tôi tới nơi an toàn hơn, còn anh lo bươi đất móc tiếp tìm anh Ba Xiêm, Sáu Đức lên và bố trí chống càn.
Sau đó, tôi được chuyển về Quân y huyện, chỉ thoáng thấy mặt anh lần đó rồi mình không gặp nhau nữa. Mới đó mà đã 5 năm rồi!
- Đêm đó anh được chuyển về Quân y huyện. Từ đó về sau, tôi không có tin tức về anh, không biết anh chết sống ra sao nữa. Nhưng, chúng tôi thường nhắc đến anh và Ba Xiêm, Sáu Đức vì các anh đã dũng cảm cứu mạng được nhiều anh em cán bộ dân chánh xã tôi.
Mới cách nay mấy hôm, tôi nghe anh Sáu Mẫn- Chủ tịch UBND huyện- nói anh đã về công tác tại xã này, nên nhân chuyến công tác tôi tìm thăm anh luôn.
- Anh Mười ơi, tôi muốn đi thăm gia đình của anh Ba Xiêm, anh Sáu Đức để thắp nén nhang cho 2 anh. Anh giúp tôi nhé!
- Quá tốt! Vậy sáng ngày thứ bảy tuần này anh vô ngay Ban Tuyên giáo Huyện ủy, tôi sẽ chở anh đi.
- Tôi mới về nên chưa biết nhiều anh em trên huyện. Xin hỏi, anh hiện giờ đang giữ chức vụ gì?
- Tôi đang là Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo. Thôi, hôm nào rảnh rỗi mình sẽ nói chuyện nhiều hơn, tôi phải đi làm việc với đồng chí Bí thư xã đây. Tạm biệt anh.
-o0o-
Đến thăm gia đình 2 anh Ba Xiêm, Sáu Đức ở ấp Mỹ Phú 3 (xã Mỹ Thạnh Trung), thấy hoàn cảnh gia đình của 2 anh, Tám Thiện rất xúc động.
Cả 2 căn nhà đều xiêu vẹo, trống trước trống sau, bàn thờ các anh chỉ bằng gỗ tạp. Chị Ba Xiêm, chị Sáu Đức thì làn da cháy nắng vì các chị phải bươn chải, đảm đang việc nhà, việc đồng áng, vừa chăm sóc con cái, vừa lo cái ăn cho gia đình.
Mấy đứa con của 2 chị đã đi học cấp 1, đi học về cũng phải giúp mẹ nên các cháu bị nắng ăn đen đúa, tóc đỏ hoe!
Biết tin Tám Thiện đến thăm gia đình Ba Xiêm, Sáu Đức, thân nhân của 2 gia đình và bà con lối xóm nhiều người đến nhà Sáu Đức để nghe Tám Thiện kể lại trận đánh mà 2 anh đã hy sinh.
Anh Mười Đực giới thiệu:
- Đây là anh Tám Thiện ở Tiểu đoàn 306, người đã ở chung công sự chiến đấu, sẽ kể lại cụ thể tình tiết trận đánh và tình huống hy sinh của 2 anh Ba Xiêm, Sáu Đức cho gia đình và bà con biết.
Mọi ánh mắt đều nhìn vào Tám Thiện. Anh cúi chào mọi người rồi nói:
- “Thưa bà con, tôi là Tám Thiện, năm 1972 là Trung đội trưởng Trinh sát đo đạc pháo binh ở Đại đội 55 pháo trợ chiến của Tiểu đoàn 306 Trung đoàn 3 Quân khu 9.
Được lệnh của Chỉ huy Tiểu đoàn, tôi và anh Út Thao- Đại đội phó- đến Hóc Bà Tùng thuộc xã Mỹ Lộc liên hệ với các anh Xã đội Mỹ Thạnh Trung đang sống “lưu vong” ở đó, nhờ dẫn đường ra khu vực ngã ba Cây Bàng tìm nơi đặt trận địa pháo cối 82 ly để pháo kích vào Chi khu Tam Bình.
Trong đêm đi thực địa xong, gần sáng mới về đến chỗ Xã đội Mỹ Thạnh Trung ở, chúng tôi ở lại đó với các anh. Nơi các anh ở, cây lớn đã bị địch phát hoang, chỉ còn lùm bụi, cây mới mọc lại thấp chủng rất bất lợi cho việc đóng quân và trú ẩn.
Đến khoảng 2 giờ chiều, nghe tiếng ầm ì của máy bay trực thăng từ hướng tỉnh lỵ Vĩnh Long bay xuống, tôi và các anh du kích xã vội xách súng chạy ra công sự.
Tôi và 2 anh du kích đã đến được chỗ công sự hình chữ Z, được ngụy trang kín đáo bằng cách trồng cây cỏ. Bầy trực thăng kéo tới. Chúng gồm 1 chiếc trực thăng chỉ huy HU.1A, 2 chiếc máy bay “cán gáo” và 2 chiếc máy bay “cá lẹp”***. Chúng hạ độ cao, quần đảo chỗ khu vực Xã đội Mỹ Thạnh Trung đóng quân.
Lúc đó, còn mười mấy anh cán bộ xã chưa chạy ra được tới các công sự trú ẩn, mắc kẹt trên đoạn đường cây cối thưa thớt, phải núp vào các bụi cây trâm bầu thấp chủng, cao chưa quá đầu người. Hai chiếc “cán gáo” tiếp tục hạ độ cao, bay vòng hẹp để tìm mục tiêu.
Tình thế nguy cấp quá, sớm muộn gì bọn “cán gáo” cũng phát hiện, bắn các anh chết ráo. Ba anh em chúng tôi bàn với nhau: Phải bắn mấy chiếc “cán gáo” này buộc nó bay cao lên, cho đồng chí mình kịp chạy ra công sự.
Chúng tôi biết khi chúng tôi nổ súng, lộ mục tiêu, bọn “cán gáo”, “cá lẹp” sẽ tập trung bắn chúng tôi. Đây là việc làm rất táo bạo, rất nguy hiểm, nhưng chúng tôi không thể nào cầu an, nhắm mắt làm ngơ, nhìn bọn giặc tự do bắn giết đồng chí mình.
Không, dù phải hy sinh tính mạng, chúng tôi cũng phải nổ súng bắn máy bay giặc để cứu đồng chí mình thôi! Chúng tôi bàn bạc thống nhất với nhau xong thì 2 chiếc máy bay “cán gáo” bay tới. 3 khẩu AR.15 của chúng tôi nhắm vào chiếc bay gần nhất đồng loạt nổ súng, nó hốt hoảng vội bay tưng lên cao. Các anh cán bộ xã bị kẹt lại chớp thời cơ chạy được hết đến nơi trú ẩn.
Công sự của chúng tôi đã bị địch phát hiện, chiếc trực thăng chỉ huy ném trái khói màu rơi sát công sự. Lập tức, 2 chiếc “cá lẹp” luân phiên nhau phóng hàng chục trái Rocket xuống chỗ công sự của chúng tôi.
Tiếng nổ đinh tai nhức óc, mùi khói bụi ập vào công sự khét lẹt, cây cỏ xung quanh bay mất hết, lộ ra cái công sự trống trơn! May mắn là không có trái rocket nào trúng ngay công sự nên chúng tôi vẫn an toàn. Tôi hỏi tên các anh thì được biết anh ngồi giữa công sự là Ba Xiêm, anh ngồi phía ngoài miệng công sự là Sáu Đức.
Phóng hết rocket, bọn “cá lẹp” bổ nhào xuống bắn hàng loạt đạn đại liên, đạn cắm phầm phập chung quanh, có nhiều viên trúng nóc công sự. Chúng tôi vẫn an toàn.
Công bằng mà nói trực thăng “cá lẹp” là loại trực thăng chiến đấu chủ lực của Mỹ, uy lực quá dữ, nhưng… chẳng làm rụng được cọng lông nào của chúng tôi! Bắn phá một lúc, bọn “cá lẹp” bay hết lên cao, tới phần của bọn “cán gáo”.
Chúng bay vòng hẹp, bắn đại liên cực nhanh (6 nòng) vào công sự của chúng tôi. Tôi nói với anh Sáu Đức, nó bay qua hướng của ai thì người đó bắn, không cho nó bay đến gần mình. Chúng tôi bắn.
Mấy chiếc “cán gáo” không dám bay gần chúng tôi, chỉ bay xa bắn vào công sự nên chúng tôi vẫn còn an toàn. Một lúc sau, bọn “cán gáo” và “cá lẹp” bay về sân bay Vĩnh Long, chỉ còn lại chiếc trực thăng HU.1A quần đảo bắn đạn đại liên xuống chỗ công sự của chúng tôi, đạn găm nghe phầm phập.
Tôi lúc đó muốn liều mạng chạy đi chỗ khác, nhưng lạ địa hình không biết chỗ nào có công sự, có chông, lôi, lựu đạn gài nên đành bấm bụng nằm lại! Lúc đó, tôi nghe có tiếng súng bộ binh trên hướng lộ Cái Ngang.
2 chiếc “cán gáo” và 2 chiếc “cá lẹp” từ sân bay Vĩnh Long đã bay xuống tới thay cho tốp máy bay cũ. Chúng quần đảo, chiếc trực thăng chỉ huy quăng trái khói màu gần công sự chúng tôi. 2 chiếc “cá lẹp” phóng mấy chục trái rocket, nhưng không trái nào trúng ngay công sự nên chúng tôi vẫn an toàn.
Đến lượt bọn “cán gáo”, chúng bay vòng quanh bắn đạn đại liên cực nhanh vào công sự của chúng tôi. Một viên đạn xuyên qua ngực anh Sáu Đức trổ ra sau lưng, xì máu bọt ra ngoài, chắc là anh bị bắn xuyên phổi”.
Nhiều tiếng khóc, tiếng nấc vang lên, Tám Thiện ngưng kể. Nhìn thấy vợ con, người thân anh Sáu Đức khóc, nhiều người rơm rớm nước mắt. Hình ảnh anh Sáu Đức nghẹt thở oằn oại đau đớn, tiếng thở nghe khèn khẹt, máu bọt xì ra, cảnh tượng đó hiện ra rõ mồn một trong tâm trí Tám Thiện.
Anh cũng không cầm được nước mắt nhưng không dám kể lại cảnh tượng lúc đó vì sợ thân nhân anh Sáu Đức đau lòng.
(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)
TRUNG NGÔN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin