Tạp bút

Như cơn mưa rào

Cập nhật, 04:58, Chủ Nhật, 11/10/2020 (GMT+7)

Đang trên đường, cơn mưa bất chợt, ghé vào một quán nước ngồi uống ly nước để chờ cơn mưa dứt hạt. Ly nước trên bàn cạnh bên nước đá đã tan hết nhưng hình như chưa được uống ngụm nào. À, chắc vào đây không để uống nước mà để họ mua chỗ ngồi.

Ly nước chỉ vài đồng, nhưng khách có thể nằm võng hay ngồi vài tiếng đồng hồ, chát chít với wifi miễn phí, có thể sạc điện nếu điện thoại hết pin. Vẻ mặt chán ngán của cô chủ với vị khách bỏ ra vài đồng nhưng chiếm cái võng từ sáng đến giờ.

Ở những quán mát mẻ, cảnh đẹp không phải mắc vì ly nước ngon mà mắc ở chỗ ngồi lý tưởng, mang cảm giác thoải mái. Sự tử tế thể hiện ở người uống nước. Một ly nước chúng ta có thể ngồi bao nhiêu cho vừa giá với ly nước và chỗ ta đang ngồi.

Cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi bởi tiếng một em trai đang mời tôi mua vé số. Thật tình thì tôi đang phân vân xem có nên hay không nên mua. Không phải tôi tiếc tiền để giúp em một tờ vé số, có lẽ cũng giúp tôi nếu tôi may mắn trúng một giải nào đó.

Tôi đang phân vân việc một số phụ huynh đã biến con thành “công cụ” kiếm tiền cho gia đình. Mua giúp em vô tình làm việc tốt không đúng.

Tôi nhớ hôm lên Sapa, tối chúng tôi thả bước chân lang thang ra nhà thờ Đá, ngắm cảnh nhà thờ vào đêm và cảnh buôn bán tấp nập nơi này. Bắt gặp không ít những đứa trẻ thơ chào mời khách mua những chiếc túi thổ cẩm, chiếc vòng bạc… trong đêm tối, tiết trời lạnh giá.

Những đứa lớn hơn tí địu em trên lưng đi theo bước chân khách mời kéo, nài nỉ mua hàng. Đứa bé chỉ vài tuổi với nét mặt dễ thương, trong bộ đồ dân tộc ngồi mời khách, tiếng non thơ nghe xót xót ở một nơi trong dạ. Hình ảnh của các em nhỏ cứa vào lòng người.

Nghĩ, có những hoàn cảnh gia đình, người mẹ chỉ gói ghém vừa vặn, có gia đình thiếu trước hụt sau trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nên không thể cho con niềm vui trọn vẹn với tuổi thơ của con.

Nhưng trong số đó không ít người đã lấy con mình làm công cụ để kiếm tiền cho gia đình. Bởi những du khách khi bước chân đến đây họ thấy cảnh những đứa trẻ thơ sẽ thương cảm, xót xa trước những khuôn mặt ngây thơ, những tiếng chào mời còn non nớt.

Các bé đã được dạy những câu chào mời, chèo kéo, xin tiền khách. Người lớn đã đánh mất tuổi thơ hồn nhiên của con họ rồi. Họ góp phần không nhỏ làm xấu xí hình ảnh đất nước với du khách nước ngoài.

Tuổi thơ có khác chi lúc tắm với những cơn mưa rào, dù mưa với nhiều hạt mưa và những hạt rất to nhưng lại mau tạnh lắm. Vì thế hãy để trẻ trọn vẹn với tuổi thơ của mình trong niềm vui hồn nhiên nhất.

MAI KHA