Lồng đèn vỏ bưởi Năm Roi tô điểm thêm đêm hội trăng rằm

Cập nhật, 15:09, Thứ Ba, 22/09/2020 (GMT+7)
Lồng đèn được làm từ vỏ bưởi Năm Roi.
Lồng đèn được làm từ vỏ bưởi Năm Roi.

Chỉ còn hơn một tuần nữa là Trung thu lại về. Ngoài việc chuẩn bị các mâm cỗ, tham gia các trò chơi dân gian, xem múa lân, thưởng thức bánh trung thu, đua nhau phá cỗ, thì một chiếc lồng đèn trung thu trên tay là vật không thể thiếu đối với các em nhỏ.

Dạo một vòng quanh chợ thị trấn Trà Ôn hiện nay, hình ảnh những chiếc lồng đèn trung thu đã được bày bán rất phong phú, đa dạng, đủ sắc màu rực rỡ. Tuy nhiên khi thấy chiếc lồng đèn ngôi sao năm cánh, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ về chiếc lồng đèn được cha làm năm xưa.

Nếu như ngày xưa được cha miệt mài làm cho chiếc lồng đèn thủ công tỉ mỉ bằng tre, giấy kiếng đỏ, thì ngày nay thế hệ trẻ không cần mất thời gian vì đã có những chiếc lồng đèn điện tử đủ kiểu dáng được bày bán tại các cửa hàng. Riêng đối với tôi, chiếc lồng đèn được làm bằng vỏ bưởi Năm Roi, là một ý tưởng độc đáo, tuy không mới mẻ nhưng muốn làm được cũng khá công phu.

Bưởi Năm Roi là một trong những đặc sản nổi tiếng của Vĩnh Long, có xuất xứ từ xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh). Vùng đất nơi đây được bồi đắp phù sa là điều kiện thuận lợi để tạo ra giống bưởi Năm Roi ngon nổi tiếng như ngày nay. Riêng tại Trà Ôn, giống bưởi này cũng thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên chất lượng cũng không thua kém bưởi được trồng chuyên canh ở xã Mỹ Hòa. Bưởi có rất nhiều công dụng từ việc làm món ăn tráng miệng, gỏi bưởi cho đến rượu bưởi, chè bưởi rồi mứt vỏ bưởi,…

Chúng ta thường biết bưởi cũng là loại quả đặc trưng của mùa thu, không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu của mỗi miền. Việc tận dụng vỏ bưởi sau khi ăn xong để làm một chiếc lồng đèn sẽ giúp bạn có một ngày Trung thu ý nghĩa và mang nét rất riêng.

Sau khi nghiên cứu qua các cách làm được mọi người chia sẻ, tôi đã tự đúc kết và tự làm cho con trai một chiếc lồng đèn ngộ nghĩnh và tin chắc rằng các ông bố, bà mẹ có những đứa con thân yêu đang chờ cùng bạn bè trang lứa đi chơi vào tối đêm hội trăng rằm, hãy nhín chút một ít thời gian ra thì sẽ có được một chiếc lồng đèn như ý.

Khi chọn bưởi, nên chọn quả bưởi to, tròn, đều để khi thành phẩm sẽ có một chiếc lồng đèn thật ưng ý. Nếu muốn lồng đèn của mình có nắp đậy thì bạn cắt một lát nằm ở phần đầu quả bưởi và cắt vừa tới phần thịt bưởi là được.

Tiếp theo dùng dao rạch thẳng theo thân quả bưởi từ trên xuống gần đáy tạo thành những cánh hoa, không nên cắt sát đáy bưởi sẽ khiến lồng đèn dễ bị đứt. Hoặc muốn lồng đèn không có những cánh hoa xòe ra ngoài thì bạn chỉ cần dùng dao lấy hết phần ruột ra khỏi quả bưởi là được.

Khi vỏ bưởi đã tách ra khỏi phần thịt bạn có thể cắt tỉa thành những hình cánh hoa đều nhau hoặc tạo thành những hình dáng ngộ nghĩnh mà bạn thích, như hình tròn, ngôi sao, ca rô, con cá, bông hoa,...

Những hình trang trí này vừa giúp cho lồng đèn của bạn trông bắt mắt hơn vừa tạo khoảng trống cho nến cháy và ánh sáng chiếu ra ngoài. Để tạo tay cầm cho lồng đèn, bạn có thể khoét 3- 4 lỗ nhỏ ở trên thành quả bưởi, rồi luồn dây luộc nhỏ, cố định với thanh tre để làm tay cầm.

Cuối cùng là khoét một lỗ nhỏ vừa cây nến ở giữa đáy quả bưởi để khi cắm nến vào không bị ngã, hoặc nếu sử dụng đèn cầy có đế sẵn thì bạn hãy bỏ qua công đoạn này. Điều thú vị hơn nữa là ánh sáng từ ngọn nến sẽ làm nóng vỏ quả bưởi, khiến tinh dầu bưởi thoát ra ngoài tạo nên mùi hương rất dễ chịu.

Cho dù có trải qua bao thời gian, bao thế hệ, dù chiếc lồng đèn có cải tiến đến đâu, thì nó vẫn là vật kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ của bất kỳ đứa trẻ nào. Tuy nhiên việc sử dụng đèn trung thu bằng giấy rất nguy hiểm vì nến có thể đổ nghiêng, bắt lửa vào lồng đèn, khi trẻ em chơi không có người lớn theo dõi sẽ dễ gây hỏa hoạn.

Còn những chiếc lồng đèn bằng nhựa không đảm bảo chất lượng sẽ gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ em. Riêng đối với chiếc lồng đèn được làm từ vỏ bưởi là thích hợp và ý nghĩa nhất, khi cho các bé vui Trung thu vừa an toàn, tiết kiệm, thân thiện với môi trường, vừa gần gũi với thiên nhiên, giúp các bạn quay về với tuổi thơ một cách trọn vẹn.

BÀI, ẢNH: TRƯỜNG GIANG