Họa sĩ Lê Triều Điển: Hạt phù sa nghiêng mình về bến cũ

Cập nhật, 06:04, Thứ Ba, 21/07/2020 (GMT+7)

 

Họa sĩ Lê Triều Điển và nhà thơ Hồng Lĩnh trong chuyến về thăm một phòng tranh ở TP Vĩnh Long.
Họa sĩ Lê Triều Điển và nhà thơ Hồng Lĩnh trong chuyến về thăm một phòng tranh ở TP Vĩnh Long.

“Cuộc đời là dòng sông, có lúc phẳng lặng êm đềm trôi, có khi mạnh mẽ ầm ào vượt qua bao ghềnh thác. Trong dòng sông ký ức, dòng sông chảy trong tâm hồn tôi đó là những con nước lớn ròng, lên xuống theo chu kỳ vận hành của trời đất, là một dòng sông bao la chậm rãi hiền hòa chia thành 2 ngã sông Hậu và sông Tiền”- họa sĩ Lê Triều Điển chiêm nghiệm về cuộc đời với đầy ắp ký ức về con sông quê và luôn ví mình như hạt phù sa, dù có trôi dạt phương nào vẫn đau đáu nỗi lòng nghiêng mình về bến cũ.

Ký ức gọi về

Cho nên sẽ không ngạc nhiên nếu bất chợt gặp Lê Triều Điển ở đâu đó ngồi “vọc đất” và vẽ lên những chậu gốm những nét nguệch ngoạc ngây ngô, như có một đứa trẻ ngày xưa đang song hành cùng ông đi vào thế giới mỹ thuật.

Lão họa sĩ đang trôi lạc về miền ký ức hay ông đang đi tìm chân lý của vẻ đẹp, để đạt ngộ đến một cảnh giới của sự giản đơn, sự tĩnh lặng, thiền ngộ của cuộc đời?

Đó là một thế giới không câu nệ những nguyên tắc, như muốn phá bỏ mọi sự đóng khung của bố cục và sắc màu, “rũ bỏ” sự rối rắm, cầu kỳ của đường nét trừu tượng đầy thách đố, nó tương đồng với một nhân sinh quan nhẹ nhàng rong chơi ở cái “cõi tạm” này.

Hạnh phúc của sự thấu lý về lẽ tử sinh, nên nụ cười luôn nhẹ nhàng, thong thả và hạnh phúc khi trong cuộc rong chơi này, bên cạnh ông luôn như hình với bóng là người bạn đời tri kỷ, tri âm- nhà thơ Hồng Lĩnh, đang cùng ông phiêu vào thế giới chuyển động của hình khối, sắc màu làm cho những cục đất sét vô tri có được một đời sống, linh hồn riêng của nó và chúng cũng bắt đầu “trò chuyện” với người xem. 

Hai người cùng ngồi “vọc đất” trong một lò gốm ven dòng sông Cổ Chiên, cho chúng tôi cảm nhận một không gian, khoảng trời của buổi sáng bình an, viên mãn của đôi hạt phù sa nghiêng mình về đậu bến sông quê.

Trong không gian sáng tác của “đôi bạn già”, chợt ngộ ra lẽ đời lạ lắm khi lòng mình thảng thốt nhận ra, mùi hương thuần khiết của phù sa đang run rẩy chảy vào tận đáy lòng.

Họa sĩ Lê Triều Điển kể, ông sinh ra ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) nhưng hơn 70 năm trước, Chợ Lách, Cái Mơn thuộc tỉnh Vĩnh Long. Ký ức tuổi thơ của ông là những ngày cùng ba mẹ ngược xuôi dòng nước mưu sinh.

Cửa biển, vàm sông, cù lao, rạch xẻo hiện lên với thấp thoáng bóng áo tơi nón lá, mảng lục bình lững lờ trôi. Những nét vẽ đầu tiên là cầm viên gạch vụn vẽ ngôi nhà ngói, vẽ dáng ba cuốc đất, con cá nược trọc đầu bơi theo ghe xuồng…

Từng bôn ba ở Sài Gòn, Đà Nẵng, năm 1970, họa sĩ Lê Triều Điển dựng quán cà phê “Đỡ Buồn” ở Vĩnh Long tụ họp những bạn bè văn nghệ và học sinh, sinh viên.

Tại quán cà phê, họa sĩ đốn tre, vác gỗ về dựng thư viện với 1.000 quyển sách đủ loại mà ông chắt chiu mua ở tận Sài Gòn.

Khi lập gia đình, cùng vợ- nhà thơ Hồng Lĩnh- về Cần Thơ sinh sống, họa sĩ Lê Triều Điển vẫn về Vĩnh Long hàng tuần “thăm ba má và các em sinh sống ở cầu Cá Trê. Tôi có thói quen muốn đi đâu thì đi không báo trước, bất ngờ, thình lình, có khi ở lại Vĩnh Long cả tháng trời…”

Cũng tại Vĩnh Long, nhà thơ Hồng Lĩnh tổ chức CLB sáng tác cho thiếu nhi, dạy vẽ, làm thơ. Tranh của các em thiếu nhi tham dự các giải thưởng thế giới đạt kết quả tốt, từ đó vợ chồng được hỗ trợ đưa các em tham quan Huế, Hà Nội, các tỉnh thành dù đất nước vẫn còn ở thời kỳ bao cấp. Mỗi chuyến đi là một lần được nhìn ngắm và thêm yêu đất nước này.

Họa sĩ Lê Triều Điển được biết đến như người luôn mang theo quê hương sông nước Cửu Long trong mình giới thiệu đến mọi người.

Sở hữu ngôn ngữ hội họa riêng biệt, ngoài sự chồng lên nhau của phù sa sông rạch, vườn cây trái, đồng ruộng, tranh ông còn có những ký hiệu như văn tự cổ, xuất phát từ trải nghiệm sống và dòng chảy của những va đập, giao lưu, cộng hưởng văn hóa từ nhiều cộng đồng khác nhau: Việt, Khmer, Hoa, Ấn...

Những vệt màu mang nhựa sống: màu xanh lam lục của những vườn cây trái, màu nâu đỏ mỡ màng của phù sa, thấp thoáng là những con thuyền, những mái nhà, những gương mặt người, những giấc mơ... như họa sĩ Lê Triều Điển chia sẻ: “Hội họa thâm nhập vào tâm hồn tôi từ rất lâu, như có sẵn trong máu thịt, cứ vẽ cứ quẹt không nản, dù chẳng biết vẽ để làm gì, hình như là cách để tôi giải bày với cuộc đời.

Tôi ra đi rồi lại trở về trên mảnh đất mình đang sống. Tôi bắt đầu rồi kết thúc và lại bắt đầu trong từng nhát cọ, vệt màu như dòng sông uốn lượn theo dòng chảy…”

Bồi đắp cho quê hương

Từ làng gạch gốm ở Mang Thít, họa sĩ Lê Triều Điển đã mang những tác phẩm nặng tình quê giới thiệu khắp trong và ngoài nước.
Từ làng gạch gốm ở Mang Thít, họa sĩ Lê Triều Điển đã mang những tác phẩm nặng tình quê giới thiệu khắp trong và ngoài nước.

Họa sĩ Lê Triều Điển quan niệm: “Người thầy lớn nhất của chúng ta chính là bản thân mỗi người. Nhưng chúng ta của ngày hôm nay, không chỉ là nỗ lực của bản thân mà còn có ảnh hưởng, được sự giúp đỡ của tất cả những ai, những gì xuất hiện trong cuộc đời”.

Một nhân sinh quan “cộng sinh” dễ tạo nên sự động lòng và nhân ái, sự nương nhờ, nương tựa vào nhau, cũng tương tác nhau và cùng nắm tay nhau đi qua cuộc đời này.

Tôi chợt nhớ đến tư tưởng của nhà văn Nga Đum- Batzê với “Quy luật của muôn đời”, khi một hạt đất lở cũng là sự mất mát của cả dòng sông và sự tác động đến cả địa cầu.

Vậy nên Trịnh Công Sơn mới nói: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Mỗi con người là một thế giới riêng mà cũng là một phần của cả thế giới chung này.

Vậy nên, như một lẽ đời tự nhiên, Lê Triều Điển là người đồng sáng lập và làm chủ nhiệm CLB Mekong Art, nơi quy tụ rất nhiều họa sĩ ở Nam Bộ, đặc biệt là các cây cọ tự học.

Điểm riêng biệt đầu tiên của Mekong Art là đa số anh chị em không có sẵn tay nghề sáng tác mỹ thuật, chỉ có niềm yêu thích hội họa, có người một năm vẽ vài tấm, tham gia cho vui, vì họ là kỹ sư, kiến trúc, bác sĩ, nhiếp ảnh...

Nhưng sau khi tham gia một thời gian, thấy không khí nhộn nhịp, đã kích hoạt họ học hỏi thêm và sáng tác nhiều hơn.

Có những họa sĩ nhờ nơi đây mà học nghề, sáng tác và thành danh. Còn một số người mới tốt nghiệp các trường mỹ thuật, nhưng chưa định hình, thì tham gia để được giới thiệu tác phẩm trong giai đoạn ban đầu, sau khi thành danh thì đi vào sinh hoạt trong hội, coi Mekong Art như là bàn đạp để tiến lên.

Từ thành phần là những nghệ sĩ ở miền Tây, Mekong Art trở thành ngôi nhà chung chia sẻ đam mê của các họa sĩ trên khắp cả nước.

Xuất hiện cùng nhau như hình với bóng, họa sĩ Lê Triều Điển và nhà thơ Hồng Lĩnh còn nặng lòng với gốm quê hương.

Từ trước năm 1975, ở Tổ hội họa của tỉnh, họa sĩ Lê Triều Điển đã mon men lò gốm, sản xuất gốm bán. Qua nhiều thăng trầm, mãi đến năm 1994, Ba Nghĩa thành lập lò gốm Cửu Long thì vợ chồng họa sĩ mới có cơ hội làm gốm nhiều hơn. “Lần đầu tiên chúng tôi chở cả xe tải lên Sài Gòn triển lãm.

Triển lãm “Tiếng nói của đất” năm 1994, cả thành phố sững sờ, hổng ai nghĩ đất nung chỉ làm gạch, làm chậu… mà có thể làm ra tác phẩm nghệ thuật”- nhà thơ Hồng Lĩnh chia sẻ.

Từ đó, dòng sông, đất và gốm luôn là tiếng nói thì thầm, là tình yêu nặng nợ, nặng lòng song hành cùng tình yêu khôn cùng của sắc màu hội họa.

“Đứng trước khung vải trắng, tôi hít thở thật sâu, kéo một vệt màu khởi đầu, kêu gọi những vệt màu tiếp theo và cảm xúc như bùng vỡ… Nghệ thuật luôn là sự khởi đầu và đâu là đoạn kết?”

Mỗi một tác phẩm hoàn thành sẽ có cuộc đời riêng của nó, nó tiếp tục “trò chuyện” cùng nhân thế, với từng người tùy nhân duyên mà câu chuyện nó sẽ đi về đâu.

Lê Triều Điển tự nhận mình đang trong cuộc hành trình trở về nguyên quán và chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trong sa mạc cuộc đời. Chúng tôi lại thấy ông như hạt phù sa luôn đau đáu nỗi lòng nghiêng mình về bến đỗ sông quê.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THƯ