Chuyện làng văn nghệ

Đừng mở nút nhiều lần làm nhạt mất hơi men

Cập nhật, 06:29, Chủ Nhật, 21/06/2020 (GMT+7)

Sinh thời, nhà văn Triệu Bôn từng tâm sự rằng trong sáng tác, ông coi việc được người khác đọc, góp ý sửa chữa là quan trọng gần ngang với những ý định chủ quan của mình. Ông buồn thay cho những người hễ cầm đến tập bản thảo của bạn là lập tức khen hết lời, thậm chí chưa đọc cũng khen.

Có người bạn truyền cho Triệu Bôn một kinh nghiệm: Trước khi viết một truyện, hãy đem cốt truyện đi kể cho người khác nghe, kể cho càng nhiều người càng tốt, bởi vì lần kể sau sẽ được bổ sung đầy đủ chi tiết hơn lần kể trước.

Như thế là vừa thăm dò được ý kiến của bạn đọc vừa chuẩn bị cho thật nhừ nhuyễn, để khi đặt bút thì xem như tác phẩm đã thành hình. Thoạt nghe, Triệu Bôn khen hay, bèn đem vận dụng thử. Hóa ra hỏng việc. Có truyện ông kể đi kể lại cho hàng chục người nghe.

Vậy mà khi viết lại đâm ra ngắc ngứ, cứ như mình đang “thó” cốt truyện của ai và kết quả là nhạt phèo. Khi xếp cái kinh nghiệm này lại, ông nghĩ rằng người viết giống như hũ rượu, nút kín thì giữ được hơi men, mở nút nhiều thì ắt lúc uống sẽ nhạt như nước lã.

Triệu Bôn gặp lại người bạn đã truyền cho kinh nghiệm quý và nói một câu gì đó, đại ý rằng: “Xin bạn đừng nghĩ tôi là kẻ vong ơn”.

Suy nghĩ của Triệu Bôn rất đúng. Mỗi người viết một tạng, không ai giống ai. Đối với anh, xuất bản mồm trước khi xuất bản giấy sẽ dẫn đến thành công, còn đối với tôi thì hình như phải làm ngược lại.

PHẠM ĐÌNH ÂN