Nhà bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long ở vùng chữ V

Biểu tượng của tinh thần đoàn kết

Cập nhật, 05:40, Thứ Ba, 26/05/2020 (GMT+7)

Sau hơn một năm thi công, Nhà bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long ở vùng chữ V được khánh thành, đưa vào sử dụng đúng dịp cả nước lập nhiều thành tích chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2020). Đây là di tích lịch sử cách mạng, là trang sử hào hùng và cũng là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa Đảng bộ, quân và dân 2 tỉnh Vĩnh Long- Đồng Tháp trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vùng chữ V.

Khu vực vùng chữ V là địa bàn trọng điểm được Tỉnh ủy và nhiều cơ quan của tỉnh chọn làm căn cứ để chỉ đạo, chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Khu vực vùng chữ V là địa bàn trọng điểm được Tỉnh ủy và nhiều cơ quan của tỉnh chọn làm căn cứ để chỉ đạo, chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vùng chữ V- căn cứ lòng dân

Nhà bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long ở vùng chữ V tọa lạc tại ngã ba Xẻo Mát (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành- Đồng Tháp), được Tỉnh ủy Vĩnh Long và Tỉnh ủy Đồng Tháp đầu tư xây dựng trên diện tích gần 3.000m2. 

Nơi đây nằm giữa khu tam giác có 3 thị xã trước đây là TX Vĩnh Long, TX Sa Đéc và TX Cần Thơ bao quanh cùng với hệ thống giao thông thủy bộ quan trọng được hình thành bởi các tuyến cặp sông Nha Mân, sông Cái Tàu, sông Sa Đéc tạo thành khu vực có hình chữ V gồm 4 xã: Hòa Tân, An Khánh, Tân Nhuận Đông và Phú Hựu (thuộc huyện Châu Thành).

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ năm 1957- 1974, huyện Châu Thành thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Với vị trí, địa thế quan trọng, khu vực vùng chữ V được xác định là địa bàn trung tâm và được chọn làm căn cứ quan trọng của Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Huyện ủy Châu Thành, công trường quân y và nhiều cơ quan quan trọng khác của tỉnh Vĩnh Long để trực tiếp chỉ đạo kháng chiến.

Từng sống, chiến đấu và chỉ đạo chiến đấu tại trận địa vùng chữ V, đồng chí Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- hồi tưởng: “Đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam với 4 chiến lược chiến tranh. Chiến lược nào Vĩnh Long cũng thuộc chiến trường bình định chủ yếu, đồng thời là tỉnh trọng điểm bình định ở ĐBSCL của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Vì vậy có thể nói, vùng chữ V là trọng điểm bình định của tỉnh trọng điểm, cho nên vùng chữ V, huyện Châu Thành là chiến trường rất sôi động và ác liệt…

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân vùng chữ V và huyện Châu Thành quyết tâm bám ruộng, vườn sản xuất, chiến đấu giữ làng, 1 tấc không đi, 1 ly không rời”.

Năm 1957, Tỉnh ủy Vĩnh Long chọn vùng chữ V làm địa điểm xây dựng căn cứ cùng nhân dân chống Mỹ. Trong những năm đứng chân nơi đây, Tỉnh ủy Vĩnh Long luôn được nhân dân vùng chữ V hết lòng nuôi chứa, chở che, bảo vệ.

Tỉnh ủy Vĩnh Long có 32 điểm họp trong kháng chiến chống Mỹ, riêng tại vùng chữ V có 7 điểm họp, khi thì tại miếng vườn hoang trong ngọn Kinh Cũ, khi ở miếng vườn trong ngọn Bà Tơ, khi thì ở nhà anh Hai Lễ ở gần ngọn Giồng Sao…

Mỗi lần như thế, nhân dân đều tự nguyện canh gác, báo động, thông tin kịp thời khi giặc tới để bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ.

“Thử thách lúc bấy giờ không chỉ là vượt qua biết bao gian lao, ác liệt, hy sinh mà chính là sự đọ sức với kẻ thù về mưu lược, về trí tuệ của từng tập thể cấp ủy, của từng cán bộ, đảng viên để tồn tại”- đồng chí Nguyễn Tấn Lực, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết.

Trước sự hy sinh, che chở của nhân dân vùng chữ V, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã chỉ đạo cuộc đồng khởi giành thắng lợi, phá vỡ hệ thống chính quyền cơ sở của địch, giải phóng vùng nông thôn rộng lớn và làm thất bại chiến lược “tố cộng diệt cộng” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

“Tỉnh ủy Vĩnh Long tiếp tục đứng vững ở căn cứ chữ V chỉ đạo đánh bại chương trình bình định lập ấp chiến lược, làm phá sản chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở tỉnh đồng bằng sông nước.

Không những vậy, được tăng cường lực lượng vũ trang cơ động tỉnh, quân và dân Châu Thành kết hợp 3 mũi giáp công đánh bại trọng điểm bình định ấp chiến lược của địch. Từ đó, vùng giải phóng chữ V được củng cố và mở rộng”- đồng chí Nguyễn Ký Ức phấn khởi kể lại.

Thời gian tiếp sau, căn cứ vùng chữ V còn là nơi xuất phát của Tiểu đoàn 857 tỉnh tấn công vào TX Vĩnh Long đánh chiếm sân bay Vĩnh Long, làm tổn thất, hư hại nhiều máy bay và tiêu diệt trên 100 lính Mỹ, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của quân địch vào Xuân Mậu Thân 1968.

Cũng từ bàn đạp căn cứ vùng chữ V, lực lượng vũ trang của tỉnh tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng TX Vĩnh Long vào ngày 30/4/1975.

“Trải qua giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt, với nhiều hy sinh, mất mát, nhưng nhân dân vùng chữ V vẫn hiên ngang trước bom đạn của kẻ thù, luôn gắn bó với Đảng, quyết tâm đùm bọc, bảo vệ an toàn cơ quan Tỉnh ủy trong bất cứ tình huống nào, cho nên căn cứ vùng chữ V thật sự là căn cứ của lòng dân”- đồng chí Nguyễn Ký Ức nhấn mạnh tầm quan trọng của Khu căn cứ vùng chữ V.

Thắt chặt tình nghĩa keo sơn

Từ tháng 8/1974, thực hiện chủ trương của Trung ương Cục Miền Nam về sắp xếp, bố trí lại chiến trường, huyện Châu Thành trực thuộc tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp).

Mặc dù vậy, tình đoàn kết, gắn bó giữa Tỉnh ủy Vĩnh Long với nhân dân vùng chữ V nói riêng và huyện Châu Thành nói chung vẫn còn hiện hữu sâu sắc trong ký ức nhân dân và cán bộ, chiến sĩ của Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Trong thời khắc quan trọng chuẩn bị lễ khánh thành Nhà bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long ở vùng chữ V, trước các mẹ Việt Nam anh hùng và những đồng đội, đồng chí từng sống, chiến đấu cùng ông trên trận địa vùng chữ V, đặc biệt là trước những người dân, đại diện gia đình nhân dân từng nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ của Tỉnh ủy Vĩnh Long trước đây, đồng chí Nguyễn Ký Ức phát biểu đầy cảm xúc: “Tỉnh ủy Vĩnh Long luôn ghi lòng tạc dạ nghĩa cử cao đẹp của Đảng bộ, quân và dân Châu Thành đối với Tỉnh ủy, nhất là nhân dân vùng chữ V”.

Tiếp lời đồng chí Nguyễn Ký Ức, Bí thư Huyện ủy Châu Thành Nguyễn Tấn Lực xúc động bày tỏ: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Châu Thành mãi mãi tri ân, biết ơn vô hạn sự cống hiến to lớn của các thế hệ cách mạng đi trước, sự hy sinh vô bờ của các mẹ Việt Nam anh hùng, của nhân dân huyện nhà cho độc lập, thống nhất đất nước, tạo nên quê hương Châu Thành phát triển yên bình như hôm nay.

Nhà bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long ở vùng chữ V là nơi ghi dấu chiến công hào hùng và thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa Tỉnh ủy Vĩnh Long với nhân dân vùng chữ V và huyện Châu Thành.
Nhà bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long ở vùng chữ V là nơi ghi dấu chiến công hào hùng và thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa Tỉnh ủy Vĩnh Long với nhân dân vùng chữ V và huyện Châu Thành.

Nhà bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long ở vùng chữ V được xây dựng như đánh dấu mốc son lịch sử chói lọi và cũng nhằm tri ân đồng bào, chiến sĩ khu vực vùng chữ V ở huyện Châu Thành.

Đồng thời, đây cũng là nơi lưu giữ nguồn tư liệu lịch sử quý giá về các chiến tích hào hùng của quân và dân 2 tỉnh Vĩnh Long- Đồng Tháp trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và là niềm tự hào, là nguyện vọng chính đáng của chính quyền và nhân dân vùng chữ V.

Cũng kể từ đây, tỉnh Vĩnh Long và huyện Châu Thành (Đồng Tháp) có thêm một di tích lịch sử cách mạng, công trình văn hóa có ý nghĩa, biểu tượng của tinh thần đoàn kết, bảo bọc, che chở của nhân dân vùng chữ V với Tỉnh ủy Vĩnh Long và các cơ quan của tỉnh.

Thay mặt Tỉnh ủy Vĩnh Long, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- trân trọng tri ân và ghi nhớ những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân vùng chữ V; đặc biệt là công lao nuôi chứa cán bộ, chiến sĩ và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Long trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đồng chí Trần Văn Rón cũng mong rằng, các sở, ban ngành tỉnh Vĩnh Long cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Tân sẽ thực hiện tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy hiệu quả giá trị Nhà bia lưu niệm, phục vụ tốt cho công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tạo thành điểm đến, điểm dừng chân cho thế hệ trẻ, các bạn đoàn viên thanh niên và các đoàn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghiên cứu thời gian tới.

Nhà bia lưu niệm căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long ở vùng chữ V có kiến trúc nghệ thuật cao, đậm nét văn hóa Nam Bộ, là công trình tâm huyết của lãnh đạo, nhân dân 2 tỉnh Vĩnh Long- Đồng Tháp.

Bài, ảnh: MINH TRIẾT