Chiếc võng Trường Sơn

Cập nhật, 04:47, Thứ Bảy, 30/05/2020 (GMT+7)

Ông tôi rất thích nằm võng. Trong nhà ai cũng nói cái võng của ông như một chiếc giường di động. Buổi tối, ông mắc võng ở nhà khách để xem thời sự trên ti vi. Trưa, võng ở hàng ba hoặc ngoài sân, dưới gốc cây thanh trà dịu mát. Có lẽ ông không ngủ, chỉ nhắm mắt thiu thỉu vì mỗi lần tôi cùng thằng Út- con chú Bảy- bỏ ngủ trưa lén đi bắn cá thòi lòi là ông đã biết ngay.

Ông tôi là người rất khéo tay: Cái nạng giàn thun, chiếc cần câu, đèn ông sao, con tu hú bằng đất,... ông làm đẹp và thành thạo như một nghệ nhân.

Những buổi trưa, trên cánh võng, tôi đã được nghe ông kể nhiều câu chuyện cổ tích ly kỳ, hấp dẫn, rồi chuyện thời ông đi kháng chiến và được học ở ông nhiều bài học làm người.

Đặc biệt, cứ vào ngày 30/4 hàng năm, sau khi ông đi dự lễ ở xã hoặc huyện là ông về nhà nằm võng. Chiếc võng ở ngày trọng đại này khác hẳn với ngày thường: Võng Trường Sơn! Chiếc võng mà ông luôn giữ gìn cẩn thận, mỗi năm chỉ mang ra có một lần.

Trên chiếc võng ấy, ông ca nho nhỏ, không phải những bài ca cổ quen thuộc như “Tình anh bán chiếu” hay “Đài hoa dâng Bác”,... mà ông lại hát nhạc: “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm, đường ra trận mùa này đẹp lắm...”. 

Nghe con cháu khen hay, ông nói: “Ngày trước, nội của tụi bây với ông Năm, ông Tám là ba cây văn nghệ của tiểu đội, ca hay, diễn kịch giỏi lắm à nghen!”

Nhắc tới ông Năm và ông Tám, ông rưng rưng kể chuyện ngày xưa. Cái võng ấy là một kỷ vật, nó đã theo ông suốt những năm chống Mỹ, từng có mặt ở chiến khu D, ở rừng Trường Sơn,... Chiếc võng từng chứng kiến cảnh máy bay Mỹ rải thảm bom xuống căn cứ và những cánh rừng Việt Nam.

Ông còn bảo rằng chiếc võng đã từng thấm máu đồng đội. Ông Năm, ông Tám- người mà ông tôi thường nhắc đến cũng đã nhắm mắt ra đi trên chiếc võng ấy trong lần bị thương không kịp về đến Trạm Quân y.

Cách đây không lâu, ông tôi bệnh nhiều. Sau hơn chục ngày nằm viện, bệnh tình đã thuyên giảm, ông một mực đòi về. Về đến nhà, dù còn hơi mệt nhưng ông nói muốn được nằm trên chiếc võng Trường Sơn. Ba tôi mắc võng, chú Út cõng ông ra góc thanh trà.

Và... như có một phép nhiệm mầu, ai cũng vui mừng nhận thấy ông như khỏe hẳn ra. Tôi thầm nghĩ có lẽ hơi ấm của đồng đội từ chiếc võng Trường Sơn đã giúp ông tôi thêm nghị lực, sức khỏe để sống vui cùng con cháu.

Nguyễn Linh