Bình thơ

Vài nét cảm nhận về bài thơ "Vết thời gian" của tác giả An Phương

Cập nhật, 14:27, Thứ Ba, 12/05/2020 (GMT+7)

Thời gian có thể làm dịu đi nỗi đau của con người. Thế nhưng chính nó cũng làm dày lên bao nỗi nhớ trong miền ký ức. Có khi đó là những khoảnh khắc của sự ngọt ngào, nhưng cũng có khi lại là nỗi khổ đau hằn sâu như một vết cắt.

Tất cả điều ấy cứ hiện về trong niềm nhớ của riêng mỗi người theo những phân khúc của thời gian. Với trái tim vốn nhạy cảm, An Phương đã nhìn thấy vết thời gian ấy từ một bà mẹ xóm chòi để rồi nỗi lòng nhà thơ phải thổn thức. Nỗi xúc động đó được ông ghi lại trong bài thơ “Vết thời gian”, in trên Tạp chí Văn nghệ Cửu Long số 151, 152.

“Vết thời gian” là bài thơ tự do gồm 5 khổ thơ, viết về nỗi nhớ của bà mẹ xóm chòi. Nỗi nhớ ấy là của riêng mẹ nhưng nó đã gây xúc động cho nhiều người đọc, không chỉ về cuộc đời khổ cực hiện hữu trong tiềm thức của bà mẹ mà còn bằng cách cảm nhận đầy tinh tế của nhà thơ.

Mở đầu bài thơ là những câu thơ mang tính khái quát nhằm giới thiệu đến người đọc về không gian đã khơi gợi nỗi nhớ của bà mẹ xóm chòi:

“Chỗ mẹ nằm phân khúc thời gian

Khoảng trống là nơi mẹ nhớ”

“Chỗ mẹ nằm”- một không gian quen thuộc gắn với cuộc sống thường nhật, để mẹ nghỉ ngơi sau những khoảng thời gian lao động. Tưởng đây là nơi mẹ có được phút thanh thản, nhưng bao nỗi nhớ miên man lại hiện về.

Với cụm từ “phân khúc thời gian” gợi cho người đọc cảm nhận về nỗi nhớ dường như lấp đầy trong tiềm thức với những sự kiện khác nhau được trôi chảy theo trật tự tuyến tính của dòng thời gian mà mẹ không thể nào quên được. Nỗi nhớ ấy cứ hiện hữu trong “khoảng trống” là không gian trực diện theo hướng nhìn của mẹ.

Đó có thể là không gian của căn phòng, căn nóc thường khơi gợi nỗi nhớ mà ta bắt gặp nhiều trong ca dao: “Ngó lên nuột lạt mái nhà- Bao nhiêu nuột lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”. Hay đó lại là không gian ngõ trước vườn sau nơi mẹ thường chờ mong người thân trở lại.

Thế nhưng chỉ với 2 câu thơ đó thôi, tác giả chưa nói rõ nỗi nhớ của mẹ là gì. Phải đến 2 câu tiếp theo nỗi nhớ mới bắt đầu dần được cụ thể:

“Về một xóm chòi thời giặc giã

Chiều hôm ngóng đợi con về”.

Cũng giống như bao làng quê khác, xóm chòi thời giặc giã cũng gây ấn tượng khó quên, có thể là bom đạn tàn phá ác liệt, đến nỗi tình mẫu tử phải phân ly. Vì vậy, mỗi buổi chiều mẹ lại “ngóng đợi con về”.

Ở đây “chiều hôm” là một thời gian trữ tình quen thuộc thường gợi nhớ cho người ở lại đối với người đi xa. Khi bóng chiều dần buông vết thời gian lại khơi gợi nỗi nhớ mong người con trở về một cách da diết, man mác thể hiện cảm động qua động từ “ngóng đợi”. Từ ngữ ấy vừa gợi sự chờ mong vò võ, vừa có cái gì khắc khoải.

Cùng với nỗi đau thời chiến tranh là những nỗi khổ cực mà mẹ chịu đựng cũng đã hằn sâu trong tiềm thức. Và đó cũng chính là những gì mà mẹ “ không thể nhớ”:

“Nhớ mãi về những gì không thể nhớ

Cơn mưa chiều lạnh cóng đồng sâu

Mùa cấy ăn cơm trên bờ mẫu

Bóng râm chở giấc mơ đầy”.

Tất cả nỗi vất vả hằn sâu được sắp xếp theo lối liệt kê tạo cảm giác khó quên. Phải là người từng trải mới cảm nhận hết những nỗi gian lao mà bà mẹ xóm chòi phải chịu đựng một thời.

“Những cái lạnh cóng nơi đồng sâu”, “những bữa ăn vội vàng bên bờ mẫu”…. Các sự việc tưởng chừng như quá sức chịu đựng của bà mẹ, gây nên niềm cảm thương sâu sắc trong lòng người đọc. Những lúc vất vả như vậy, được ngồi dưới bóng râm nghỉ ngơi cũng cảm thấy hạnh phúc vô cùng, cũng thấy sung sướng vô cùng.

Và dù đó là một niềm sung sướng nhỏ nhoi, thoáng qua nhưng lại là niềm mơ ước lớn lao của mẹ, điều đó được nhà thơ khắc họa bằng phép nhân hóa “Bóng râm chở giấc mơ đầy”. Bóng râm như một con thuyền chở đầy giấc mơ của sự sung sướng, hạnh phúc. Nhưng cho dù nó có nhiều đến mức độ nào thì đó cũng chỉ là ước mơ chợt đến trong cuộc sống khổ cực mà thôi.

Chưa dừng lại ở đó, khổ thơ tiếp theo như bổ sung thêm, làm dày thêm nỗi vất vả của mẹ:

“Con đỉa cắn máu tuôn đồng bãi

Phần vôi cạn dần trên đầu nọc nhà nông”.

Câu thơ diễn đạt theo cách nói quá quen thuộc “Con đỉa cắn máu tuôn đồng bãi” nhằm gây ấn tượng về cái khắc nghiệt trong đời sống lao động mà mẹ trải qua. Những sự việc mà người ta đã nghe thôi đã thấy sợ đừng nói chi tới phải đối diện với nỗi vất vả ấy. Một nỗi khiếp sợ không chỉ diễn ra một lần mà xảy ra thường xuyên đối với mẹ.

Điều đó được An Phương diễn tả gián tiếp qua câu thơ “Phần vôi cạn dần trên đầu nọc nhà nông”. Khi đặt mình trong hoàn cảnh của bà mẹ xóm chòi ta mới thấy ở trong lòng trào dâng một niềm cảm thương vô hạn về một lớp người một thời với bà mẹ xóm chòi phải chịu đựng.

Cứ ngỡ trong nỗi nhớ của mẹ sẽ chỉ là nỗi khổ mà một thời mà mẹ nếm trải, vậy mà trong phân khúc thời gian vẫn còn cất giữ một không gian êm đềm đáng trân trọng:

“Nhớ. Tiếng chim lạc bầy chim chíp

Đàn vịt trú mưa trong đám lá sau vườn

Tiếng cá ục buổi trưa đồng vắng

Đàn trâu gặm nắng nhơi chiều”

“ Nhớ. Tiếng chim lạc bầy chim chíp” câu thơ bị ngắt làm đôi bởi dấu chấm như để chuyển sang một nỗi nhớ khác của phân khúc thời gian. Các sự việc trong nỗi nhớ được liệt kê để tạo dựng một khung cảnh êm đềm của làng quê có “tiếng chim”, “tiếng cá ục”, “đàn trâu gặm nắng nhơi chiều”.

Tất cả các hình ảnh chỉ hiện hữu trong nỗi nhớ nhưng đều ở trạng thái động và còn được đặt trong hoàn cảnh thân thương gần gũi với cuộc sống con người ở đồng quê, song cũng rất nên thơ.

Đặc biệt câu thơ “Đàn trâu gặm nắng nhơi chiều” được diễn đạt hết sức sáng tạo, khéo léo và cũng hết sức thú vị, trâu có thể “gặm nắng” và “nhơi chiều”. Ở đây 2 hiện tượng của tự nhiên đã được tác giả vật chất hóa, nắng tượng trưng cho nỗi vất vả kết động thành hình thành khối trâu có thể “gặm”. Còn chiều kia là những giây phút thanh thản, là bao nỗi nhớ được tái hiện một cách thấm thía với hành động “nhơi”.

Ở trong nỗi nhớ của mẹ, bao nỗi vất vả không chỉ được tái hiện bằng các sự việc mà nó còn được thể hiện qua nhiều hình ảnh tiêu biểu:

“Trên cánh đồng mệt nhoài hạt giống

Chiếc phản cùn trên vách thời gian

Cây nọc cấy mòn theo đời mẹ

Cắm vào lòng vương vấn mạ non”.

“Hạt giống”, “chiếc phản cùn”, “cây nọc mòn” đều mang dấu ấn cực khổ mà một thời mẹ phải chịu đựng. Mỗi vật như vậy gắn với đặc điểm riêng tạo thành dấu ấn nghệ thuật trong câu thơ chứ không phải là lối liệt kê thông thường nhàm chán.

Hình ảnh hạt giống được nhân hóa “mệt nhoài” kết hợp với hình thức đảo ngữ “mệt nhoài hạt giống” nhấn mạnh vào tính từ chỉ trạng thái “mệt nhoài” nhằm khơi gợi về nỗi vất vả mà mẹ phải chịu đựng suốt trong khoảng thời gian dài. Nỗi cực nhọc của mẹ đã thấm vào cả vật vô tri “hạt giống”. Chúng hiện hữu trong ký ức “vách thời gian”, “theo đời mẹ”. Tất cả có sức khơi gợi những nỗi gian lao vất vả như “cắm vào lòng”.

Phải chăng cụm từ “cắm vào lòng” chính là sự xúc động của chính tác giả? Để rồi “mạ non” là hình ảnh ẩn dụ với những con người ở thế hệ sau lại vương vấn nỗi niềm xúc động về nỗi khổ cực của bà mẹ xóm chòi như chính nỗi lòng của nhà thơ.

Tôi bắt gặp bài thơ “Vết thời gian” giữa trời xuân nắng ấm. Khi mà hạnh phúc đến trăm nhà và niềm vui đến với trăm ngã. Vậy mà, bài thơ vẫn gây ám ảnh trong tôi về một thời mà những mẹ, những chị phải chịu đựng biết bao nhiêu vất vả.

Tất cả được phục dựng qua các vần thơ giàu hình ảnh được diễn đạt khéo léo không chỉ hình tượng trong thơ mà còn bằng nhiều biện pháp tu từ. Từ đó, tôi không chỉ yêu quý thơ của An Phương mà còn trân trọng những gì mà thơ ông, bản thân ông đóng góp cho sự phát triển của thi ca và văn học của nước nhà.

MINH ĐIỀN