Hai chữ tình thâm

Cập nhật, 05:37, Chủ Nhật, 26/04/2020 (GMT+7)

Chiều mùng bảy, mọi công việc đã trở lại với cuộc sống thường nhật nhưng mùa xuân vẫn còn rạng rỡ trên những cánh mai vàng sau tết. Hiển bước xuống xe đò, quẹo vô con hẻm nhỏ chừng vài trăm mét, qua một cái cua gắt là đã thấy dãy nhà trọ bình dân, nơi Hiển đã tá túc mấy năm nay. 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Kế bên là ngôi nhà nhỏ của ông bạn chí thân. Người ta vui xuân đón tết, còn ông bạn thì thui thủi có một mình, chắc buồn lắm. Nghĩ vậy, Hiển cố bước nhanh hơn dù giỏ quần áo và bánh trái dưới quê đang trĩu nặng trên vai.

Hiển rất thương người bạn. Thương sao nhiều đến vậy? Hèn gì người ta đồn hai người đồng tính luyến ái. Trời đất! Đồng tính gì giữa một gã trai tơ với một ông bạn già tuổi đã gần bảy mươi?

Song nghĩ kỹ thì người ta ngờ vực cũng phải: Một ông già độc thân, hổng vợ con, sống gần như biệt lập, chỉ có một người bạn duy nhất là Hiển.

Còn Hiển- chàng thanh niên hăm ba tuổi, ít giao du với bạn bè, thân chỉ có mỗi ông già Năm. Một già, một trẻ coi ra rất tâm đầu ý hợp. Tối tối, khi thì Hiển qua nhà đánh cờ, uống trà, có lúc lại đèo ông già trên chiếc xe đạp cà tàng dạo quanh thị xã.

Những lúc Hiển làm ca đêm, ông già Năm thấy buồn, ra sân uống trà và ngồi ca chỉ một mình. Nghe đâu ông Năm có bảy, tám công ruộng dưới quê, thời trẻ do một tay ổng làm, còn bây giờ già rồi ổng cho người ta mướn.

Hiển bước vô cửa. Gặp Hiển, ổng mừng: “Chào anh bạn trẻ!” Những lúc vui ổng hay gọi Hiển như vậy.

- Thưa ông Năm, bà ngoại biểu con đem bánh tét lên biếu ông cúng ông bà.

Ông Năm tặc lưỡi, nhíu nhíu cặp mắt theo thói quen:

- Chèn ơi, ngoại con bày vẻ làm chi… ông thấy ngại lắm.

Hiển dọn bánh tét lên bàn thờ, đốt ba cây nhang:

- Ngoại nói ở quê hổng có quà bánh gì cho đắt giá, chỉ có mấy đòn bánh tét nước tro mới gói hồi hôm, còn ngon lắm.

Hiển lục giỏ đồ, lấy ra cái bọc nhỏ:

- Nghe con nói ông hay bị nhức mỏi, đau lưng, vậy là mấy ngày tết ngoại đi xin được bốn cái mật ngỗng gởi cho ông nè. Ngoại nói mật ngỗng ngâm rượu trị nhức mỏi đại tài luôn.

- Cái anh bạn trẻ này, nói chuyện thì cứ như người nhà. Vậy mà biểu qua đây ở với tui cho có bạn lại đỡ tốn tiền thuê nhà, biểu hoài mà hổng chịu.

Hiển cười:

- Con cũng biết vậy nhưng… có khi phải làm ca đêm, về khuya phải phiền đến giấc ngủ của ông. Rồi thỉnh thoảng bạn bè con tới chơi, tụi nó quậy dữ lắm… Hổng được đâu.

Hiển ăn bữa cơm gia đình gọi là đón xuân muộn với ông Năm xong thì về phòng trọ. Anh ngã người ra giường, nghĩ tới ngoại mà lo. Về nhà lần này Hiển thấy ngoại ốm đi nhiều.

Chắc hết năm nay anh phải nghỉ làm, về quê chăm sóc cho bà vì má mất hồi Hiển mới mười bốn tuổi, nhà chỉ có hai bà cháu. Ngoại nói ba của Hiển là tên “Sở khanh”, sống với má Hiển hơn một năm, hay tin vợ có bầu thì quất ngựa truy phong bỏ đi biền biệt.

Lúc đầu ngoại giận má Hiển lắm vì con gái mới lớn tin vào lời ong tiếng ve làm cho mê muội nhưng rốt cuộc bà cũng đã tha thứ. Đúng là có tình nào thiêng liêng bằng tình mẫu tử, có người mẹ nào mà chẳng thương con.

Hồi nhỏ Hiển sống trong mặc cảm, mấy đứa hàng xóm nói Hiển là một đứa con hoang nhưng trong thâm tâm của một đứa bé lên tám, lên chín ngày ấy luôn cầu mong một ngày nào đó ba sẽ hồi tâm trở về. Năm mười bảy tuổi, nỗi nhớ nhung dần biến thành lòng căm giận.

Hiển hận cái người vô lương tâm đã nhẫn tâm bỏ vợ và giọt máu của mình. Tình thương, Hiển chỉ dành riêng cho bà ngoại và người má quá cố mà thôi.

Hiển quen biết ông Năm, người bạn già trong một dịp hết sức tình cờ. Chiều hôm đó, thấy nhớ nhà, Hiển ra hàng ba ôm cây đờn ca bài vọng cổ “Buồng cau quê ngoại”. Giọng Hiển mùi thiệt, nghe y chang nghệ sĩ Tấn Tài.

Buồn quá, ca cho khuây khỏa không ngờ ca vọng cổ, nghe cải lương là cái “gu” của ông Năm hàng xóm. Ổng nói: “Thanh niên bây giờ ít ai chịu ca vọng cổ, chúng nó mê ba cái nhạc xập xình, gọi là híp hóp gì đó, nghe mà mệt cái lỗ tai”.

Kể từ hôm đó, một già, một trẻ dần trở thành bạn chí thân. Hiển học ở ông sự từ tốn, chững chạc, những bài học nhân nghĩa ở đời. Ông nhận từ Hiển sự nhanh nhẹn, hoạt bát, yêu đời của tuổi trẻ. Và cũng kể từ dạo ấy, người ta thấy ông Năm nói chuyện nhiều hơn, cuộc sống đỡ biệt lập hơn.

***

Đám giỗ bà Năm. Chiều, ông Năm nấu mâm cơm, chờ tới chạng vạng thì Hiển đi làm về. Hai ông cháu dọn ra sân, làm lai rai vài xị đế trên manh chiếu. Hiển đờn cho ông ca bài “Tình anh bán chiếu”.

Ổng khen Hiển đờn hay. Ổng uống hơi nhiều và nói chuyện nhiều hơn ngày thường. Có lẽ men rượu giúp con người ta trở nên thân nhau hơn và dễ bộc bạch những tâm sự thầm kín nhất.

… Ngày ấy, vợ mất sớm, ông Năm ở vậy nuôi con, thằng con trai mới tám tuổi. Ông không muốn bước thêm bước nữa, muốn dành trọn tình thương yêu cho con vì nó là giọt máu duy nhất của vợ ông để lại.

Nhưng ngày một lớn nó không chịu học hành, làm ăn, chỉ mê chơi đàn đúm với bạn bè. Mới mười chín tuổi đầu nó đã dắt về một con vợ.

Sống với nhau có mấy tháng mà chúng đã cãi nhau như bầm bầu nên chưa đầy một năm thì con nhỏ cuốn gói bỏ đi mất. Lúc đó, ông Năm nghĩ thằng con sẽ buồn lắm vì đã là vợ chồng thì do cái duyên, cái nợ, rồi cái nghĩa, cái tình.

Song, ông thấy nó dửng dưng, tiếp tục ăn chơi như chưa hề xảy ra chuyện gì. Ông khuyên nhủ, nó không nghe. Nó đem những cậu ấm, cô chiêu, bạn của nó ra so sánh để nó trách rằng ông không chịu bán đất ở quê lo cho nó.

Đêm, ông không ngủ được, ông thấy có lỗi với vợ vì không dạy thằng con được nên người. Nhiều lần, xin tiền để cờ bạc không được, thằng con đã nhẫn tâm “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với chính người cha của mình.

Rồi một ngày, nó lén ăn cắp tiền, vàng bạc của gia đình bỏ đi biền biệt. Mất con, ông buồn, nhưng lòng ông đau nhất là nó nhẫn tâm lấy đi đôi bông tai mù u, kỷ niệm của má hồi xưa cưới vợ cho ông. Trước đây, cứ đôi ba ngày ông lại đem ra ngắm, lau chùi để nhớ những người thân.

Ban đầu, ông nhớ con, ông mong nó sớm quay về nhận lỗi thì ông sẽ tha thứ để nó làm lại cuộc đời. Ông dò la tin tức qua mấy đứa bạn của nó, khi thì nghe nói nó ở Cần Thơ, khi thì ở Sài Gòn, có lúc lại nghe tin nó qua Nam Vang, có vợ và làm ăn ở bển,…

Cho tới bây giờ không biết nó ở đâu, làm gì, sống chết ra sao. Có khi ông ngồi nhớ con nhưng… không ai biết là ông đang giận hay thương.

Ông Năm nhấp ly rượu rồi tặc lưỡi:

- Thấy anh bạn trẻ hiếu thảo với bà ngoại làm tui giận thằng con quá chừng. Phải chi nó được như anh bạn, phân nửa anh bạn thôi cũng đỡ. Đằng này… Mà thôi, nhắc chi hoài ba cái chuyện cũ, mấy đêm rồi anh bạn trẻ đi ca mướn ở quán ca cổ gì đó, thế nào rồi?

- Dạ, hổng có hợp đồng, bữa nào rảnh thì con đi. Tiền lương người ta trả theo buổi, ít lắm nhưng vui. Có dịp, con rủ ông đi một bữa.

- Thôi đi anh bạn. Tui già rồi, tới mấy chỗ ồn ào hổng quen.

- Ông đừng ngại, quán ca cổ này yên tĩnh lắm. Ông làm khách ngồi thưởng thức, thấy vui thì ca một bản. Chủ quán là người gốc ở quê, điệu nghệ, mê đờn ca tài tử và mến khách lắm.

***

Thị xã lên đèn. Hiển chở ông Năm tới quán ca cổ- cái quán lý tưởng nằm yên tĩnh trong lòng thị xã. Ngồi nghe được năm, sáu bài, ông Năm thầm cảm phục: Cái anh bạn trẻ này tài thiệt, khi đờn, khi ca, có khi kiêm luôn người dẫn chương trình thật có duyên. Vừa dứt bài bỗng nhiên Hiển giới thiệu ông Năm với mọi người:

- Kính thưa quý khán giả! Tiếp tục chương trình, mời khán giả nghe giọng hát của ông Năm. Ông tuy lớn tuổi nhưng rất yêu đời, yêu văn nghệ lại hát hay.

Khán giả vỗ tay cái rần làm ông Năm thấy ngượng, nói nhỏ một mình: “Yêu đời cái con khỉ mốc! Buồn chuyện gia đình muốn thúi ruột mà nói yêu đời. Đúng là cái lưỡi không xương!”

Tuy nói vậy mà ổng cũng bước lên. Ổng ca bản ruột “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu. Bài vừa dứt, khán giả vỗ tay như pháo. Được người ta lên sân khấu bắt tay, tặng hoa, ông thấy vui, hạnh phúc y như người nghệ sĩ thực thụ được khán giả yêu mến.

Ông Năm trở về bàn. Hiển bước xuống, ngồi kế bên chia vui cùng ông bạn già. Ổng nói:

- Cái anh bạn trẻ này kỳ thiệt! Khi không lại giới thiệu làm khán giả vỗ tay, tui sượng gần chết.

Nói thì vậy nhưng Hiển lại thấy ổng cười, tay nâng niu mấy bông hoa. Ổng vui, Hiển cũng nghe vui lây.

***

Tan ca đêm, gần mười một giờ khuya thì Hiển về đến nhà. Anh đang lui cui mở khóa bỗng giật mình phát hiện một bóng người trước cửa nhà ông Năm. Ăn trộm? Anh định la lên nhưng kịp kiềm lại vì nhìn kỹ thì cái bóng đen kia có vẻ như không phải đang rình rập. Vậy là ai? Đứng đó để làm gì?

Hiển dán mắt theo dõi người đàn ông mặc đồ đen, khoác cái áo gió đậm màu và chưa biết phải làm gì thì anh nghe cái giọng nhỏ xíu: “Ba ơi! Ba hãy tha thứ cho con!” Hiển tròn mắt. Giọng nói của ông Năm từ trong nhà vọng ra: “Mầy đi đi! Có đứng đây cho tới sáng tao cũng hổng mở cửa đâu”.

Trời đất! Con của ông Năm! Trong đêm, Hiển nghe rất rõ tiếng nấc của người đàn ông chắc đang hối hận, cầu xin người cha già lời tha thứ.

Hiển trở vô phòng, nằm xuống mà không sao chợp mắt. Hiển mừng cho ông Năm vì rốt cuộc rồi con ông cũng trở về. Anh nghĩ, trên đời ai mà không từng lầm lỗi, lầm lỗi mà biết nhận lỗi mới là điều đáng quý, nhưng liệu ông có tha thứ cho người con một thời hư hỏng đáng trách này không?

Sáng, chuẩn bị đi làm, Hiển thấy nhà ông Năm cửa vẫn còn đóng, ông không thức sớm uống trà như mọi khi. Đâm lo, anh bước qua kêu mấy tiếng, nghe ổng trả lời Hiển mới yên tâm.

Trưa, đi làm về, Hiển qua nhà thấy ông bạn già ngồi ở bộ ngựa. Gặp Hiển, ổng ngó qua chỗ khác, giấu cặp mắt đỏ, sưng vù. Hiển đi vòng xuống bếp thấy nồi cơm nguội từ chiều hôm qua vẫn còn nguyên. Anh bước lên, chần chừ một lúc rồi nói:

- Ông Năm! Hồi hôm đi làm về khuya… con gặp… ở nhà ông…

Ổng quay lại:

- Đừng nhắc người đó trước mặt tui nữa. Tui coi nó đã chết hồi mấy chục năm trước rồi.

Hiển biết ông giận lắm. Mà, hổng giận sao được, ai đời lại nhẫn tâm bỏ cha già một mình mấy chục năm trời hổng tin tức. Đùng một cái, trở về. Nhưng ngày về thì đau lòng thấy tóc cha già bạc trắng và tóc con chắc cũng đã nhuốm sương. Hiển tìm lời an ủi ông bạn già, khuyên ổng rộng lòng tha thứ cho người con đã biết hối hận quay về.

Mấy ngày sau đó, mỗi buổi, con ông Năm đều đến. Chú không dám vào nhà, chỉ ngồi ngoài hàng ba hoặc đứng trước cửa nhìn lên bàn thờ mà lạy ông bà, lạy má. Có vài lần Hiển qua trò chuyện.

Anh không còn nhận ra sự tệ bạc ở người thanh niên ngày nào mà chỉ biết cảm thông cho người đàn ông vì những phút ham vui tuổi trẻ nên đã đánh mất người thân, giờ chùn chân mỏi gối, ăn năn trở về.

Hiển tin rằng một ngày không xa cha con họ sẽ được trùng phùng, bởi anh biết trong thâm tâm của ông bạn già vẫn còn hình ảnh người con. Tình nào bền chặt, thiêng liêng bằng tình máu mủ, chỉ vì sự việc xảy ra quá đột ngột khiến ông Năm không dễ dàng chấp nhận mà thôi.

***

Hiển về quê thăm ngoại. Về tới hồi trưa, tối chưa kịp đi thăm mấy thằng bạn “cốt” thì anh đã bị bệnh. Ngoại Hiển bước ra sau hè hái một rổ nào là lá bưởi, lá ổi, lá sả,… nấu một nồi xông.

Bà nói: “Tội nghiệp thằng nhỏ! Lên trển mà bị cảm kiểu này, hổng biết lấy ai mà nấu xông cho cháu cưng của tui nữa chớ!” Hiển cười, định nói thuốc Tây bây giờ hay lắm nhưng sợ ngoại giận, đành thôi. Anh trùm mền, hé nắp vung nghe hương lá quê nhà lan tỏa khắp cơ thể- một cảm giác ấm áp và hạnh phúc.

Anh nhớ lúc nhỏ, khoảng năm giờ sáng là đã thức dậy học bài cạnh cửa sổ, nghe hương bưởi thoảng nhẹ trong sương và những buổi chiều bên mẻ un của bà không thể thiếu mùi vỏ bưởi. Nó cháy un un, thơm thoảng, hít thật sâu nghe dễ chịu.

Hiển nhớ cả lời của ngoại ru anh hồi con nhỏ xíu: “Ầu ơ… Ra đi mẹ có dặn con, ở nhà em khóc đem qua bác bồng. Ra đi mẹ có dặn lòng, canh chua mua lấy… ầu ơ… canh chua mua lấy ngọt lòng đừng mua”. Nhớ câu hát này mà Hiển thấy thương má. Hồi đó má cũng nhẹ dạ nghe tiếng ngọt lòng nên đời má khổ.

Buổi trưa, ngoại Hiển đang lui cui bên chái bếp nấu nồi cháo hột gà giải cảm thì có một người khách tần ngần trước sân. Ông ta chần chừ một hồi, bước thêm mấy bước rồi vội trở ra làm con Vện sủa um trời. Bà ngoại bước ra nheo nheo mắt:

- Xin lỗi, chú kiếm ai?

Người đàn ông lựng khựng:

- Dạ, con…

Ngoại Hiển giật mình, thiếu chút nữa là đã buông tô cháo trên tay xuống đất.

- Thôi, tao nhớ rồi! Mầy là cái thằng Sở khanh. Dù đã hai mươi mấy năm mà tao hổng quên được đâu.

- Má giận con, chửi con, con chịu vì con là người có lỗi. Bữa nay con về đây mong má và em Nhạn tha thứ cho con. Còn con của con nữa, nó…

Ngoại Hiển giận quá, cắt lời:

- Mầy đừng có kêu tao là má. Tao hổng dám nhận tiếng má đó đâu. Còn con Nhạn, nó ở trên bàn thờ kìa, nó hổng còn sống để nghe mấy lời ngon ngọt, giả dối của mầy đâu. Con mầy hả? Tao biểu nó đã phá bỏ hồi còn trong bụng.

Nói một hơi cho hả giận rồi bà kéo khăn lau nước mắt. Người đàn ông thì đứng im như hóa đá.

Hiển nằm trong nhà, những lời nói giận của ngoại anh nghe hết, anh biết ba anh đã trở về. Ông đã nói gì với ngoại anh không nghe rõ. Anh rối lắm nhưng cố ngồi dậy, hồi hộp nhìn qua khe cửa xem người đã tạo ra mình như thế nào. Chợt mặt Hiển tái xanh, anh muốn ngã quỵ xuống: “Trời đất! Ba của mình… sao lại chính là con trai của ông Năm?”

Hiển hoảng loạng bỏ chạy ra vườn như một kẻ mộng du. Cái người mà hồi nhỏ anh chờ đợi từng ngày, từng giờ, chờ tới khi má chết, đến lúc tình thương hóa thành căm giận nay bỗng quay về. Hiển nhớ tới ông Năm.

Ổng là ông nội của Hiển thì còn gì bằng, nhưng còn người đàn ông này… Trái đất sao lại quá tròn và trên đời sao lại có những chuyện trùng hợp quá ngẫu nhiên như vậy.

Trước đây, Hiển từng khuyên nhủ ông Năm, từng thầm cầu mong cho cha con họ được trùng phùng. Những lời khuyên bằng lý thuyết sao mà dễ đến vậy? Giờ thì lòng anh khác nào cuộn chỉ rối. Hiển ngồi bệt xuống gốc xoài, nghĩ mông lung về hai chữ tình thâm.

Nguyễn Linh