Cây gòn "thả bông" vào miền nhớ

Cập nhật, 11:32, Chủ Nhật, 26/04/2020 (GMT+7)

Cây gòn chưa bao giờ được… tôn trọng như nhiều loài cây khác ở xứ này, nhưng nó vẫn luôn gần gũi, gắn bó, sống trọn vẹn một “đời cây” tận hiến cho con người nơi đây. Để rồi làng xóm, xã hội có thay đổi ra sao, gòn vẫn vươn cao, tỏa mát đơm bông kết trái; nó vẫn tồn tại mãi trong những ký ức buồn vui, ở một bến sông nào đó, ở một góc hè, bờ lộ… 

Hình ảnh cây gòn thân quen ở miền Tây đang vào mùa ra trái.
Hình ảnh cây gòn thân quen ở miền Tây đang vào mùa ra trái.

Gòn vẫn dội về những nỗi niềm thương nhớ, gần thiệt gần mà xa cũng thiệt xa, y như thể da diết lời rao đã chìm khuất tận phương nào: “Ai… ve chai, lông vịt, hột gòn hôn…?”.

Lời rao nghe quen riết rồi cũng chả ai thèm để ý: “À há, cái hột gòn mà mua về để mần gì ta?” Cũng như chẳng ai thèm để ý, bên vách nhà có một chồi non xanh tươi lặng lẽ vươn lên, rồi một hôm giật mình thấy nó đã rợp bóng xanh um cả một khoảng trời.

Cũng như chả ai thèm để ý nếu một hôm ông tía hổng vui trong bụng, thấy cái cây mọc chướng chướng thì xách búa ra đốn hạ cả cây gòn rồi bỏ nó lăn lóc góc vườn.

Cái giống cây có thể dễ dàng đâm chồi bất cứ nơi đâu, bất kỳ tư thế nào. Như cái hàng rào ngoại chặt trơ trụi từng khúc gòn cỡ ngón chân cái, cứ cặm xuống qua một mùa mưa thì nó lại xanh um rồi cứ bám đất mà chen chúc vươn lên.

Kể lể như một niềm thương nỗi nhớ, để mà chơi; chớ khó lòng “hiểu hết” một đời cây lạ lùng đã chen vào những ngõ ngách tâm tư, tình cảm, những lĩnh vực đời sống ít ai ngờ của người dân xứ miền Tây này.

Nhớ những ngày sau tết, trời nóng dần lên thì gòn cũng đã bắt đầu bung nở những chùm bông trắng tinh tựa như những chùm mây nhỏ vướng vào tàng cây, rồi cứ mỗi cơn gió thổi lại bay tứ tung minh tàng, phủ trắng khắp sân, khắp mặt ao, bay cả vào nhà.

Những chùm bông mang những hạt đen tròn tựa hạt tiêu lại tiếp tục đi gieo trồng sự sống mới khắp nơi. Giống cây gì ngộ, cái ruột từ trái lại gọi là bông; trong khi trước đó rất lâu hoa gòn đã nở đầy như những chiếc chuông gió, ngặt cái màu hoa không sặc sỡ, cứ luốc luốc quê mùa nên chẳng ai để ý.

Loài cây lạ lùng hổng giống ai, đến ra cái trái cũng thô kệch, quê quê sao á; vậy nhưng cây gòn hiến dâng cho cuộc đời tất cả từ lớp da, từ thân, từ lá, cho đến những vết thương chảy nhựa cũng vón cục thành những mủ gòn ăn mát cả ruột gan, mát cả mùa hè.

Những trái gòn khô móc bỏ ruột, khoét một nửa 2 đầu, vậy là thành những chiếc thuyền có mui cà rèm, những chiếc thuyền vỏ trái gòn thả trôi miên man bên những ao nhà, bến sông mà làm thành những kỷ niệm êm đềm tuổi thơ.

Hồi đó, ganh tỵ với anh Hai, được ba đẽo cho chiếc tắc ráng làm từ cây gòn, dùng miếng nhôm làm chân vịt, chuyền vào chùm dây thun; chiếc tắc ráng của anh Hai có thể chạy o o… trên mặt nước.

Lâu lâu mới mượn được của anh Hai về “khè” với mấy chiếc thuyền vỏ trái gòn khô của mấy đứa bạn, sướng lắm.

Cái thời con nít biết bao nhiêu lần tắm gội bằng những lá gòn tươi, hay vạt vỏ cây gòn vô pha nước tắm; đó là cái thời ghẻ chóc, rôm sẩy cùng mình những ngày nóng nực, chỉ tắm vài thau nước là da tóc lại láng mịn như xưa. Nhưng thích nhất là bông gòn và cũng bực bội bởi bông gòn.

Lạ thiệt, từ trong vỏ trái thô kệch lại chứa đầy những chùm bông mịn màng, trắng muốt, làm thành những chiếc bao nhấc nồi, những chiếc gối nằm, gối ôm, những cái nệm gòn nó êm làm sao.

Nhưng sợ nhất, khi ngoại bắt ngồi móc những miếng bông gòn, làm sạch để dồn gối, những sợi lông tơ mỏng tang bay đầy mặt, chui vào mũi thiệt là khó chịu.

Những cái gối bông gòn, nệm gòn của ngoại thì không thể thay thế bằng các loại gối hiện đại; ngoại bảo: quen rồi, nằm nệm gòn êm lưng, mà lành dễ ngủ.

Lá gòn còn làm nên những làng nghề cho xóm đạo, lượng tiêu thụ nhang mỗi nhà, mỗi ngày 2 giác cúng; lá gòn phơi đầy đường, những bó nhang phơi đầy sân.

Nhang làm từ lá gòn hồi xưa không cần tẩm ướp hương thơm, nhang tỏa mùi thiệt của lá gòn, không quyến rũ nhưng mộc mạc, ấm áp, dễ chịu mà thân thiện với sức khỏe người nhà. Những cây gòn to lớn, già đi dưới gốc ứa đầy nhựa, lại trở thành món ăn… nhớ đời của con nít ở quê.

Nhưng chính những hột gòn ít ai để ý lại chính là cái thứ hấp dẫn nhất trong cây gòn, chúng làm nên một nghề câu thực sự kỳ công, mà dù là dân miền Tây nhưng không phải ai cũng biết.

Hột gòn chính là “mồi bén” để dụ những bầy he nghệ. Nhớ hồi nhỏ, cứ mùa nước nổi thấy những bầy cá he nghệ lội đầy dưới sàn nhà, ngoại hay nhắc: “Ông cồ bây có nghề câu he nghệ hay lắm, câu bằng mồi hột gòn. Giờ chỉ còn ông Út tụi bây là biết câu thôi”.

Chỉ vài ba lần được ông Út cho đi theo câu cá he nghệ, mới biết thế nào là cái nghệ thuật, cái thú mê của câu cá he nghệ; phải nói đó là những lần đi câu… nhớ đời. Đám con nít lau nhau như tụi tôi thì chịu thua, không đủ sự kiên trì, nhẫn nại để “chơi” món he nghệ này rồi.

Những hột gòn phải ngâm nước ít nhất 2 ngày, rồi phải đi tìm những ổ cá tạo khoảng trống nhỏ trên ruộng lúa nổi hoặc những đám cỏ dày, đánh dấu. Rồi phải thả mồi hột gòn nhử cá mấy ngày trời, tập cho bầy cá dạn dĩ, đeo theo nó mấy ngày trời, đến đúng thời điểm mới ra tay cần thủ.

Mà thời điểm câu con he nghệ giỏi lắm chỉ được chừng vài tuần lễ trong mùa nước. Mỗi lần câu bằng những chiếc xuồng nhỏ, chứa đầy nước cho xuồng khẳm lé đé, ngồi câu thật nhẹ nhàng, yên tĩnh, không nói chuyện, không hút thuốc.

Những chiếc lưỡi câu không ngạnh tự chế bằng những chiếc kim đít vàng bỏ đi, được uốn cong tóm bằng chỉ may.

Ông Út cũng là tay sát cá, mỗi ổ cá chỉ câu chừng 10- 15 phút, cứ giựt cần những con cá vừa lên khỏi mặt nước là rớt vô xuồng. Đi chừng 5- 6 ổ cá là một xuồng he nghệ chỉ có bán hoặc rộng lại ăn mấy ngày chưa hết.

Mấy ngày nay, cây gòn tự mọc trong vườn hoang treo đầy trái khô bung nở những chùm bông, những ngày nắng gió chúng bay đầy vườn, vương vãi khắp nơi tựa như mây trời sà xuống mặt ao.

Lại thấy thương cây gòn như thân phận cam chịu, mà sức sống vô cùng mãnh liệt, người ta chặt khúc bắc ngang con mương, vậy mà cũng vươn lên những mầm cây tái sinh mạnh mẽ.

Thân cây gòn chỉ có chụm củi, vậy mà nhà nghèo vẫn có thể xẻ ván đóng bổ kho (vách) chịu được 4- 5 năm trời. Bóng dáng cây gòn ngày càng ít thấy hơn, mà cũng ít người quan tâm sự còn mất của nó.

Chiều nay, nắng gió đầy trời, lại thẫn thờ ngắm cây gòn lặng lẽ bên nhà, như đang thả những chùm bông trắng muốt dịu dàng trôi về trong miền nhớ.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG