Kết nối phố

Phố cần "tối lửa tắt đèn có nhau"

Cập nhật, 16:58, Thứ Tư, 12/02/2020 (GMT+7)

Ở một góc phố nhỏ, mùng 2 tết, hai hàng xóm cãi nhau vì một cây trúc. Mùng 9 tết, cũng chuyện cây trúc, hai hàng xóm ấy lại cãi nhau. Rồi thì, không ai nhìn mặt ai. Gặp hàng xóm khác, hai người bóng gió, xỏ xiên người còn lại. Ngại va chạm, nhiều gia đình trong khu phố tạm thời “khép cửa”, chờ qua chuyện.

Trong khi đó, ở một góc phố khác… Suốt ngày, dì Chín quanh quẩn trước cửa nhà “ngó nghiêng” do các hộ xung quanh thường đóng cửa để đi làm. Ngược lại, khi dì Chín vắng nhà thì chưa kịp nhờ, hàng xóm cũng tự nguyện trông nhà giúp dì Chín.

Chuyện trông nhà giúp nhau đã thành thói quen của các hộ trong khu phố. Hôm nọ, thím Hai dưới quê lên chơi nhà anh An, đêm hôm ngã bệnh mà nhà toàn phụ nữ với trẻ em (vì anh An đi công tác vắng nhà). Hàng xóm biết tin, vội chạy sang giúp gọi xe, trông nhà, vô bệnh viện “giúp một tay”. Chị Hoa- vợ anh An- mừng rỡ nói: “Dù ở phố thuận tiện nhưng may nhờ có hàng xóm, không thì rất khó sắp xếp”.

Thiết nghĩ, “có duyên” mới là hàng xóm. Do đó, dù là hàng xóm mấy đời hay chỉ tạm thời thì “bà con xa không qua láng giềng gần”, “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” luôn đúng. Đã là hàng xóm, cần cư xử chân tình, khéo léo, luôn giữ hòa khí và tương trợ lẫn nhau.

Phố có đông đúc xô bồ, phố vẫn hồn hậu, chân tình, nồng ấm là vậy!

SÔNG HẬU