Hồi ức "người mang án tử hình" của đồng chí Hồ Minh Mẫn

4.879 ngày đấu tranh trong ngục tù Mỹ- Ngụy (tt)

Cập nhật, 05:35, Thứ Ba, 25/02/2020 (GMT+7)

Sáng 30/4, tôi đi cùng anh Sáu Ức đến Giáp Nước- nơi Bộ Chỉ huy tiền phương đóng. Anh Ba Trung (Nguyễn Đệ) là chỉ huy trưởng đã có mặt nơi đó rồi. Tôi đi quan sát chung quanh xem lại các hầm công sự, nơi đóng quân các bộ phận truyền tin phục vụ chỉ huy, bỗng có xuồng 3 đồng chí bộ đội bơi đến hối hả, vẻ mặt hớn hở la: “Dương Văn Minh đầu hàng rồi”.

Tôi hỏi: “Sao mấy chú biết?” “Chú mở Radio nghe!” Tôi bật Radio- bắt đài Sài Gòn nghe Dương Văn Minh đọc lệnh đầu hàng. Tôi mừng quýnh chạy vào gặp anh Ba Trung và anh Sáu Ức cùng bàn chuyện, tôi vừa mở radio vừa la “Dương Văn Minh đầu hàng rồi”.

Tiếng kêu đầu hàng trong radio phụ họa thêm lời nói của tôi. Anh Ba Trung mừng quá nhảy lên vỗ tay. Các anh bàn với nhau xử lý trong trường hợp này. Một lát sau, anh Ba đến đội truyền tin. Anh kêu gọi tên trung tá Trung đoàn trưởng của Sư đoàn 9 đang đóng ở Quốc lộ 1 ra đầu hàng.

Tên lính truyền tin ngụy không hay biết gì nên nó nói qua máy PRC 25 “Đ.m, tao xuống nhai đầu hết tụi bây chớ đầu hàng”. Anh Ba vẫn cầm ống nghe bình tĩnh, bỗng tên trung đoàn trưởng xin lỗi về thái độ hống hách của tên lính và bảo: “Chưa có lệnh của Vùng 4. Còn rút đồn là trách nhiệm của Đại tá Thành- Tỉnh trưởng Vĩnh Long”.

Anh Ba Trung chỉ đạo các cánh quân đánh vào TX Vĩnh Long siết vòng vây, các huyện xã bứt rút bứt hàng lúc nó hoang mang, còn tên Thành- Tỉnh trưởng ngụy Vĩnh Long thì cứ đòi chờ lệnh ở Vùng 4 chiến thuật ngụy.

Suốt ngày tin từ các nơi báo về địch đầu hàng, bỏ đồn trốn chạy dồn dập.Suốt đêm, anh em túc trực nắm tin.

Các cánh quân của ta đã áp sát các mục tiêu thị xã, sân bay. Quần chúng thị xã dưới sự lãnh đạo của ta nổi dậy cướp súng địch. Bọn lính dao động, vất quần áo, súng ống bỏ chạy. Lúc đó tên Tỉnh trưởng mới chịu hàng.

Mấy mươi năm chiến đấu, có niềm vui nào sánh được niềm vui ngày toàn thắng, suốt đêm đó không ai ngủ được. Trời mờ sáng thì tôi cùng đi với anh Sáu Ức vô thị xã. Chúng tôi đi trên lộ Cầu Vòng, hai bên lộ la liệt đạn cối quanh miệng hầm công sự mà lính ngụy vừa đào. Nhiều tốp lính vất quần áo vũ khí, thân trần trụi đón xe đò bỏ trốn về nhà.

Đến căn cứ của Tiểu đoàn 520, đơn vị đã gây bao nợ máu với cách mạng, với đồng bào, súng ống địch quăng la liệt. Một số chiến sĩ ta mệt lả người nghiêng đầu bên các khẩu pháo địch ngủ ngon lành.

Sáng 1/5, các đơn vị quân đội, công an, các ngành chiếm lĩnh các cơ sở ngụy. Dân chúng thị xã thức suốt đêm ăn mừng, pháo sáng lóe trên bầu trời, sáng nay họ lại tự do kéo khắp phố phường xem anh bộ đội Cụ Hồ hoặc những cán bộ mà địch tuyên truyền là “10 tên cộng sản đeo không gãy tàu lá chuối”.

Nông dân ở nông thôn từ khắp nơi, từ lâu bị áp bức, đau thương mất mát vì chiến tranh nay kéo nhau ra thành phố để nhìn thấy ngày tàn của bọn bạo chúa, hít lấy không khí tự do trong bầu trời giải phóng.

Biết bao công việc bề bộn trong những ngày đầu, nào là tiếp quản các cơ ngơi đồ sộ của bộ máy chiến tranh, cơ quan hành chính của địch, vừa phải truy kích bọn tàn quân, tiếp nhận hàng binh, vừa mở cửa kho phát gạo cho dân nghèo và gia đình lính ngụy bị đói do cuối tháng không có lương.

Ủy ban Quân quản ra đời quản lý chính quyền lúc mới giải phóng. Tôi được phân công làm Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, chấm dứt đoạn đời cống hiến cho 2 cuộc kháng chiến gian khổ chống xâm lược giành độc lập cho Tổ quốc. Giờ đây bước vào giai đoạn xây dựng đất nước trong hòa bình, phía trước không kém phần gay go, vết thương chiến tranh còn đó, đói nghèo còn đó, phải chiến thắng.

Ngày giải phóng, còn niềm xúc động nào hơn gặp lại người thân mấy mươi năm xa cách, còn nỗi buồn nào hơn khi nhìn cảnh những gia đình có người thân vĩnh viễn ra đi!

Tôi cũng nằm trong hoàn cảnh đó, vui ngày vui của dân tộc, vui khi đoàn tụ với các con, với bạn bè đồng chí, với xóm làng, nhưng nỗi buồn man mác trong lòng, ước gì mẹ còn sống để hưởng hạnh phúc ngày giải phóng.

Nhưng tôi tự nghĩ, trên quê hương mình còn biết bao nhiêu gia đình hy sinh cả chồng con em và tài sản cho sự nghiệp kháng chiến, nỗi đau của những gia đình, của những bà mẹ, bà chị ấy gấp vạn lần mình.

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)