Xuân về trên những chiếc bánh phồng

Cập nhật, 07:03, Chủ Nhật, 05/01/2020 (GMT+7)

Xóm tôi, xóm mà nhiều người vẫn thường gọi vui là xóm bánh phồng. Bước sang đầu Chạp là nhà nhà lại râm ran câu chuyện khoai với bánh. Đó là câu chuyện mà một đứa con dâu như tôi cũng chưa rõ hết là đã có tự bao giờ. 

Bánh phồng lên giàn chờ đón nắng.
Bánh phồng lên giàn chờ đón nắng.

Chỉ biết rằng, khi những chậu vạn thọ trước sân nhà xum xuê nhành lá là nhà tôi, nhà bác Hai, cô Tư, cô Tám lại bắt đầu rửa cối, giặt chiếu chuẩn bị quết bánh phồng.

Bánh phồng của xóm tôi là bánh phồng mì (khoai mì). Như đã thành thông lệ, nhà bác Ba có nhiệm vụ trồng khoai. Còn việc thu mua thì đã có những nhà khác.

Thế nên, để âm thanh quết bánh vẫn vang đều trong những đêm tháng Chạp thì từ tháng 5, tháng 6, bác Ba đã bắt đầu xuống khoai. Khoai mì không khó trồng, nhưng vất vả là khâu tưới sao cho khoai bắt đất tốt tươi.

Và, điều quan trọng là khi khoai đã bén củ thì lượng nước chỉ được vừa đủ, bằng dư thì khoai sẽ bị úng nước. Trời càng nắng, khoai càng khô, càng dẻo; quết, cán càng ngon.

Nhìn những củ khoai trắng đục, tròn dài, láng o sau khi đã được lột bỏ lớp da xám sần sùi, má tôi cứ tấm tắc khen: “Khoai của bác Ba là nhất! Khoai dẻo cán cực nhưng ít hao bột mà bánh lại ngon!” Ai có trong nghề hoặc chí ít một lần được cán bánh thì mới hiểu hết những lời của má.

Khoai sượng, khoai nhiều xơ, chưa cán đã hao hụt bởi phải gỡ bỏ hết xơ, sượng. Khoai bở, khoai ít bột thiếu độ kết dính thành ra khi cán không dám mạnh tay. Chỉ có khoai dẻo đẩy đến đâu bột tráng đều đến đó, tùy theo khách muốn ăn mỏng hay dày mà người cán sẽ chủ động tay.

Khi người ở phố bắt đầu vào giấc ngủ là lúc má tôi lục đục dậy nhóm bếp. Nào là xôi khoai; tách gỡ xơ, sượng; bỏ vào cối quay tay một bận; nhào nước cốt dừa, thêm đường, thêm nước. Bấy nhiêu công đoạn một mình má đảm hết. Chỉ khi khoai đã sẵn sàng lên cối quết má mới gọi ba với anh Hai.

Do quết bằng tay nên đòi hỏi người cầm chày phải khỏe và chắc. Anh Hai thủ chày, ba đứng trộn. Cứ thế ba và anh phối hợp nhịp nhàng người lên kẻ xuống để những tiếng chày cứ phình phịch giữa đêm khuya.

Thấy ba, má tuổi đã cao mà cứ thức đêm làm bánh, mỗi lần về thăm nhà chị Ba lại bảo: “Làm bánh cực quá! Thôi nghỉ đi má ơi!”

Má mỉm cười và cứ câu ấy đáp: “Má có thấy cực gì đâu! Lớn tuổi rồi, không làm bánh thì cũng có ngủ nghê gì được nhiều đâu!” Nghe thì đơn giản vậy thôi nhưng chúng tôi biết nếu bỏ đi cái chày, cái cối, bỏ đi hương vị của một nghề truyền thống thì hẳn đối với ba má là một mất mát lớn lao.

Dù lưng má đã còng hơn sau những ngày tháng xôi khoai, gỡ bánh; dù mắt ba đã mờ nhiều khi đứng trộn bột giữa đêm khuya. Nhưng má ba vẫn kiên trì từng mùa khoai, vụ bánh để khi tết đến xuân về trong nhà vẫn thoang thoảng một mùi thơm.

Thương má, thương ba, chúng tôi cũng dần thương một món bánh quê nhà. Từ thau bột được quết thật mịn, thật dai, cả nhà tôi quây quần cùng nhau cán bánh. Tiếng ống cán khua lộc cộc xen trong đó là tiếng chỉ dẫn tận tường của ba má.

Trong không khí se lạnh của những ngày giáp tết, chốc chốc cái lạnh lại tiêu tan bởi những tiếng cười giòn khi có ai đó cán ra chiếc bánh méo xẹo. Những chiếc bánh chưa đạt chuẩn ấy thường là phần thưởng cho những người thợ không chuyên như tôi khi vừa được phơi khô.

Trên bếp than hồng, ba thoăn thoắt tay trở bánh bằng chiếc vỉ bẹ dừa. Bánh phồng làm ra đã cực mà nướng cũng khó ghê! Nếu không lẹ tay bánh sẽ khét như chơi.

Ba nướng bánh mà cứ như một nghệ sĩ đang biểu diễn! Từ chiếc bánh trắng, mềm, sau vài cú hất, trở của ba bánh đã vàng đều, phồng cứng.

Bánh được má cho thêm vào ít sữa khi nhào bột nên vừa giòn, vừa thơm lại béo. Bánh vừa ngon, vừa đẹp, vừa ngày càng vắng người theo nghề thì bảo sao ba má tôi có thể bỏ cho đặng đừng!

Xuân này, xóm tôi vẫn vang vang tiếng quết, cán bánh phồng!

Bài, ảnh: DIỄM KIỀU