Tạp bút

Về quê ăn tết!

Cập nhật, 06:05, Thứ Tư, 22/01/2020 (GMT+7)

Sáng nay, tết đã đến thiệt gần. Mở cửa ra, cánh mai vàng bung sắc thắm. Xuống đường, người người rủ nhau đi trẩy hội hoa xuân. “Tết, tết, tết,… tết đến rồi”. Ta cùng nhau đón mừng xuân sang.

Sân nơi quê nhà đón tết.
Sân nơi quê nhà đón tết.

Những năm gần đây, không khí tươi vui, rộn ràng của ngày tết không chỉ diễn ra ở nơi phố thị với chuyện sản xuất, bán mua, lưu chuyển hàng hóa, hoa kiểng tấp nập mà còn lan tận đến mọi miền quê.

Và, nổi bật lên trong bức tranh tươi màu đó chính là hình ảnh hân hoan của những người con về quê ăn tết. Đường làng ngõ xóm được mở rộng. Tiếng xe, tiếng còi, tiếng nói cười rộn rã khắp thôn quê.

Mẹ dưới quê gọi điện lên hỏi: “Năm nay mùng mấy tụi con về. Độ 29 nội xẻ thịt chia heo. Nhà có gà, có vịt, có cá nữa. Muốn ăn gì? Mẹ nấu cho”. Không riêng gì tôi, với bất cứ ai, tết luôn là dịp để ta tìm về.

Không về làm sao được! Bởi tết là quê hương, là nguồn cội. Sống ở thành có thể bạn xao nhãng chuyện khói nhang, tục lệ. Nhưng ở quê dù nghèo khó hay đủ đầy thì ba ngày tết cũng phải tươm tất nơi bàn thờ gia tiên.

Lối 25, 26 nhà nhà tranh thủ chùi lư, dán tủ để những ngày xuân lòng hiếu đạo hòa trong làn hương khói quyện nhắc nhớ cháu con về chữ hiếu làm đầu.

Ấy vậy nên, những đứa con lập nghiệp xa quê, lòng nôn nao trông ngày ba mươi tết. Vậy nên, những phận người dù cật lực bất cứ đâu cũng sẽ cố gắng dành dụm thêm một phần để có thể về quê ăn tết. Thằng em bà con làm công nhân ở Bình Dương năm nào cũng đèo vợ, con về quê ăn tết.

Có năm, nhìn cảnh em chở đầy ba lô, giỏ xách trong khi vợ phải ẵm con nhỏ trên tay vượt quãng đường hàng trăm cây số để về quê ăn tết mà thấy thương quá đỗi. Gặp ai em cũng cười hề hề: “Tết mà! Phải về chứ! Phải cho cụ biết mặt cháu cố nữa chứ!” Trong tâm thức của người Việt Nam ta, câu nói chứa đựng niềm hân hoan nhất có lẽ là lời hứa về quê ăn tết của những người xa quê.

Và, người ở quê khi nghe được câu nói ấy cũng là lúc rộn lên niềm vui trông chờ những ngày xuân ấm áp, sum vầy. Chỉ có tết mới có thể xóa hết mọi trở ngại thuộc về không gian và địa lý. Chỉ có tết mới đo lường hết nỗi lòng với quê hương.

Như chú Tư gần nhà chẳng hạn. Có thời gian chú làm ăn thất bát phải bỏ quê đi biền biệt. Nay chú lại được về với quê, sống ở quê thì không còn gì mong mỏi hơn.

Chú bảo: “Không gì đau đớn cho bằng có quê mà không thể về! Có những khi bày mâm cúng giao thừa nơi đất khách quê người mà lòng quặn đau rồi bật khóc như một đứa trẻ. Mong rằng những ai vì hoàn cảnh phải xa quê, dù thế nào đi nữa cũng cố gắng vượt qua để được về với quê. Quê hương luôn đón đợi ta về”.

Vâng, quê hương vẫn mãi là quê hương. Về mà coi hoa mai vẫn vàng bông trước ngõ. Hàng vạn thọ trước sân nhà vẫn rực rỡ sắc vàng tươi.

Nồi thịt kho vẫn riu riu lửa đỏ. Bánh tét đã gói xong rồi giờ thì lấy cải mần dưa ra. Thịt, mỡ, dưa, hành đã sẵn sàng cho ba ngày tết. Còn chần chờ gì nữa, ta phải về quê thôi!

Bài, ảnh: DIỄM KIỀU