Người thổi hồn vào cây, trái

Cập nhật, 06:11, Thứ Năm, 23/01/2020 (GMT+7)

Từ những trái dừa khô, gốc cây,… ông Đặng Hồng Điểm (đường 3 Tháng 2, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều- TP Cần Thơ) cho ra lò nhiều tác phẩm nghệ thuật, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là những phù điêu nổi trên vỏ đựng bình trà theo yêu cầu của khách đang ngày càng hút khách.

Ông Đặng Hồng Điểm vẽ phác họa hình thù lên vỏ dừa rồi dùng dao khắc, đây là công đoạn chính tạo ra sản phẩm.
Ông Đặng Hồng Điểm vẽ phác họa hình thù lên vỏ dừa rồi dùng dao khắc, đây là công đoạn chính tạo ra sản phẩm.

Lao động phổ thông bén duyên… điêu khắc

Chúng tôi đến nhà ông Đặng Hồng Điểm vào buổi chiều. Trong ngôi nhà nhỏ xinh, ông dành hẳn một phòng để làm công việc yêu thích. Nói về cơ duyên đến với nghề ông cho biết, lúc trẻ lao động phổ thông, việc làm không ổn định.

“Khoảng năm 1983, trong lần tình cờ đến thăm tiệm điêu khắc của thầy Tám Lý ở đường Phạm Ngũ Lão (phường An Hòa, quận Ninh Kiều), tôi thấy thích nên xin vào học”.

Và theo lời ông Điểm, lúc đó cũng có rất nhiều người học bởi thầy Tám Lý có uy tín trong vùng. Do sở thích cộng với chút năng khiếu nên ông Điểm đã sớm ra nghề và làm tại gia. Cũng nhờ “tiếng thơm” của thầy mà học trò của ông được nhiều khách hàng biết đến.

Mới đầu ông Điểm thử nghiệm khắc trên vỏ dừa khô và sau đó làm bán sản phẩm vỏ bình đựng nước. “Vợ vẽ, tôi khắc. Sản phẩm là tứ linh: long, lân, quy, phụng”.

Sau nhiều năm “làm một kiểu sản phẩm”, trong khi ông “luôn muốn hướng đến sản phẩm độc, lạ”. “Năm 1991, tôi đến học thầy Trần Đình Nghĩa là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhờ vậy, ngoài hình tứ linh, tôi đã cho ra nhiều sản phẩm như hoa sen, bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông), bình bông, giỏ lan, những chiếc ghe, thuyền được làm bằng xơ dừa hoặc bằng tre,… và khắc theo yêu cầu hoặc ý tưởng của khách hàng”.

Từ đó, ông Điểm “sống khỏe” nhờ ký gửi rất nhiều cửa hàng bày bán quà lưu niệm, khách sạn, khu du lịch ở Cần Thơ. Tuy nhiên, một thời gian sau, sản phẩm của ông bắt đầu ít người mua.

Ông lo lắng và đi quan sát ở các cửa hàng mới nhận ra các sản phẩm từ tỉnh Bến Tre cũng làm gần giống vậy mà giá lại rẻ hơn vì làm bằng máy móc.

Những mẫu song long tranh châu, long phụng ngậm chữ phúc thường được khách hàng ưa chuộng.
Những mẫu song long tranh châu, long phụng ngậm chữ phúc thường được khách hàng ưa chuộng.

“Mình về suy nghĩ. Nếu cứ khắc cạn, vẽ màu kiểu này hoài thì cũng không nổi trội, đặc biệt gì. Vậy là mình từ từ mày mò và đem phù điêu nổi đưa vào sản phẩm của mình”- ông Điểm cho biết.

Nói đơn giản là vậy, tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, việc cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh thì lắm công phu, gồm nhiều công đoạn như cắt phần nắp đậy, gỡ một phần gáo dừa, vẽ phác họa hình ảnh, chạm khắc, sơn PU. Trong đó phần nào cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ.

Độc đáo, khác biệt là việc điêu khắc “nguyên khối, đi nhiều lớp” để tạo ra tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, sống động là vô cùng kỳ công, tốn công sức và phải tốn 3-4 ngày mới hoàn thành.

Sản phẩm đang bán ổn định trên thị trường bỗng dưng “chựng lại”. Ông cho biết, năm 2010, hàng hóa nhập về bán trên thị trường là những bình trà kiểu quai ngang trong khi vỏ bình ông làm là cho… bình quay đứng.

Vậy là ông Điểm thử nhờ người em gửi bán ở TP Hồ Chí Minh, bất ngờ sản phẩm bán rất chạy. Đến nay ông làm theo đặt hàng của khách và định kỳ gửi bán ở TP Hồ Chí Minh cho đến tận bây giờ.

Giữ gìn nét văn hóa truyền thống

Hơn 35 năm trong nghề, sản phẩm của ông Điểm được nhiều nơi biết đến bởi độ hiếm và sự độc lạ của nó. Ngoài thực hiện điêu khắc để bán cho khách hàng, trong căn phòng nhỏ còn có một góc cho một số tác phẩm trưng bày đặc biệt ít khi bán.

Ông Điểm “bật mí”, từ nhỏ rất thích môn Lịch sử nên những gốc tre, gốc dừa,… được ông khắc họa những hình ảnh trận đánh lịch sử, hay các nhân vật anh hùng Việt Nam như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo,... Đây còn là liệu pháp giúp ông giải trí hay khi bị “căng thần kinh” do phải làm liên tục một kiểu khắc mà khách đặt hàng.

Đưa chúng tôi xem một album ảnh, ông Điểm cho biết, bên cạnh những hình ảnh long phụng thì đây là một ít những sản phẩm đã bán cho khách mà tôi thấy thích nên chụp lại làm mẫu và kỷ niệm. Trong đó gồm những hình ảnh, vật dụng đời thường, gần gũi với người dân được tạo hình đẹp mắt như ngôi nhà, mẹ ôm con, bình cắm hoa, cô gái ôm đàn, chậu hoa sen,…

 

Trên các bình hoa, những anh hùng dân tộc được khắc lên rất sống động.
Trên các bình hoa, những anh hùng dân tộc được khắc lên rất sống động.

Ông Điểm nói vui: “Khỏi đăng ký, sản phẩm của tôi xem như độc quyền”. Bởi “nếu chọn người “cộng sự” thì ít nhất người này phải biết làm thợ mộc. Ngoài ra, từ khâu đầu đến khâu cuối phải biết vẽ, biết phù điêu, điêu khắc… cuối cùng không có ai làm được nên tôi chỉ làm một mình”.

Ông kể, có một anh bạn nghiên cứu văn hóa người Mỹ tìm đến tận nhà, ban đầu định mua ống tre khắc hình nhân vật lịch sử với giá 1.500.000 đ/cái. “Nhưng cuối cùng thấy tôi tận tay làm nhiều thứ quá nên mua mỗi thứ một món rồi nói vui rằng, nếu ở đây lâu chắc hết tiền!”- ông Điểm kể lại.

Hiện sản phẩm được bán ở TP Hồ Chí Minh với giá khá cao, từ 600.000- 1.200.000 đ/trái tùy theo mẫu mã. Vào những dịp cận tết, số lượng người đặt ông làm ngày càng nhiều. Mới đây, có một người ở Cần Thơ đặt khắc trên một trái dừa lớn, có hồ sen và 12 con giáp, giá 3.000.000 /trái.

Và ông Điểm cười: “Đang có một cửa hàng ngỏ ý muốn bao tiêu sản phẩm của tôi để làm sản phẩm độc, lạ ở Cần Thơ. Tôi rất mừng nhưng chưa dám nhận lời”.

Bởi hiện giờ ông chỉ làm cầm chừng, theo đặt hàng, thường mỗi tháng làm khoảng 6 trái bán ở TP Hồ Chí Minh. Bởi, ông bận công tác tại địa phương và còn vì lý do sức khỏe.

Hình ảnh trái dừa khô đựng bình trà giữ ấm gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân Nam Bộ từ rất xa xưa. Giờ cuộc sống đã thay đổi, bình trà giữ ấm không còn được nhiều người sử dụng mà thường khách mua làm quà tặng, trưng bày.

Tuy nhiên, ông Điểm vẫn quyết tâm “còn sức thì còn làm” bởi “nó đã trở thành đam mê, tôi sẽ phát huy hơn nữa”. Rồi ông dự tính “sẽ thay đổi hình ảnh long, phụng bằng những hình ảnh thân quen, gần gũi như cảnh làng quê, nông dân đập lúa, xóm chài, phà Cần Thơ,… để ghi nhớ lại ký ức một thời nơi mình sinh sống cũng như giữ gìn nét sinh hoạt hồi trước của ông bà để con cháu sau này biết đến”. 

Bài, ảnh: TẤN ANH- NGUYÊN KHÁNH